Người dân tái định cư Huổi Lóng, Điện Biên còn nhiều khó khăn

Dù đời sống đã được nâng cao hơn, song việc thiếu những cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu đang làm cuộc sống của bà con gặp không ít khó khăn.

Sau gần 10 năm di chuyển về nơi ở mới do nằm trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, cuộc sống của người dân bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, việc thiếu những cơ sở hạ tầng thiết yếu, cũng như thiếu đất sản xuất đang khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Sau gần 10 năm đến nơi ở mới, bản Huổi Lóng đã khoác lên mình diện mạo mới với những nếp nhà sàn đẹp đẽ mọc lên san sát bến sông.

Bản tái định cư Huổi Lóng, xã Huổi Só cách trung tâm huyện Tủa Chùa khoảng 65 km. Đây là một trong những bản xa nhất, nhiều khó khăn nhất của huyện. Bản có 98 hộ, trên 550 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Dao sinh sống, trong đó có 84 hộ được bố trí sắp xếp theo Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.

Ông Phàn Quang Châu, một trong những hộ dân thuộc diện tái định cư chia sẻ từ khi chuyển lên điểm tái định cư mới, cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi, đặc biệt nơi ăn chốn ở đã được đầu tư khang trang hơn.

Từ khi đến nơi mới, được các cấp chính quyền và người dân sở tại quan tâm giúp đỡ, đời sống của bà con Huổi Só đã khác trước nhiều. Những nếp nhà sàn, ngói trắng mọc lên san sát bên bờ sông cho thấy sự đầm ấm, khang trang.

Nhà cửa khang trang, nhưng cuộc sống người dân nơi đây vẫn khó khăn do thiếu đất sản xuất.

Tuy nhiên, sau 10 năm được đầu tư, đường giao thông vào bản đã bắt đầu xuống cấp; trạm y tế ở xa khu dân cư, nên người dân gặp không ít khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt, việc thiếu đất sản xuất khiến người dân loay hoay xoay sở, khó vươn lên thoát nghèo.

Một số hộ muốn tận dụng lòng hồ sông Đà để nuôi cá lồng bè, nhưng lại thiếu vốn. Người dân nơi đây rất mong muốn được các ngành, các cấp đầu tư, hỗ trợ vốn, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để chuyển đổi nghề, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Ông Tẩn A Cỏn, Trưởng bản Huổi Lóng, xã Huổi Só cho biết: "Riêng về sản xuất vẫn đang thiếu đất, trong các cuộc họp bà con vẫn đề nghị nhà nước đầu tư hỗ trợ cho bà con về đất để có tư liệu sản xuất".

Hiện bản vẫn còn trên 70 hộ nghèo, cuộc sống bấp bênh, nhiều người dân mưu sinh bằng những con cá, con tôm đánh bắt hằng ngày.

Nhằm ổn định đời sống cho nhân dân nói chung, các hộ tái định cư thủy điện Sơn La nói riêng, những năm qua, huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tập trung áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới tiêu để bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó chú trọng khảo sát nhu cầu học nghề của bà con để từng bước tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để người dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm...cho các bản tái định cư; sửa chữa một số công trình hư hỏng, xuống cấp, tạo vốn và cơ chế để hỗ trợ cho dân bản vẫn nằm ngoài tầm tay của huyện.

Ông Vừ A Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa cho biết: "Qua việc đầu tư xây dựng thủy điện Sơn La, còn một số hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng còn thiếu. Địa phương mong tỉnh sớm quan tâm đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng cũng như tạo các cơ chế để hỗ trợ cho bà con vùng tái định cư trong thời gian tới đây sẽ được phê duyệt sớm để có nguồn vốn, nguồn lực để đầu tư cho bà con sớm ổn định cuộc sống".

Cũng theo ông Hùng, để cuộc sống của bà con vùng tái định cư thủy điện Sơn La ổn định hơn, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, giúp người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế, tập trung xóa đói giảm nghèo và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp nơi đây./.

Vũ Lợi/VOV - Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-tai-dinh-cu-huoi-long-dien-bien-con-nhieu-kho-khan-625973.vov