Người dân Đồng Tâm tin tưởng vào bản cam kết của Chủ tịch Chung

"Cụ Kình đã gọi điện cho Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhưng Chủ tịch Chung đang bận đi ngoài đường nên nói sẽ gọi lại sau. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gọi cho đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng để hỏi về thông tin khởi tố vụ án ở Đồng Tâm. Cả hai ông đều nói cũng mới nắm được thông tin và đang theo dõi" - một người dân Đồng Tâm chia sẻ.

Tối 13.6, trao đổi với Dân Việt, ông Lê Đình Ba - người dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, hiện người dân trong xã Đồng Tâm đã biết thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự liên quan sự việc tại thôn Hoành để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 143 Bộ luật Hình sự).

Người dân Đồng Tâm vỗ tay và đem hoa ra tặng khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đích thân về UBND xã đối thoại với người dân. (Ảnh: T.H)

“Tuy nhiên, chúng tôi chưa rõ thông tin cụ thể như thế nào. Người dân chúng tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và tin vào Bản cam kết của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Trước đó, chúng tôi vừa sang nhà cụ Kình để nghe cụ gọi điện cho Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhưng Chủ tịch Chung đang bận đi ngoài đường nên nói sẽ gọi lại sau. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gọi cho đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng để hỏi về thông tin trên. Cả hai ông đều nói cũng mới nắm được thông tin và đang theo dõi” – ông Ba cho biết.

Nhìn nhận về vụ việc này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án ở Đồng Tâm có thể hiểu ở khía cạnh là với vụ việc, họ đã xác định có dấu hiệu của tội phạm, có hành vi phạm tội xảy ra.

"Về khoa học pháp lý, khi có dấu hiệu phạm tội và hành vi phạm tội xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng phải khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ, đó là nghĩa vụ của họ" - luật sư Nam nói.

Vẫn theo luật sư Nam, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hay kể cả khởi tố bị can thì vẫn chưa thể xác định ai đó có tội. Việc người nào đó bị xác định có tội còn phải trải qua cả quá trình điều tra, truy tố và xét xử với bản án có hiệu lực pháp luật.

"Người dân Đồng Tâm cần bình tĩnh theo dõi xem quá trình xử lý của cơ quan chức năng trong thời gian tới đây" - luật sư Nam bày tỏ.

Xâu chuỗi lại vụ việc ở Đồng Tâm xảy ra hồi tháng 4 vừa qua, luật sư Trần Thu Nam nhận xét: Buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung với người dân xã Đồng Tâm diễn ra tốt đẹp, bước đầu có những tín hiệu, kết quả tốt đẹp cho cả hai phía.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bắt tay người dân xã Đồng Tâm. Ông đã ký vào bản cam kết viết tay sẽ không khởi tố người dân trong vụ việc xảy ra tại xã Đồng Tâm. (Ảnh: Zing)

"Để giữ được tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa giữ được lời hứa của người lãnh đạo trước nhân dân, khi xử lý vụ việc này cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án, sau đó vận dụng điều 25 Bộ luật hình sự để xử lý", ông Nam nói.

Cụ thể, điều 25 Bộ luật hình sự quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Như vậy, người được miễn trách nhiệm hình sự là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định chứ không phải người không phạm tội. Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng tùy theo từng giai đoạn của vụ án.

"Tôi nghĩ đó là hướng toàn vẹn cho cả người dân và chính quyền. Cách xử lý như vậy vừa hiệu quả, vừa đúng pháp luật, vừa đảm bảo niềm tin của người dân với chính quyền cũng như niềm tin đối với lời hứa của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung" - luật sư Nam nhấn mạnh.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-dan-dong-tam-tin-tuong-vao-ban-cam-ket-cua-chu-tich-chung-778862.html