Người dân miền Trung làm gì sau 'siêu bão'?

Cơn bão số 10 mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây chỉ 'tấn công' dải đất miền Trung khoảng vài giờ đồng hồ. Nhưng, nhà cửa bị tốc mái, cây cối ngả nghiêng, hoa màu bị tàn phá, mất điện kéo dài… Lại thêm một lần, như một thói quen cùng nghị lực phi thường người dân vùng tâm bão đứng dậy sau cuộc tàn phá của thiên nhiên.

Cẩm Nhượng sau bão số 10. ảnh: Nguyễn Hà

Cẩm Nhượng sau bão số 10. ảnh: Nguyễn Hà

Hàng vạn người hộ đê trong mưa giông gió giật

Những ngày sau cơn thịnh nộ bão số 10 càn qua, dải đất miền Trung nắng vàng trở lại. Đi trên tuyến đê phòng hộ còn lỗ chỗ vũng nước chạy dọc tuyến biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), anh Nguyễn Danh Trường, công an viên xã Quỳnh Đôi nói với giọng như trút được nỗi lo: “Trưa 15/9, tưởng như tuyến đê này vỡ. Trong mưa to, gió giật trên cấp 10 mà hàng vạn người không kể nguy hiểm ra sức hộ đê. Bao tải đất, cát, cùng với máy đào, máy múc làm việc ngay trong khi bão đang đổ bộ. Xẩm tối hôm ấy, nước mấp mé mặt đê. Ai cũng lo, đêm mưa xuống nữa thì không biết chuyện gì xẩy ra. Nếu đê vỡ, nước biển sẽ nhấn chìm nhiều xã. Mọi người cùng cầu trời ngừng mưa và hẹn nhau tối hôm đó sẽ đi cứu đê”.

Anh Trường cho biết, vùng ven biển Quỳnh Lưu này năm nào cũng có ít nhất vài trận bão đổ bộ vào. Tuy nhiên, cơn bão số 10 vừa qua rất bất thường. “Gió không mạnh đến cấp 15 như dự báo có lẽ vì tâm bão đi vào tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ngay buổi sáng trước khi bão đổ bộ vào đất liền, nước biển dâng cao bất thường khiến ai cũng lo toát mồ hôi”.

Người dân thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long cho hay, những đợt sóng cao khoảng 2-4m dồn dập vỗ vào chân đê trước khi bão tấn công. Nước biển tràn qua đê, chảy vào các nhà dân ven biển. Người người phải dùng các bao tải đất, cát... để che chắn không cho nước biển chảy tràn vào nhà. Chính quyền và cơ quan chức năng tổ chức cho dân di dời khẩn cấp. Tuyến đê chắn sóng đoạn qua xã Quỳnh Thọ có chiều dài 2,2km được dự báo sẽ vỡ nếu trời tiếp tục mưa. Ngay trong thời khắc bão thị uy, xã này đã huy động hàng trăm lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và người dân ra kè chắn, quyết tâm bảo vệ đê biển. Nhiều người dân thở phào bởi nếu đê bị vỡ, toàn bộ vùng đầm tôm của xã sẽ bị ngập, thiệt hại khó mà thống kê được.

Anh Trường nói, đúng 10 năm rồi (năm 2007), tuyến đê ven biển ấy mới lại bị nằm trong trạng thái báo động. “Năm ấy, nước dâng cao, kẻng đánh, loa phát thanh giục giã, người người với cuốc xẻng lao đi trong đêm tối. 10 năm sau cũng vậy, người người lao vào mưa gió cứu đê, không chịu khuất phục thiên nhiên”.

Đứng dậy từ đổ nát, hoang tàn sau bão

Tuyến đê biển mỏng manh bị nước uy hiếp. ảnh: H.Phương

Gò đất Nhượng Bạn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là nơi chịu hậu quả nặng nề của bão số 10. Ngôi làng với trên dưới 2.000 hộ dân tan hoang sau bão. Mảnh đất này “xơ cờ” (cờ rách xơ xác) sau khi “cơn thứ nhất lặng, giật tiếp cơn thứ hai”(lời người dân tả cơn bão đổ bộ). Phần lớn những ngôi nhà ở làng Nhượng Bạn hướng ra biển đều bị bão đánh sập tường, đánh bay mái và đổ sập. Như sau một trận chiến tàn khốc, những ngôi nhà bị xé nát tất cả. Ngay sau khi bão tan một ngày, các hộ dân ở Cẩm Nhượng trở về nhà sau một ngày đêm tránh bão. Khi trở về, rất nhiều gia đình phải ở nhờ nhà người thân, hàng xóm vì nhà đã bị đánh sập.

Dọc từ Cồn Gò cửa Nhượng đến thôn Nam Hải (xã Cẩm Nhượng), gạch ngói, tôn vữa cơ bản đã được người dân cùng với sự hỗ trợ của hàng trăm chiến sỹ biên phòng đóng trên địa bàn xúm vào dựng lại nhà cửa. Họ chia sẻ cho nhau việc vớt vát lại những gì còn sót lại dưới đống gạch vụn.

Ngôi nhà của 4 mẹ con chị Nguyễn Thị Phú ở thôn Nam Hải bị bão đánh gần như chỉ còn mấy bức tường của gian bếp. Tất cả những tài sản mẹ con chị Phú tích góp mua được đã hư hỏng hoàn toàn. Sau 3 ngày thu dọn đống đổ nát, chị Phú buồn rầu: "Nhà vốn đã đói, bão tàn phá hỏng hết. Nghĩ đến việc dựng lại ngôi nhà từ bày tay trắng mà nản quá".

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Hải Nam) ngồi bần thần trên bờ kè nhìn các chiến sĩ bộ đội, người dân đang đập bỏ mảng tường còn trơ lại của nhà mình. Ngôi nhà này vợ chồng bà Lan xây dựng cách đây 14 năm. Ba năm trước, thuyền của chồng bà bị sóng đánh chìm ngoài khơi. Vụ đó, ông bà mất 300 triệu đồng. 3 năm làm quần quật trả nợ, vợ chồng bà vẫn còn nợ 90 triệu đồng. Bà Lan buồn không nói được câu gì. Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, Nguyễn Sĩ Huyền ước tính khoảng 500 ngôi nhà của xã bị tốc mái hoàn toàn, 8 căn nhà bị đổ sập, nhiều vật dụng, tài sản của bà con bị cuốn trôi sau cơn bão. Phần lớn những ngôi nhà bị thiệt hại nằm ở rìa biển từ cồn Gò đến địa phận thôn Hải Nam, vị trí chịu sức gió, sức nước mạnh nhất của cơn bão.

Cụ Hoàng Thị Cầu, 87 tuổi ở Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết: “Chưa khi mô nghe đài báo đưa tin có cơn bão gió giật cấp 15. Tin đó làm ai cũng lo sợ”. Cơn bão đi qua, nắng đã trải dài và biển xanh đã hiền hòa trở lại nhưng cụ Cầu vẫn chưa hết bàng hoàng: "Từng ni (từng này) tuổi, đây là lần đầu tiên thấy một cơn bão mạnh đến vậy, lúc bão đổ bộ, ngoài trời tôn, mái ngói bay loảng xoảng khiến không ai dám ra khỏi nhà. Nhà tôi trong nhà ướt hết, quần áo, thóc lúa gì cũng bị ngấm nước".

Ghi nhận ở những nơi chúng tôi đặt chân qua sau ngày mưa bão, ở đâu cũng có thể nhận thấy rõ mức độ tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10. Nhà cửa đổ sập, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Tôn, ngói lợp, hàng rào bị gió bão quật đổ, đánh bay hàng chục mét. Nhiều người dân rơi vào cảnh trắng tay sau bao năm gom góp. Tuy nhiên, như một thói quen ngàn đời, người dân vùng tâm bão miền Trung lại đứng dậy khắc phục hậu quả của mưa bão để nhanh chóng trở lại với cuộc sống thường nhật.

Ngư dân các làng biển nơi tâm bão số 10 đi qua như Thạch Kim (Lộc Hà) tới Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã ra biển từ vài ngày trước. Với kinh nghiệm của ngư dân nơi đây thì: “Sau bão biển rất êm, nhiều tôm cá”. Vậy là sau bão, trai tráng làng biển trở lại với biển để phụ nữ, người già, trẻ em ở lại đất liền khắc phục hậu quả của bão.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-mien-trung-lam-gi-sau-sieu-bao-20170919094031967.htm