Người dân ồ ạt đi khai thác quặng thiếc trái phép

Gần đây, tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong mỗi ngày có đến hàng trăm người ồ ạt kéo nhau đi khai thác quặng thiếc trái phép. Tình trạng khai thác thiếc trái phép không những làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở xã vùng biên...

Hàng trăm người dân khai thác, tận thu quặng tại xã Tri Lễ. Ảnh: Lương Ý

Tình trạng khai thác quặng thiếc diễn ra tại xã Tri Lễ diễn ra từ tháng 9/2016, khi đó một số người dân phát hiện quặng lộ thiên nên kéo nhau đi đào.

Đến cuối tháng 10/2016, tình hình rất lộn xộn nên cơ quan chức năng huyện Quế phong tiến hành truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác trái phép ra khỏi địa bàn, tình hình đã trở lại ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay tình trạng trên lại tiếp diễn và có chiều hướng phức tạp khi các đối tượng khai thác đã mở rộng phạm vi khiến cho nơi đây như một “đại công trường” khai thác quặng thiếc.

Khu vực đang diễn ra tình trạng khai thác trái phép thuộc đất mỏ của Công ty TNHH Ngọc Sáng (Cty Ngọc Sáng) có trụ sở đóng tại tỉnh Thanh Hóa. Do làm ăn không hiệu quả nên Cty Ngọc Sáng tạm dừng hoạt động và đến cuối năm 2015 thì đơn vị này hết hạn giấy phép khai thác. Từ khi Cty Ngọc Sáng ngừng khai thác, công trường này đã bị bỏ hoang khoảng hơn 1 năm nay. Tuy nhiên, sau trận lụt tháng 9/2016 vừa qua thì một số người phát hiện có ít quặng thiếc lộ thiên lẫn với đất đá thải xuất hiện tại một bãi thải trước đây của Cty Ngọc Sáng. Vì thế, hàng trăm người dân đã ồ ạt kéo nhau đi đào bới khai thác quặng. Thời cao điểm nhất, có tới gần 600 người cùng khai thác quặng thiếc ở đây.

Cảnh mua bán quặng nhốn nháo ngay tại bờ sông. Ảnh: Lương Ý

Có mặt tại sông Quang, chúng tôi thấy hàng trăm người dân đang tiến hành khai thác quặng. Một người dân ở bản Na Lịt, nói với chúng tôi: “Từ mấy ngày qua có hàng trăm người từ nơi khác kéo đến cùng với nhiều người dân ở các bản Na Lịt, Tà Pàn, Na Niếng… ồ ạt đào đất ở khu vực bãi thải của Cty Ngọc Sáng đem xuống sông Quang đãi quặng. Cảnh tượng rất náo loạn, an ninh trật tự của địa phương cũng bị ảnh hưởng, sông thì bị ô nhiễm”.

Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Tình trạng người dân khai thác, mót quặng rầm rộ diễn ra từ thứ 7 tuần trước. Trước tình trạng trên, xã đã báo cáo với huyện cũng như tổ chức tuyên truyền cho người dân nhưng không hiệu quả. Trung bình mỗi ngày có từ 300 đến 500 người dân ở khắp nơi từ Cắm Muộn, Quang Phong rồi dân ở huyện Quỳ Hợp ồ ạt kéo nhau về đãi quặng”.

Đối tượng thu mua quặng (đội mũ bảo hiểm và mũ lưỡi trai) . Ảnh: Lương Ý

Trước tình hình trên ngày 22/11, UBND huyện Quế Phong đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 1727/QĐ-UBND với số lượng lên tới 44 người để tiến hành tuyên truyền, đẩy đuổi các đối tượng khai thác, tận thu quặng thiếc trái phép. Tuy nhiên, hiện việc đẩy đuổi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng người dân tham gia quá lớn. Hơn nữa, Tri Lễ là xã biên giới, hầu hết đồng bào là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: “Tôi vừa kiểm tra thực địa tại hiện trường, đúng là tình trạng khai thác, tận thu quặng thiếc tại mỏ quặng cũ của Cty Ngọc Sáng đang diễn ra rầm rộ. Ngay khi ghi nhận tình hình thì chiều 22/11 tôi đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành với sự tham gia của Công an, Biên phòng, Ban Chỉ huy Quân sự… với số lượng là 44 thành viên để tiến hành tuyên truyền, đẩy đuổi các đối tượng khai thác, ổn định tình hình khu vực biên giới. Hiện tại có hai việc quan trọng phải làm, thứ nhất phải tuyên truyền cho dân hiểu, thứ hai là điều tra các đối tượng đứng đầu, thu mua quặng để xử lý thật nghiêm và đẩy đuổi ra khỏi địa bàn thì vấn đề sẽ được giải quyết”.

Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch xã (đứng chống nạnh) bất lực nhìn người dân đào đãi quặng ở sông Quang. Ảnh: Lương Ý

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng chỉ đạo chính quyền huyện Quế Phong vào cuộc quyết liệt và xử lý dứt điểm vụ việc. Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề khai thác trái phép là vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu cố tình xúi giục, kích động người dân đào bới, khai thác quặng trái phép làm ô nhiễm môi trường, thấy thoát nguồn tài nguyên quốc gia cũng như làm ảnh hưởng an ninh trật tự khu vực biên giới.

Lương Ý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/nguoi-dan-o-at-di-khai-thac-quang-thiec-trai-phep_t114c1144n112527