Người dân có thể khởi kiện Formosa

Sau khi cơ quan chức năng công bố Formosa chính là “thủ phạm” gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung, các chuyên gia pháp lý đã có nhiều ý kiến về việc này.

Formosa đã gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng tại một số tỉnh miền TrungĐồ họa: Hồng Sơn - Trương Quang Nam

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, thuộc Đoàn LS TP.HCM cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 thì: “Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường”. Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Như vậy, nguyên nhân cá chết do việc Formosa xả thải các chất độc ra biển gây ra cá chết hàng loạt tại biển miền Trung, thì đầu tiên phải xác định có dấu hiệu tội gây ô nhiễm môi trường theo Điều 182 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) với những cá nhân lãnh đạo của Formosa hay không. Nếu có thì sẽ xem xét trách nhiệm hình sự với cá nhân đó.

LS Chánh phân tích, theo quy định, người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, ngoài việc bị phạt tiền thì có thể bị phạt tù cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: có tổ chức; làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác…

Còn về trách nhiệm dân sự, LS Chánh cho rằng, người dân có quyền yêu cầu Formosa bồi thường theo quy định tại Điều 624 của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Theo quy định, cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về chủ thể khởi kiện phải là người dân bị thiệt hại. Hội Nông dân cũng như các cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể khác không có quyền đứng ra khởi kiện thay người dân, mà chỉ có thể hướng dẫn khởi kiện hoặc cá nhân thuộc các tổ chức trên nhận ủy quyền để nộp đơn khởi kiện và tham gia tố tụng theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

“Đơn khởi kiện phải đảm bảo về hình thức theo quy định BLTTDS, còn nội dung đơn phải ghi rõ yêu cầu Formosa bồi thường cụ thể ra sao, kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình có căn cứ và hợp pháp. Nếu chưa thể cung cấp chứng cứ đầy đủ thì bước đầu người dân cần nộp chứng cứ chứng minh việc khởi kiện là có căn cứ, rồi sau đó bổ sung thêm chứng cứ trong giai đoạn tòa giải quyết án”, LS Chánh nêu.

Còn theo LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP.HCM, mức thiệt hại thực tế, bao gồm: thiệt hại do cá chết dẫn đến việc người dân không thể đi đánh bắt, tức là thu nhập thực tế bị mất. Mức thu nhập thực tế này không chỉ diễn ra trong thời điểm xảy ra vụ cá chết mà còn là thu nhập của nhiều năm sau. Thiệt hại của các hộ nuôi thủy, hải sản trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung.

Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho các hộ dân, Formosa còn phải có trách nhiệm khôi phục lại môi trường ban đầu. Chi phí để khôi phục lại môi trường do Formosa chi trả. Không chỉ vậy, Formosa còn phải gánh chịu một hình thức xử phạt thích đáng do có hành vi gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

“Cần khởi tố”

Theo thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Khoa Luật - Đại học Luật TP.HCM, trong vụ việc này cần khởi tố vụ án… Ông Khoa phân tích, Cơ quan điều tra cần khởi tố pháp nhân Formosa. Cụ thể, áp dụng 5 biện pháp sau: xử lý hình sự hoặc hành chính kèm mức phạt tiền; buộc Formosa khắc phục thảm họa môi trường; Formosa phải đền bù thiệt hại cho người dân bị ô nhiễm; khởi tố hình sự các cá nhân; Formosa phải tạm ngưng hoạt động đến khi nào xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và thực hiện đầy đủ nội dung trên bằng không bị rút giấy phép và bị cấm đầu tư vĩnh viễn tại Việt Nam.

Sau thảm họa về môi trường do Formosa gây ra, ông Khoa cho rằng Việt Nam sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm. Theo đó, cần phải thẩm tra đầy đủ khi cấp phép; đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc và đầy đủ.

“Ngoài ra, Chính phủ cần kiên quyết từ chối các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, cho dù vì phát triển kinh tế xã hội, các địa phương xé rào cấp phép. Đồng thời, xử lý nghiêm và loại ra khỏi bộ máy các cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ trong các khâu cấp phép. Đối với dự án có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao, cần mời các tổ chức độc lập, trong đó có các tổ chức quốc tế đánh giá khách quan làm cơ sở trước khi cấp phép”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trong vụ việc này, người chịu trách nhiệm chính là đại diện pháp luật của công ty Formosa và những người quản lý và thực hiện trực tiếp trong việc để xảy thải ô nhiễm ra môi trường, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan chức năng.

Ngọc Lê - Nguyễn Tiến

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-dan-co-the-khoi-kien-formosa-718988.html