Người dân cần biết kiến thức tài chính tiêu dùng để 'vay chủ động'

Thách thức đối với cho vay tiêu dùng chính là kiến thức tài chính của đại bộ phận khách hàng vẫn chưa cao. Nhiều người vẫn ngại đọc hợp đồng và chỉ tìm hiểu thông tin liên quan đến khoản vay của mình một cách đại khái, qua loa.

Hiểu biết để tránh hệ lụy

Những năm gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó đặc biệt là lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Sự phát triển ấn tượng của khu vực tín dụng tiêu dùng không chỉ hỗ trợ hiệu quả cho người dân có nhu cầu vay tiền mà còn giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tăng trưởng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 7 năm vừa qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm, ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng.

Thế nhưng, ngược với sự phát triển của thị trường, kiến thức về tài chính của người dân chưa cao. Nhiều người vẫn không hiểu kiến thức tài chính cơ bản, những lưu ý khi tiến hành các thủ tục vay trả góp, những điều khoản khách hàng cần quan tâm trước, trong và sau khi ký hợp đồng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người đi vay cũng như bên cho vay…

Trong 7 năm vừa qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận thức tài chính của người dân về hình thức cho vay cá nhân còn rất thấp, chỉ 51% số người được hỏi đã nghe và hiểu về cụm từ cho vay khách hàng cá nhân

Trong cuộc điều tra của OECD, Việt Nam xếp thứ 26 trong 28 nước, đứng trên Indonesia và Pakistan. 33% số người được khảo sát ở Việt Nam không lập ngân sách để quản lý thu nhập và chi tiêu (OECD,2014).

Rõ ràng, sự phát triển của các tổ chức tín dụng nêu trên, bên cạnh những khía cạnh tích cực, tác động hiệu quả tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung thì đại bộ phận người đi vay vẫn ghi nhận một số vấn đề tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tại Hội thảo "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp", hiện nay, số vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng gia tăng.

Điều đáng chú ý ở đây là đối tượng sử dụng các dịch vụ tín dụng tiêu dùng đa phần là người dân chưa có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm vay-trả tiêu dùng, do vậy, chỉ đến khi xảy ra các tranh chấp, người dân mới nhận biết được các thiếu sót và các hệ lụy phát sinh liên quan

Tránh vết đen vay tiêu dùng

Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) khuyến nghị, người đi vay cần tạo thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cũng như các nghĩa vụ trả nợ để tránh nợ xấu phát sinh và để lại thông tin không tốt trong lịch sử tiếp cận vốn vay cũng như sau này khi có nhu cầu vay vốn.

Chỉ cần sơ suất dẫn đến phát sinh nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, thì dù số tiền vay nhỏ và đã hoàn thành trả nợ, nhưng “vết đen” này 5 năm sau mới bị xóa, sẽ có ảnh hưởng xấu khi tiếp cận vay vốn tại các tổ chức tài chính khác.

Thực tế, có người chị bảo lãnh cho người em vay mua xe máy, nhưng người em quên đóng tiền. Sau đó, người chị gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính để vay vốn mới vỡ lẽ là mình đã bị ghi vào “sổ đen” nợ xấu. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính khác đều có thể xem được lịch sử “tì vết” này. Có trường hợp khách hàng bị lợi dụng giả mạo giấy tờ, phải có sự can thiệp của tòa án thì thông tin “đen” trên CIC mới có thể được chỉnh sửa.

Với các sinh viên vay vốn từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các khoản vay này cũng được ghi nhận vào hồ sơ tín dụng của cá nhân và lưu trữ trên CIC. Nếu bị ghi vào danh sách nợ xấu, sinh viên đó sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi tham gia tuyển dụng việc làm.

Hồng Lam

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/nguoi-dan-can-biet-kien-thuc-tai-chinh-tieu-dung-de-vay-chu-dong-2016112808341405.htm