Người dân 'tâm tư' về biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý

Theo ông Phạm Trọng Đạt, dư luận nêu ý kiến về khu đất, nhà của ông Phạm Sỹ Quý cũng có cơ sở, bởi vì sao một ngày có tới 6 quyết định ký chuyển đổi đất như vậy. Liệu nếu là người dân có được như thế không?

Bên lề Quốc hội sáng 13/6, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, việc Thanh tra tỉnh Yên Bái đang tiến hành thanh tra các vấn đề liên quan đến khu "biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh này là đúng theo phân cấp quản lý cũng như quy định của pháp luật.

"Hiện nay, Thanh tra tỉnh đang làm rõ về vấn đề đất đai tại đây và sau khi có kết luận thì báo chí có thể hỏi thêm về nguồn gốc tài sản ở trên đó cũng như tài sản này có được kê khai hay không", ông Đạt nói.

Ông Phạm Trọng Đạt nói về việc thanh tra các vấn đề liên quan đến biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.

Trước ý kiến bày tỏ lo ngại, ông Phạm Sỹ Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) thì Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra liệu có thực sự khách quan không, ông Đạt cho rằng chưa có căn cứ để nói như vậy.

Cục trưởng cục Chống tham nhũng cho rằng không chỉ báo chí mà người dân cũng sẽ thấy khu "biệt phủ" của gia đình ông Giám đốc Sở này cần phải suy nghĩ.

"Theo tôi, dư luận nêu ý kiến về khu đất, nhà này cũng có cơ sở, bởi vì sao một ngày có tới 6 quyết định ký chuyển đổi đất như vậy. Liệu nếu là người dân có được như thế không. Thứ hai, như tôi đã nói, những tài sản đó nguồn gốc ở đâu, có được kê khai hay không... Những việc này cần phải làm rõ ràng", Cục trưởng Cục chống tham nhũng nhấn mạnh.

Biệt thự của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý.

Mới đây, hình ảnh nguy nga, tráng lệ, được xem là hoành tráng nhất tỉnh Yên Bái của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã khiến dư luận không khỏi xì xào, bàn tán. Quần thể nhà của gia đình ông Quý tọa lạc ở một vị trí đắc địa tại TP Yên Bái, gồm một ngôi biệt thự thiết kế kiểu giật tam cấp, lưng tựa đồi, nhìn ra hồ nước. Bên cạnh đó là khu nhà sàn rộng chừng 60m2. Trước mặt biệt phủ có hồ nước lớn, xung quanh hồ nước có thiết kế phần động đá, trồng cây, hoa, khu nuôi gà cảnh. Điểm nhấn của khuôn viên nhà là vòi phun nước giữa hồ và chiếc cầu treo bắc ngang qua hồ nước.

Cùng với đó là thông tin 6 quyết định liên tiếp nhau được ông Nguyễn Yên Hiền (Phó Chủ tịch UBND TP Yên Bái) ký trong một ngày (20/7/2015) để chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.

Yên Bái còn hơn 55.000 hộ nghèo

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, kết quả rà soát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2016 cho thấy, tổng số hộ nghèo là 55.437 hộ, chiếm tỷ lệ 26,97%; tổng số hộ cận nghèo là 21.222 hộ, chiếm tỷ lệ 10,32%.

Yên Bái cũng là địa phương có 2 huyện nằm trong diện huyện nghèo nhất nước, đó là Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Huyện Trạm Tấu có 67% số hộ nghèo, chiếm tỷ lệ cao nhất tỉnh và tiếp đến là huyện Mù Cang Chải có 66,79% số hộ nghèo.

Rớt nước mắt nhìn cảnh trẻ em Trạm Tấu - Yên Bái ăn cơm. Ảnh tư liệu GDVN

Một hộ tức là một gia đình. Hơn 55.000 hộ nghèo, chưa tính cận nghèo, nhân với trung bình 4 người một hộ (vùng cao có thể nhiều người hơn), vị chi có khoảng hơn 200.000 người dân Yên Bái đang phải sống trong cảnh nghèo túng. Trong khi đó, dân số tỉnh Yên Bái tính đến năm 2015 chỉ có khoảng gần 800.000 người.

Gần 800.000 dân mà có đến hơn 200.000 người nghèo, chưa kể người cận nghèo là một con số biết nói. Chắc hẳn, trong số hơn 55.000 gia đình nghèo này, có không ít trẻ em hằng ngày cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Nhìn khu biệt phủ xa hoa của gia đình ông Phạm Sỹ Quý rồi liên tưởng đến hình ảnh những em bé dân tộc vùng cao ở Yên Bái thiếu thốn đủ đường, ai cũng trăn trở.

VIẾT CƯỜNG

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/yen-bai-55000-ho-ngheo-va-biet-phu-xa-hoa-cua-gia-dinh-ong-pham-sy-quy-d123232.html