Người dân chấp nhận và chủ động đưa hối lộ?

(Kienthuc.net.vn) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 chỉ rõ: "Người dân chấp nhận và chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để lách những thủ tục hành chính rườm rà".

Trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc ở Việt Nam đã chỉ rõ thực trạng: "Người dân chấp nhận và chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để lách những thủ tục hành chính rườm rà". Theo PGS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, đó là biểu hiện của một xã hội "chưa bình thường" và "còn kỳ quặc"!
Chi tiền "bôi trơn": 57%

Thưa ông, dựa trên những căn cứ nào để PAPI 2012 đưa ra kết luận: "Người dân chấp nhận và chủ động thực hiện hành vi đưa hối lộ để lách những thủ tục hành chính rườm rà và hy vọng nhận được chất lượng dịch vụ công tốt hơn"?

Trước hết, cần phải nói rằng: PAPI 2012 có 6 nội dung nghiên cứu chính, trong đó có nội dung "kiểm soát tham nhũng". Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu ở 63 tỉnh/thành trong cả nước, với tổng số 13.747 người trả lời. Phiếu hỏi thuộc mọi thành phần, dân tộc và được thực hiện một cách ngẫu nhiên.

Kết quả: Khoảng 57% số người đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải "bôi trơn" (trung bình 818.000đ/lượt/lần); ở bệnh viện công tuyến huyện là 48% (trung bình 146.000đ/người/lần), 18% số phụ huynh tiểu học công lập thừa nhận "bồi dưỡng" ngoài quy định cho giáo viên và ban giám hiệu nhà trường (trung bình 572.000đ/học sinh/học kỳ). Thế nhưng, khi được hỏi: Trong thời gian qua ông/bà có bị vòi vĩnh để hối lộ không, thì tới 95,4% thừa nhận là "Không". Từ đó, chúng tôi đưa ra kết luận trên.

Như vậy, kết luận đó hoàn toàn có cơ sở khoa học?

Có lẽ thế. Đó là những con số "biết nói".

Xã hội đã chai lì với tham nhũng vặt

Tôi muốn biết cảm nhận của ông trước những con số "biết nói" đó, dưới góc độ là một nhà nghiên cứu?

Tôi nghĩ đó là điều đáng buồn.

Ông đánh giá thế nào về số tiền trung bình "bôi trơn" ấy?

Đó là một con số không nhiều, nhưng nếu tính trong toàn quốc thì nó lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề còn ở chỗ: Với nhiều người thì đó lại là con số rất lớn. Chẳng hạn, một bệnh nhân ở Mường Nhé, Điện Biên về Hà Nội khám bệnh, ngoài tiền khám bệnh, tiền mua thuốc, còn phải chi thêm mấy trăm nghìn "bồi dưỡng" bác sĩ là cả một vấn đề đấy chứ, nhưng bác sĩ thì nào biết người ta ở Mường Nhé hay ở Hà Nội đâu?

Khi người dân đã chấp nhận đưa hối lộ để được việc thì vấn đề ở đây là gì?

Cái dễ thấy nhất ở đây là thủ tục hành chính của ta vẫn còn rườm rà, nhiêu khê lắm! Sâu xa, nó cho thấy đó là một xã hội chưa bình thường, còn kỳ quặc. Nó cũng đặt ra cho những nhà quản trị phải suy nghĩ.

"Một xã hội kỳ quặc" ư?

Chứ còn gì nữa. Việc "lót tay", "bồi dưỡng" (những dạng của hối lộ) đã trở thành phổ biến, thành thói quen trong xã hội. Trong bối cảnh phổ biến ấy, nếu một người không theo có khi lại thành kẻ ngược đời. Đố bạn vào bệnh viện mà không có phong bì đấy! Tham nhũng vặt nhiều đến nỗi xã hội đã chai lì với nó và cứ để nó mặc nhiên tồn tại.

Theo ông, có sự mâu thuẫn không khi mà chẳng bị vòi vĩnh song người dân vẫn hối lộ, lót tay như thế?

Chẳng có mâu thuẫn gì ở đây cả. Đầu tiên, người ta buộc phải thích nghi theo bối cảnh. Lâu dần, nó tạo thành một tâm lý xã hội chung, cứ thế người ta làm theo thôi.

Lý luận "cù nhầy"

Căn nguyên của vấn đề, theo ông là do đâu?

Là do quản trị xã hội chưa tốt.

Chứ không phải vì "không có người đưa hối lộ thì người nhận hối lộ không có đất sống" ư?

Nói thế là mặc nhiên đổ thừa cho người dân. Điều đó không đúng. Dân cũng khôn ngoan lắm, biết đưa phong bì thì có lợi còn không đưa thì thiệt, nhưng bảo ông bác sĩ nhận phong bì là hư thì cũng không phải. Nếu cứ đổ qua đổ lại như thế là thứ lý luận "cù nhầy". Vì trong một xã hội không bình thường như thế, ranh giới giữa nạn nhân và tội phạm nhiều khi rất mong manh. Sở dĩ người ta làm thế là vì thủ tục nhiêu khê, rồi lương quá thấp - tôi nhấn mạnh lại một lần nữa. Thử làm như Singapore xem, sang đó chữa bệnh người Việt có phải lo phong bì đâu? Nhưng chi phí của họ đắt hơn dịch vụ công ở ta rất nhiều lần.

Nghĩa là người dân nên chấp nhận nhiêu khê, vì tiền sử dụng dịch vụ công của ta thấp?

Cái đó cũng khó nói, vì lương thấp nên dịch vụ thấp, trong khi dân lại nghèo... Phải làm sao để những người làm trong Nhà nước không muốn, không cần, không dám nhận hối lộ nữa. Cái đó phải mất thời gian và phải làm đồng bộ nhiều khâu.

Và để dân giảm hối lộ thì phải đơn giản hóa thủ tục?

Đúng.

Ông bảo, xã hội không bình thường vì hối lộ phổ biến khiến các nhà quản trị phải suy nghĩ. Thế nhưng, khi nó tràn lan như thế thì phải chăng các nhà quản trị... chẳng nghĩ gì?

Nói thế thì oan cho họ. Họ cũng nghĩ đấy, cũng làm đấy. Đã có nhiều văn bản, luật pháp nhưng tiến bộ chưa là bao.

Theo ông thì vì sao các nhà quản trị có làm nhưng chưa tiến bộ?

Vì người ta làm nhưng không đồng bộ, không quyết tâm. Cơ bản thì phải thay đổi quản trị xã hội bằng những chính sách vĩ mô như cơ cấu lại bộ máy "ăn lương" và tăng lương, thúc đẩy minh bạch, giải trình, truyền thông... chứ không phải là những lệnh kiểu cấm bác sĩ nhận phong bì.

Xã hội đã bao giờ bình thường đâu?

Người dân phải "bôi trơn", "bồi dưỡng" khi sử dụng dịch vụ công đã trở thành thói quen. Ông có cho rằng điều đó phản ánh "sức khỏe" của bộ máy?

Đúng thế! Người chữa bệnh có yếu thì mới cần bệnh nhân "bồi dưỡng" chứ. Cỗ máy ấy phải "khô dầu", không trơn tru thì người ta mới phải bôi trơn!

Như vậy thì những người đưa hối lộ kia vô hình trung lại là người có "công" khi làm cho cỗ máy được bôi trơn?

Đó là một "công" tiêu cực, vì họ không có khả năng làm cho cả bộ máy trở nên trơn tru mà chỉ bôi trơn cục bộ, như vậy lại tạo ra hiện tượng không công bằng. Khi đó, ai không "bôi trơn" có thể sẽ bị thiệt. Để cho máy khô dầu là lỗi lớn của những nhà quản lý. Người dân luôn ở thế bị động. Dân tích cực bôi trơn cũng chỉ là cho riêng họ thôi.

Âu đó cũng là điều dễ hiểu?

Đương nhiên.

Theo ông, làm thế nào để đưa xã hội trở về bình thường?

Xã hội mình đã bao giờ bình thường đâu mà trở về? Đúng ra phải là "cần đưa xã hội đến trạng thái bình thường". Muốn thế thì phải quản trị tốt hơn, phòng chống tham nhũng tốt hơn...

Liệu chúng ta có quyền kỳ vọng vào một sự thay đổi sau báo cáo này?

PAPI có tác động mưa dầm thấm lâu. PAPI không đưa ra được các chính sách, PAPI đưa ra những phát hiện phản ánh nguyện vọng cũng như sự hài lòng của người dân, giúp các nhà quản trị biết để đưa ra các chính sách phù hợp. Tôi nghĩ là chúng ta có quyền kỳ vọng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) được đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân. PAPI có 6 trục nội dung: Sự tham gia của người dân ở mức cơ sở; Công khai, minh bạch; Giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công. Báo cáo kết quả năm 2012 cho thấy, Quảng Bình, Thái Bình, Bình Định ở tốp điểm cao nhất. Thấp nhất là các tỉnh Lai Châu, Bạc Liêu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Hà Nội, TPHCM đạt điểm số trung bình tại bảng chỉ số tổng hợp.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/soi-xet/201305/Nguoi-dan-chap-nhan-va-chu-dong-dua-hoi-lo-908391/