Người dân đầu nguồn… đón mùa lũ muộn

Những ngày qua, mực nước ở các tỉnh thượng nguồn như An Giang, Đồng Tháp đang lên cao. Điều này mang lại sự phấn khởi cho người dân vùng tâm lũ. Mặc dù vậy, nhưng theo các chuyên gia thì lũ năm nay về khá muộn nên nguồn lợi thủy sản từ lũ mang về rất ít.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang dao động ở mức 2,7 - 2,9m tại Tân Châu và tại Châu Đốc từ 2,3 - 2,5m. Đến giữa tháng 10 này, mực nước tại Tân Châu có thể đạt mức báo động 1 (3m - 3,5m).

Tình hình xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ ít gay gắt hơn so với năm 2015-2016 nhưng vẫn còn cao hơn cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Cộng với việc, thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL thường xuất hiện những cơn mưa lớn kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về nên một số cánh đồng thuộc vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên cũng đã ngập nước.

Lũ về mang lại nguồn lợi thủy sản, sản vật cho bà con vùng đầu nguồn sông Cửu Long.

Đặc biệt, mực nước tại những cánh đồng giáp biên giới với Campuchia thuộc 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận là đạt mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Ông Huỳnh Văn Giang (ngụ ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), phấn khởi cho biết: “Cứ tưởng năm nay “đói” lũ, nhưng khoảng 10 ngày trở lại đây, nước từ dòng kênh Vĩnh Tế bất ngờ dâng cao liên tục, làm cho cả cánh đồng trắng nước, bà con bơi xuồng giăng câu, thả lưới, hái bông điên điển… nhộn nhịp cả lên”.

Mưu sinh mùa lũ nhiều năm, với 250 cái lọp, 40 cái đú, mỗi ngày ông Giang bắt được gần 10 cân cua đồng và trên 10 cân cá linh. Sau khi trừ đi các khoản phí, thuế thuê đồng thì còn được trên 400.000đ/ngày. Bà con nơi đây, hy vọng mùa lũ năm nay sẽ kéo dài hơn để tạo điều kiện mưu sinh sau bao ngày “ngóng lũ”.

Bà Đặng Thị Hà (ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu), cho biết: “Lũ về có hơi muộn, nhưng nước lên đã dâng cao hơn cùng kỳ năm trước. Người dân làm nghề đánh bắt thủy sản như được sống lại”.

Tuy nhiên, do lũ về muộn nên sản lượng tôm, cá cùng các sản vật như bông điên điển, bông súng… cũng giảm đi đáng kể. Để tăng thêm thu nhập, nhiều hộ dân đã linh hoạt tận dụng nguồn ốc bươu vàng, cua, chuột… để nuôi lươn, cá lóc, trăn… giúp ổn định kinh tế gia đình.

Ghi nhận tại khu vực chợ đầu mối xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng bắt đầu nhộn nhịp với những chiếc xuồng máy chở đầy cua, ốc và một ít loại cá đồng từ biên giới Campuchia về giao cho các chủ vựa thu mua tại địa phương. Nơi đây cũng được xem là bãi tập kết các loại sản vật khác của mùa lũ như: các loại rau đồng, bông súng, bông điên điển…

Do lũ về muộn, nên sản lượng cá, tôm giảm nhiều, chỉ có cua và ốc.

Anh Đỗ Văn Chí Linh (làm nghề bốc vác tại chợ), cho biết: “Mùa lũ năm nào kéo dài được lâu thì người dân nghèo ở đây đỡ khổ hơn. Số nhiều thì đi giăng câu, thả lưới hoặc sang Campuchia đặt lợp bắt cua, ốc kiếm sống. Những người có sức khỏe tốt thì làm nghề cửu vạn ở các vựa thu mua thủy sản với mức thu nhập khoảng 150.000đ/ngày. Do nước lũ vừa ngập đồng nên các chủ vựa mới chỉ thu mua cua, ốc để giao lại cho các chủ vựa lớn hơn ở TP Châu Đốc hoặc TP Long Xuyên, nhiều khả năng đến tận tháng 11 (dương lịch) thì các chủ vựa mới có thể thu mua được các loại cá, tôm… (cá linh già) để làm mắm. Hiện, mỗi ngày chủ vựa ở đây mua vào khoảng 3 tấn cua, ốc”.

Tại Đồng Tháp, việc lũ từ thượng nguồn đổ về, cộng với mưa lớn trong những ngày vừa qua đã làm cho nước tràn qua một số đoạn đê thuộc xã Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất vẫn là các em học sinh.

Để đảm bảo an toàn, nhiều phụ huynh phải đưa đón con em mình. Mặc dù có đôi chút khó khăn nhưng lũ về cũng mang đến niềm vui cho người sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, mua bán sản vật mùa lũ. Anh Trần Văn Giúp (xã Thường Thới Hậu A), cho biết: “Do năm nay lũ về muộn nên rất khó tìm được bông súng đồng để nhổ bán cho các chợ”.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho rằng: Đây là năm đầu tiên có lũ về muộn bất thường nhưng không vì thế mà nông dân phải bận tâm lo lắng. Bởi phần lớn bà con làm nghề nuôi trồng thủy sản đã được ngành Nông nghiệp hỗ trợ về mặt kỹ thuật để không còn phải lệ thuộc vào nước lũ hằng năm với nhiều mô hình nuôi cá, lươn bằng bể lót bạt trên cạn.

Riêng đối với nông dân đang làm lúa Thu - Đông (vụ 3) thì đã yên tâm vì đã chủ động được trong khâu thu hoạch. Nếu lũ về muộn khoảng 45 ngày thì bà con nông dân sẽ làm được 2 vụ lúa, 1 vụ màu ăn chắc cũng như còn thời gian để xả lũ vào cho đất lấy phù sa.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, đầu tháng 10 dương lịch, mực nước các nơi trong tỉnh lên theo triều cường và tác động từ nước thượng nguồn đổ về nhiều. Mực nước đang ở mức cao hơn năm 2015, nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm và dao động ở mức báo động I (lũ “đẹp” phải ở mức báo động II đến báo động III). Mực nước lũ thấp đã làm cho một bộ phận nông dân các huyện phía Bắc vốn sống bằng nghề đánh bắt thủy sản bị mất mùa.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đang gấp rút triển khai các giải pháp, phát triển sinh kế bền vững cho người dân bằng cách nhân rộng các mô hình thích ứng mới, có hỗ trợ vốn, kỹ thuật. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi để hướng tới chủ động điều tiết nguồn nước, kiểm soát nước để gia tăng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết: “Mực nước hiện nay trên các sông có tăng lên do mưa nhiều, mực nước trên thượng nguồn về nhiều hơn vài ngày trước. Đây cũng là một dạng lũ nhưng là lũ nhỏ”.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã khuyến cáo rằng chúng ta không nên lấy cái bất thường của thời tiết để lập ra chiến lược lâu dài. Vấn đề ở đây là chúng ta phải biết tìm cách thích nghi với những diễn biến bất thường.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-dan-dau-nguon-don-mua-lu-muon-412194/