Người dân Colombia “nói không” với phiến quân

“Gáo nước lạnh” dội vào tiến trình hòa bình

Tuần qua, Colombia như sống trong lễ hội. Để đi đến ký kết hòa bình, Colombia phải trải qua 4 năm đàm phán đầy cam go giữa chính phủ và FARC. Không ít các nhà phân tích gọi đây là thỏa thuận lịch sử bởi nó mở đường cho việc chấm dứt 52 năm xung đột vũ trang khiến 220.000 người thiệt mạng.

Ngày 2/10, với sự chứng kiến của 200 quan sát viên quốc tế đến từ 25 quốc gia, gần 40 triệu cử tri Colombia đã tham gia trưng cầu dân ý nhằm ấn định tính pháp lý của Thỏa thuận hòa bình. Tờ Los Angeles Times trích lời Tổng thống Colombia Santos cho biết: Cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc, chính phủ không có phương án dự phòng và trong trường hợp cử tri không tán thành với thỏa thuận này có nghĩa là đất nước lại quay trở về thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Colombia không vội vàng chia tay với kế hoạch đình chiến. Các cuộc thăm dò dư luận xã hội trước cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, số cử tri ủng hộ Thỏa thuận hòa bình dao động từ 55 - 66%, số phản đối chỉ vào khoảng 35%. Tuy nhiên, kết quả cuộc trưng cầu dân ý thực sự bất ngờ: 50,2% cử tri “nói không” với Thỏa thuận hòa bình, 49,8% cử tri ủng hộ.

“Tôi là người đầu tiên thừa nhận kết quả của cuộc trưng cầu này. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc. Là người đứng đầu nhà nước, tôi phải bảo đảm sự ổn định trong nước. Việc ngừng bắn vẫn còn hiệu lực…” - Ông Santos cho biết.

Tương lai nào cho Colombia?

Nhà nghiên cứu hàng đầu tại Viện Mỹ - Latinh (Nga) Emil Dabaghyan nhận định: “Santos chắc chắn hy vọng rằng một chiến thắng đã ở trong túi của mình. Phần lớn các nhà phân tích cho rằng, tại sao Tổng thống không thể thuyết phục các đối thủ trong kế hoạch của mình để giải quyết xung đột, trong khi tất cả các điểm của thỏa thuận đều rất khả thi”.

Tuy nhiên, người dân Colombia không nghĩ như vậy. Tất cả đều muốn ký kết một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt bạo lực vốn kéo dài. Về phía FARC cũng muốn con cái của họ được sống trong môi trường hòa bình, được đến trường học tập…

Dư luận Colombia khẳng định, những điều khoản trong thỏa thuận cho thấy Tổng thống Juan Manuel Santos đã phải nhượng bộ FARC rất nhiều. Người dân Colombia đặt câu hỏi: Tại sao một tổ chức khủng bố như FARC lại không bị tù đày mà nghiễm nhiên được thành lập chính đảng, có ghế trong Quốc hội?

Cứ chiếu theo tuyên bố trước đó của Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thì đất nước này lại trở về thời kỳ nội chiến, bởi đa số cử tri “nói không” với Thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, vẫn còn cơ hội đàm phán lại, bởi tất cả đều muốn chấm dứt chiến tranh. Vấn đề là những điều kiện ràng buộc trong thỏa thuận. Sau cuộc bỏ phiếu, cựu Tổng thống Alvaro Uribe khẳng định, ông vẫn ủng hộ ý tưởng về một thỏa thuận hòa bình với phiến quân, nhưng yêu cầu bổ sung. Cụ thể, Alvaro Uribe muốn các thành viên của FARC không được tham gia vào các cuộc bầu cử, bị mang ra xét xử và phải đền bù cho các nạn nhân mà họ đã gây ra. Alvaro Uribe tin rằng các lãnh tụ của FARC phải ngồi trong song sắt và hiến pháp Colombia không thể tùy tiện thay đổi.

Theo các nhà phân tích, Colombia không thể bỏ lỡ cơ hội hòa bình. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm qua với nhiều đau thương mất mát không cho phép đất nước này chùn bước. Hủy bỏ Thỏa thuận hòa bình có nghĩa là Colombia mất 4 năm đàm phán đầy nỗ lực với sự trợ giúp của các nước anh em, trong đó có Cuba. Chính vì vậy, Tổng thống Juan Manuel Santos vừa ra tuyên bố sẽ bắt đầu một vòng đàm phán mới với những người chống lại Thỏa thuận hòa bình.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nguoi-dan-colombia-noi-khong-voi-phien-quan-2383680-b.html