Người dân Mỹ sẽ bầu Tổng thống như thế nào trong hai tuần nữa?

Cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn và kéo dài nhất thế giới đã đi đến chặng cuối cùng khi chỉ còn hai tuần nữa người dân Mỹ sẽ trực tiếp đi bỏ phiếu để bầu ra chủ nhân Nhà Trắng giai đoạn 2016-2020.

Không chỉ có những quy định rắc rối, độc nhất vô nhị, bầu cử Tổng thống ở Mỹ còn kéo dài gần hai năm, trải qua nhiều giai đoạn từ tự ứng cử, vận động tranh cử, bầu ra ứng viên cuối cùng của từng đảng cho đến tranh luận giữa ứng viên của hai đảng chính, Cộng hòa và Dân chủ.

Những câu hỏi và trả lời dưới đây sẽ giải thích cho những quy định phức tạp của hệ thống bầu cử Tổng thống tại Mỹ:

Tại sao lại là ngày thứ ba của tháng 11?

Luật pháp Mỹ qui định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Như vậy ngày bầu cử sớm nhất trong năm sẽ là ngày 2/11, muộn nhất ngày 8/11. Và cuộc bầu cử năm nay rơi vào ngày 8/11.

Trong những năm đầu tiên mới thành lập nước Mỹ, ngày bầu cử Tổng thống được ấn định cho từng bang riêng biệt, vì vậy có nhiều ngày bầu cử nhưng chủ yếu đều tập trung vào tháng 11. Lý do là vì các đại cử tri phải gặp mặt ở các bang vào ngày thứ tư đầu tiên của tháng 12, mà cuộc gặp đó phải diễn ra trước ngày bầu cử 34 ngày, do đó ngày bầu cử phải được tổ chức trong tháng 11.

Ông Trump và bà Clinton, ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm nay? Nguồn: NBC

Ông Trump và bà Clinton, ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm nay? Nguồn: NBC

Nhưng vì sao lại là một ngày thứ Ba của tháng 11? Câu trả lời bắt nguồn từ bối cảnh nông nghiệp nước Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, phần lớn cư dân đều là nông dân và sinh sống ở cách xa nơi tổ chức bầu cử. Vì người dân thường phải đi lại ít nhất một ngày để bỏ phiếu, các nhà lập pháp cần phải tạo một khoảng dao động hai ngày cho Ngày Bầu cử. Ngày cuối tuần không được chọn bởi phần lớn người dân dành ngày Chủ Nhật để đi nhà thờ, còn thứ Tư là ngày nông dân họp chợ.

Sau khi cân nhắc điều này, thứ Ba đã được chọn làm ngày đầu tiên và thuận lợi nhất trong tuần để tổ chức bầu cử. Văn hóa nông nghiệp cũng giải thích vì sao Ngày Bầu cử luôn được tổ chức vào tháng 11. Người ta cho rằng tổ chức bầu cử vào mùa xuân và đầu mùa hè sẽ ảnh hưởng tới mùa gieo hạt, còn tổ chức vào cuối mùa hè và đầu mùa thu sẽ trùng với mùa thu hoạch. Như vậy chỉ còn lại lựa chọn tốt nhất là tháng 11, thời điểm cuối mùa thu sau khi việc thu hoạch đã hoàn tất và trước khi mùa đông khắc nghiệt tràn về.

Và việc ấn định ngày bỏ phiếu vào ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 không hề bị gián đoạn từ năm 1840 đến nay.

Quy trình bầu Tổng thống như thế nào?

Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ được bầu bởi các đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do dân bầu trực tiếp. Mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của bang, tuy nhiên sẽ không có một Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri.

Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang và bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân của cùng một bang. Có hai lá phiếu khác nhau: phiếu bầu Tổng thống và phiếu bầu Phó Tổng thống.

Người dân Mỹ sẽ đi bầu cử vào ngày 8/11 tới. Nguồn: Politico

Kết quả cuộc bầu cử sẽ được chuyển lên chính phủ và trình lên Chủ tịch Thượng viện bằng hai bản: một bản là danh sách các ứng cử viên được bầu chọn vào chức vụ Tổng thống, với số phiếu bầu tương ứng; bản khác là danh sách ứng cử viên được bầu chọn chức Phó Tổng thống cùng số phiếu bầu tương ứng.

Chủ tịch Thượng viện trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và đem phiếu ra đếm. Người có số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống và vượt quá 50% số phiếu của đại cử tri sẽ đắc cử Tổng thống.

Thế nào là cử tri và đại cử tri?

Điều đặc biệt trong luật bầu cử Tổng thống của Mỹ là các cử tri không trực tiếp bầu ra Tổng thống. Lá phiếu của họ, gọi là lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại cử tri cho bang của mình. Các đại cử tri tập hợp lại trong một Cử tri đoàn của bang.

Ở Mỹ, bang California là bang đông dân nhất, nên bang này có nhiều đại cử tri nhất: 55 đại cử tri, trong khi đó, có một số bang ít dân, chỉ có 3 đại cử tri. Toàn nước Mỹ có 538 đại cử tri, để trở thành Tổng thống, một ứng viên cần thu được 270 phiếu đại cử tri.

Cũng vì hệ thống bỏ phiếu này, một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông (popular vote) mà chỉ cần đa số phiếu của Cử tri đoàn là được, như trong trường hợp cuộc bầu cử hồi năm 2000 khi ông George Bush thuộc phe Cộng hòa thắng đối thủ Al Gore của đảng Dân chủ.

Cụ thể năm đó ứng viên Al Gore giành được 48,38% phiếu phổ thông cả nước so với 47,87% của ông George Bush. Tuy nhiên ông Al Gore vẫn phải nhường bước cho ông Bush vào Nhà Trắng, bởi ứng viên Cộng hòa này nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi Al Gore chỉ được 266 phiếu. Bang quyết định chuyện thắng thua này là Florida, nơi mà toàn bộ 25 đại cử tri tại đây bỏ phiếu cho ông Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại Florida của hai ứng viên chỉ là 537 lá.

Trên thực tế, chế độ bầu cử qua đại cử tri có thể gây ra rắc rối. Các đại cử tri không bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ. Như vậy khi kết quả bầu cử quá sít sao ở bang nào đó, ứng cử viên kém thế phiếu hoàn toàn có thể tìm cách thuyết phục vài đại cử tri thay đổi ý kiến để bầu cho mình mà giành phần thắng. Do thực tế đó, đã có rất nhiều ý kiến về việc có nên duy trì chế độ bầu cử qua đại cử tri hay không.

Nếu không ai giành đa số phiếu đại cử tri thì sao?

Nếu không có ai đạt số phiếu đắc cử Tổng thống thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu cao nhất, nhưng không quá ba người. Tuy nhiên, trong trường hợp bầu Tổng thống như thế này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu (số đại biểu quy định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang).

Hơn 3,3 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm. Nguồn: BBC

Người có số phiếu bầu cao nhất cho chức vụ Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định. Nếu không có ai đạt được đa số phiếu thì Thượng viện sẽ chọn hai người có số phiếu cao nhất để bầu ra Phó Tổng thống. Số Thượng nghị sỹ cần thiết cho cuộc bầu này là không ít hơn 2/3 của tổng số Thượng nghị sỹ.

Kịch tính đến phút cuối cùng

Dù ngày bầu cử năm nay được ấn định là ngày 8/11, song cũng có một số bang ở Mỹ đã tổ chức bỏ phiếu sớm. Tính đến nay, hơn 3,3 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu trước ngày quy định. Hệ thống bầu cử Mỹ hoạt động phân cấp, 50 bang tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu theo cách riêng của từng bang. Người dân Mỹ có hai lựa chọn bỏ phiếu sớm là bằng email hoặc đích thân thực hiện. Bỏ phiếu bằng email được chấp nhận ở cả 50 bang.

Các số liệu thống kê cho thấy việc bầu cử sớm tại các bang chiến trường mang lại nhiều dấu hiệu tốt cho chiến dịch tranh cử của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Khảo sát chung của CNN và Caltalist cho thấy tại các bang Nevada và Bắc Carolina, số người bỏ phiếu sớm cho đảng Dân chủ ổn định và chiếm ưu thế hơn hẳn, trong khi đảng Cộng hòa đang phải đối mặt với sự thâm hụt khoảng 14.500 phiếu so với năm 2012.

Tại bang Iowa và Ohio, số phiếu ủng hộ ông Trump cao hơn bà Clinton. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Giới chuyên môn dự báo bà Clinton có nhiều khả năng giành được 270 phiếu đại cử tri, chiến thắng ở Colorado và Virginia mà không cần quan tâm đến số phiếu của 2 bang Iowa và Ohio.

Tuệ Minh (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguoi-dan-my-se-bau-tong-thong-nhu-the-nao-trong-hai-tuan-nua-post212284.info