Người dân Đồng Tâm thả Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy

Gương mặt mệt mỏi, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh được đưa ra khỏi nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm) sau 6 ngày bị người dân giữ nhốt.

Gần 10h sáng 21/4, tại sân nhà văn hóa thôn Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức) - nơi giữ nhốt 20 công an, cán bộ, ông Bùi Viết Hiểu (74 tuổi), đại diện người dân thôn tuyên bố việc thả ông Đặng Văn Cảnh (Trưởng ban tuyên giáo huyện Mỹ Đức).

"Đây là động thái mà người dân muốn làm từ lâu", ông Hiểu nói, tiếp đó đọc biên bản xác nhận của ông Cảnh việc mình được thả do bị viêm xương, đau lồng ngực, cần tới bệnh viện chăm sóc.

Bản tường trình của ông Cảnh được đọc công khai trong thôn.

Gương mặt khá mệt mỏi đứng ngoài nhà văn hóa, mặc quần âu áo phông trắng, tay cầm loa, ông Đặng Văn Cảnh thông báo mình được đối xử tốt. Do sức khỏe yếu nên ông xin ra về để điều trị. Ông mong người dân không nên nghe theo lời kích động. Nguyện vọng của bà con, chính quyền sẽ giải quyết theo đúng quy định.

Hàng trăm người dân khẩu trang kín mít, đội mũ nón chăm chú lắng nghe. Khẩu hiệu "Nhân dân Đồng Tâm không chống đối nhà nước" giăng khắp nơi.

Ông Bùi Viết Hiểu đọc bản tường trình của ông Cảnh.

Trong bản tường trình được đọc trước dân, ông Cảnh cho biết chiều 15/4 nghe tin một số công an thành phố và huyện Mỹ Đức đang bị người dân xã Đồng Tâm giữ lại, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công ông cùng một số người đến tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh, không hoang mang kích động để ổn định tình hình. Khi vào xã, ông đã bị người dân giữ lại. "Thời gian ở tại xã, tôi không bị lăng mạ, đánh đập... chỗ đau là do bệnh của tôi", ông viết.

Ông Hiểu cầm loa thông báo cho dân toàn thôn biết ông Cảnh được "ưu ái" bởi tình trạng bệnh. "Thay mặt anh em, cảm ơn bà con. Mong bà con hết sức bình tĩnh tỉnh táo, kiềm chế. Các cấp chính quyền sẽ giải quyết, nguyện vọng của người dân sẽ được đáp ứng. Chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh dân", ông Cảnh đáp lời.

Ông Đặng Văn Cảnh sau khi được thả, kêu gọi bà con bình tĩnh và kiềm chế.

Ông Bùi Viết Hiểu và ông Đặng Văn Cảnh cùng ký tên vào biên bản bàn giao đơn lên xã, với tư cách bên thứ ba làm chứng, rồi ông Cảnh được người nhà tới đón. Đón ông Cảnh là chiếc xe biển xanh với 3-4 người mặc âu phục.

Buổi trao trả ông Cảnh vừa kết thúc cũng là lúc loa phát thanh thôn Hoành thông báo lãnh đạo Hà Nội sẽ về làm việc. Giữa cái nắng trưa đứng bóng, người dân tụ tập thành từng nhóm nhỏ bàn tán dọc đường làng. Nhiều người phụ nữ tụ tập ngoài hàng rào nhà văn hóa theo dõi các diễn biến bên trong từ các cụ cao niên.

Thả một cán bộ, người dân Đồng Tâm mong đón Chủ tịch Hà Nội.

19 người còn lại ra sao?

Nằm trong nhóm nấu cơm phục vụ những người bị giữ tại nhà văn hóa, một phụ nữ cho biết, sức khỏe của người bị giữ đều ổn. Hướng về phía khu nhà sơn vàng, lợp mái tôn đỏ, cửa ra vào nhôm mính trắng, người phụ nữ thái độ dò xét: "Bên trong là các cán bộ, đề nghị người ngoài không quay phim, chụp ảnh".

Việc nấu ăn, phục vụ những người bị giữ trong nhà văn hóa được giao cho một nhóm phụ nữ thôn với “dinh dưỡng đảm bảo, hoa quả đầy đủ”. Chỉ người có nhiệm vụ mới được vào khu vực này. Tất cả đàn ông trông giữ bên ngoài đều bịt mặt. Sau khi mang cơm vào, hai phụ nữ bịt mặt lại khênh một chậu bát to đi rửa...

"Ngoài việc được bố trí ăn uống, những người này còn được gọi điện về gia đình, thông báo tình hình sức khỏe qua điện thoại của người trực. Ai có vấn đề sẽ được bác sĩ đến tận nơi thăm khám", người phụ nữ nói. Họ cũng được phát mỗi người một bộ quần áo, điều kiện vệ sinh, tắm rửa đầy đủ.

Khu nhà nơi giữ những người thực thi công vụ.

Dọn chướng ngại vật để đón Chủ tịch Hà Nội

Trưởng Ban kiểm tra nhân dân xã Đồng Tâm cho biết, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gọi điện cho đại diện người dân nói đã nắm vụ việc tại địa phương, sẽ cho thanh tra làm rõ. Người dân soạn ra yêu cầu, ông sẽ về ghi nhận và giải quyết theo thẩm quyền. "Người dân chuẩn bị dọn đường đón Chủ tịch Chung”, ông Hiểu chỉ đạo công việc cho mọi người.

Ngay lập tức, mọi người chia nhau đi các ngả dọn dẹp. Nhiều chốt chưa dỡ bỏ hoàn toàn gạch đá mà chỉ thu hẹp diện tích chướng ngại vật để xe máy qua lại thuận tiện. Những khúc gỗ được kéo sang một bên giúp ôtô tiến sát cổng làng hơn. Tuy vậy tại cổng đình Đồng Mít dẫn vào thôn, các chốt chặn chưa được dọn dẹp. “Chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo mới”, người đàn ông nói.

Hiện Tổ đồng thuận của thôn đang vận động người dân dẹp bỏ chướng ngại vật. Đại diện người dân đang soạn thảo tâm thư, do cụ Bùi Viết Hiểu chắp bút, rồi xin chữ ký từng hộ trước khi gửi Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.

Những khúc gỗ chướng ngại vật được dọn bớt so với ngày hôm trước.

Thông tin về cụ Lê Đình Kình (82 tuổi) - người được lực lượng chức năng đưa đi ngày 15/4 - ông Lê Đình Công (con trai cụ Kình) cho hay,gia đình mừng khi nhận được tin Hà Nội hủy quyết định tạm giữ với cụ Lê Đình Kình. Sáng nay, cụ Kình đã gọi điện về cho ông Công và các bô lão, dặn dò phải vận động người dân thả những người còn bị giam giữ.

“Sức khỏe cụ ổn, đang ở phòng vô trùng bệnh viện Việt Đức, hằng ngày đều có 6-7 công an bảo vệ. Chỉ có con gái tên Nhung được gặp cụ một lúc”, ông Công nói.

Sáng cùng ngày, đang phải truyền nước tại nhà cách nơi trao trả ông Cảnh khoảng 50 m, ông Lê Đình Ba (58 tuổi), một trong bốn người bị bắt hôm 15/4 và được tạm tha, đã đứng ra nói lời xin lỗi: "Người dân đã sai khi giữ người trái pháp luật. Mong Đảng, Nhà nước bỏ qua cho sai lầm này".

Ông Lê Đình Ba nói lời xin lỗi vì giữ người trái pháp luật.

Theo VnExpress.net

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/doi-song-phap-luat/201704/nguoi-dan-dong-tam-tha-truong-ban-tuyen-giao-huyen-uy-2801908/