Người dân sẵn sàng đánh đổi lợi ích kinh tế để bảo vệ môi trường

Đó là kết quả được ghi nhận qua khảo sát về chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2016 cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức và mối quan tâm của người dân đối với chất lượng môi trường.

Đoàn thanh niên xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức lễ ra quân vệ sinh và bảo vệ môi trường

Đoàn thanh niên xã Hướng Đạo (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức lễ ra quân vệ sinh và bảo vệ môi trường

Năm 2016, đói nghèo và môi trường là những vấn đề được người dân đánh giá “hệ trọng nhất” (cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP). Theo đó, đói nghèo được 24% người được hỏi đánh giá là vấn đề hệ trọng nhất, tiếp theo là vấn đề môi trường (12% số người được hỏi). Sự gia tăng đột biến tỷ lệ người dân quan tâm đến vấn đề môi trường (tăng 10% so với tỷ lệ năm 2015) đã phản ánh sự lo ngại trước những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng và rõ nét của tình trạng ô nhiễm môi trường đến chất lượng sống và việc phát triển kinh tế - xã hội.

Lo nhất chất lượng nước và không khí

Năm 2016, ở hầu hết các tỉnh/thành phố, tỉ lệ người trả lời cho rằng môi trường là vấn đề quan ngại nhất tăng lên và vượt ngưỡng 2,5% ở mức rất đáng kể. Các tỉnh miền Trung, đặc biệt là ở các tỉnh Bắc Trung bộ gồm Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng và Quảng Bình, tỉ lệ người trả lời cho rằng môi trường là vấn đề đáng quan ngại nhất đều ở mức trên 12,5%.

Tuy nhiên, Báo cáo PAPI 2016 chỉ rõ, trên thực tế, sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại khu vực duyên hải miền Trung do xả thải công nghiệp không phải là sự cố duy nhất được quan tâm đặc biệt trong thời gian qua.

Nhiều sự cố ô nhiễm khác, trong đó có ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là do xả thải công nghiệp đã diễn ra nhiều lần trong những năm gần đây và ô nhiễm không khí ở các khu đô thị lớn và khu chế xuất và khu công nghiệp tại các thành phố lớn và Đồng bằng sông Hồng, hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… đã thu hút sự quan ngại đặc biệt của người dân đến chất lượng môi trường sống và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe cộng đồng.

Kết quả phân tích cho thấy nhóm dân cư có trình độ học vấn cao hơn quan ngại hơn về điều kiện môi trường nhiều hơn và đây cũng là nhóm bày tỏ sự sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để bảo vệ môi trường tốt hơn.

Theo đó, những người có trình độ học vấn từ đang học dở cấp trung học phổ thông trở lên có xu hướng bày tỏ sự quan ngại trước vấn đề môi trường nhiều hơn các nhóm còn lại, với tỉ lệ ước lượng là 13%. Trong khi đó, tỉ lệ những người học xong cấp tiểu học trở xuống (nhóm có trình độ học vấn thấp) cho rằng môi trường là vấn để hệ trọng nhất chỉ là 4%.

Bên cạnh đó, người dân toàn quốc, đặc biệt những người sống tại khu vực Đồng bằng sông Hồng ngày càng lo ngại hơn về chất lượng không khí và nước sinh hoạt. 60% số người trả lời cho biết đó là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí là đáng ngại nhất.

Khảo sát năm 2016 cho thấy, trong số 48% số người sống gần các nguồn nước (gồm sông, kênh, rạch, suối), chỉ có 7% cho rằng nước từ các nguồn đó là đủ sạch để ăn uống, 25% cho rằng nước đủ sạch để giặt giũ và 28% cho rằng nước đủ sạch để bơi lội.

Điều cần lưu ý hơn từ kết quả khảo sát này là cảm nhận của người trả lời về việc chất lượng nước đã thay đổi sau 3 năm. Phần lớn người trả lời ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển phía Nam cho rằng chất lượng nguồn nước ngày càng kém đi. Rất có thể hạn mặn do nước biển xâm nhập và thiếu nước trên sông Cửu Long đã khiến cho chất lượng nước từ sông ngòi những khu vực này không còn được như trước đây.

Với chất lượng không khí, người trả lời đánh giá cao hơn so với chất lượng nước. 64% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết chất lượng không khí ở mức khá. Khi được hỏi về sự thay đổi qua thời gian, 36% cho rằng chất lượng không khí kém hơn so với ba năm trước, song cũng có 38% cho rằng chất lượng không khí đã cải thiện hơn.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ người trả lời cho biết chất lượng không khí đi xuống cao nhất toàn quốc. Ở phía Nam, người trả lời ở TPHCM và khu vực lân cận cũng cho rằng chất lượng không khí ngày càng kém đi. Người trả lời ở Hà Nội và TP HCM phàn nàn nhiều nhất về chất lượng không khí, với 58% số người trả lời ở Hà Nội và 42% số người trả lời ở TPHCM cho biết chất lượng không khí năm 2016 kém hơn nhiều so với ba năm trước.

Cân bằng giữa các lợi ích phải đánh đổi

Đó là câu hỏi cần phải có lời giải để giải quyết được đói nghèo và môi trường. Có thể thấy rằng đa số người được hỏi ủng hộ ưu tiên cho bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, kết quả nghiên cứu PAPI 2016 khẳng định, việc tìm hiểu sự đánh đổi giữa bảo vệ môi trường với các vấn đề khác là rất cần thiết vì một số lý do.

Trước hết, nguồn lực và mối ưu tiên của Nhà nước chỉ có hạn. Ngân sách dành cho bảo vệ môi trường không thể dùng cho mục đích xóa đói, giảm nghèo. Thứ hai, có quan điểm cho rằng những chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế hay tạo việc làm có thể có tác động tiêu cực tới môi trường. Trên thực tế, không phải lúc nào quan điểm đó cũng đúng, bởi vì không quan tâm tới bảo vệ môi trường cũng có thể gây thất nghiệp.

Trước dư luận xung quanh sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến, kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy Việt Nam đứng ở thứ bậc cao trên bảng xếp hạng toàn cầu về tỉ lệ người trả lời cho biết bảo vệ môi trường cần được ưu tiên cho dù phải hy sinh phần nào kết quả tăng trưởng kinh tế. Có tới 77% số người được hỏi ở Việt Nam cho rằng bảo vệ môi trường cần được ưu tiên. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 82%, ở Nhật Bản là 64% và ở Indonesia là 47%. Đặc biệt người trả lời thuộc các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung (gồm Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh) sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để bảo vệ môi trường.

Vẫn thường trực nỗi lo “đói nghèo”

Ngoài ra, PAPI 2016 nhận thấy, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Hiện chưa đến 15% số dân trên toàn quốc thuộc nhóm hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo (theo thước đo nghèo đa chiều mới) nhưng đói nghèo vẫn là nỗi băn khoăn thường trực của người dân vì những người mới thoát nghèo hoặc gần mức cận nghèo (khoảng 5%) lo ngại họ có thể rơi vào tình trạng nghèo đói bất kỳ lúc nào.

Kết quả phân tích ban đầu cho thấy nhóm dân cư có điều kiện kinh tế hộ gia đình còn kém đánh giá đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của đất nước. Nhóm dân cư có điều kiện kinh tế khá giả hơn thường coi trọng bảo vệ môi trường hơn tăng trưởng kinh tế. Song, đói nghèo vẫn được xem là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất đối với người trả lời thuộc tất cả các nhóm thu nhập. “Điều này cho thấy xóa đói, giảm nghèo vẫn được người dân Việt Nam xem là trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc gia” – Báo cáo PAPI 2016 nhận định.

Đói nghèo là mối quan ngại hàng đầu của 34% số người trong nhóm thu nhập thấp nhất, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 18% người trả lời trong nhóm thu nhập cao hơn. Mặc dù ít người trong nhóm khá giả cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất, song đây cũng vẫn là vấn đề được nhiều người trong nhóm đó đề cao. Một khả năng đặt ra là những người có thu nhập cao hơn quan tâm đến đói nghèo như một vấn đề xã hội đáng được Nhà nước quan tâm, trong khi những người nghèo lo lắng về đói nghèo là điều hiển nhiên mang tính cá nhân.

Trước đó, dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó đã nêu rõ mục tiêu trong giai đoạn 2016- 2020, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm với nhiệm vụ đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hy vọng phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 với chủ đề: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng phát động, đói nghèo sẽ không còn là nỗi lo thường trực của người dân, nhất là những đối tượng đang thuộc diện nghèo và cận nghèo hiện nay.

Hoàng Thu Nga

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/nguoi-dan-san-sang-danh-doi-loi-ich-kinh-te-de-bao-ve-moi-truong-329777.html