Người đàn ông một đời đắm đuối điệu then

Lúc nào nhà ai trong thôn có việc, nghệ nhân hát then Lưu Xuân Lai (ở thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) lại mang đàn tính ra hát then để giúp đón khách. Giọng hát ngọt ngào, du dương của ông hòa với âm thanh thánh thót của cây đàn tính như vang khắp núi rừng, làm say đắm lòng người.

Then đã ngấm vào máu

Năm nay 65 tuổi, nghệ nhân hát then Lưu Xuân Lai đã gắn bó với then được hơn 50 năm. Ngày còn nhỏ, vì thích những làn điệu then Tày cổ, mỗi khi các cụ cao niên trong làng biểu diễn, cậu bé Lai thường lén nghe và hát theo. Đến năm 10 tuổi, cậu theo các thầy cúng trong xóm đi học lời và hát những bài then cổ.

Nghệ nhân Lưu Xuân Lai (phải) hát then đón khách đến nhà chơi. Ảnh: L.S

Anh Mông Văn Hoàng ở xã Lam Vĩ, huyện Định Hóa, Thái Nguyên chia sẻ: “Để gìn giữ được các bài hát, bài cúng bằng tiếng dân tộc là đã khó, chưa kể đến phiên dịch các văn bản chữ Hán Nôm cổ của ông cha còn để lại còn khó hơn. Phải là những người cực kỳ yêu, tâm huyết với hát then mới có thể kỳ công như vậy. Nhờ những người như ông Lai, thế hệ trẻ chúng tôi mới có điều kiện để tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

“Mỗi dịp đầu xuân, các gia đình người Tày, Nùng ở các bản làng thường tổ chức các cuộc hát then, cầu sức khỏe cho người già và trẻ con ít ốm đau, giải hạn năm cũ, cầu may mắn năm mới. Mỗi cuộc then có thể diễn ra thâu đêm suốt sáng, có những cuộc kéo dài liền mấy ngày đêm. Người già, người trẻ quây quần, tập trung đông đủ lắng nghe lời hát của then. Then là điệu hát của thần tiên truyền lại, đồng thời then còn là hình thức cúng bái, tồn tại trong đời sống văn hóa tâm linh lâu đời của đồng bào dân tộc Tày” – ông Lai cho hay.

Mỗi bộ then gồm nhiều bài, mỗi bài có thể dài đến vài nghìn câu. Các bộ then, bài then là những tích truyện, kể về hành trình gian khổ của đội quân then, theo lệnh then, đến được thượng giới mang những điều tốt lành về cho gia chủ. Có những bài then kể ơn công lao của cha mẹ, dạy con người cách đối nhân xử thế… Người nghệ nhân dân gian phải hát hay, đàn giỏi, phải thuộc rất nhiều chương đoạn của từng loại then.

Từ năm 2006, nhờ sự giới thiệu của xã, ông Lai mang các làn điệu then đi biểu diễn ở các tỉnh có nhiều dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Mỗi chuyến đi, ông vừa phổ biến các điệu then, vừa sưu tầm thêm các làn điệu mới. “Để sưu tập và lưu giữ lại các điệu then cổ, tôi tìm đến các nghệ nhân có tiếng ở trong và ngoài tỉnh. Bởi nếu mình không giữ gìn, khi có ai qua đời, vốn quý lại bị thất truyền. Tôi đã sưu tập được hàng chục điệu then cổ và tự mình dịch từ tiếng Tày sang tiếng phổ thông hoàn chỉnh, mượt mà, để con cháu dễ hiểu, dễ nhớ hơn” – ông Lai chia sẻ.

Truyền lại cho con cháu

Thấy hát then ngày càng bị mai một, nhất là thế hệ trẻ không còn quan tâm nhiều đến hát then, ông Lai luôn đau đáu khơi lại nhiệt huyết cho lớp con cháu. Ông mở các lớp dạy đàn, hát miễn phí ngay ở nhà mình. “Đầu tiên là phải cuốn hút con cháu trong thôn cho chúng thích nghe hát dân ca. Sau đó chọn ra các cháu có chất giọng tốt, kiên trì thuyết phục gia đình và chính các cháu theo học đàn, hát. Đầu tiên dạy đánh đàn, biết lên dây, vừa đàn vừa hát...” – ông Lai kể.

Ban đầu lớp học của ông chỉ có hơn 10 cháu, giờ nhiều người đã tự tìm đến xin cho con em mình được học hát then. Từ những lớp học then tại nhà của ông Lai, cộng thêm phong trào hát then được nhà nước hỗ trợ khơi dậy, số lượng người tìm đến then cũng nhiều hơn. Mỗi thôn, xóm bây giờ đều có đội, tổ, nhóm dân ca với sự tham gia của các thành viên từ em nhỏ cho đến cụ già.

Nghệ nhân Lưu Xuân Lai còn là một trong số ít những người ở Thái Nguyên có khả năng chế tạo những cây đàn tính có hình thức và âm điệu đạt chuẩn. Gần 10 năm nay, mỗi năm ông tự làm được 300 chiếc đàn tính từ quả bầu đá khô. Với ông làm đàn không phải để kinh doanh, mà vì niềm say mê và mong muốn duy trì, đưa những làn điệu hát then của dân tộc Tày đến với đông đảo mọi người.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/nguoi-dan-ong-mot-doi-dam-duoi-dieu-then-716465.html