Người đàn bà chân quắp chữ V ước “bén duyên đất liền”

(Kienthuc.net.vn) - Chị Phan Thị Sen (xóm 1, xã Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) cô độc giữa sông nước mênh mông với đôi chân co quắp và những khát khao về một ngày “bén duyên đất liền”…

Cô đơn trên sông nước

Chị Sen chỉ cao 60 cm, nặng chưa đầy 30kg, đôi chân teo tóp, co gập thành hình chữ V ngoặt ra phía sau.

Ngày nào cũng thế, cứ 3 giờ sáng, chị trở dậy, thoăn thoắt dùng hai bàn tay đẩy cơ thể hướng về phía mạn thuyền chuẩn bị “đồ nghề” đi “thu gom” tôm, cá. Cả ngày cất đó chỉ thu được vài ba lạng tôm đổi gạo.

Đôi chân chị Sen quặp lại phía sau thành hình chữ V

Đang ốm nặng, phải tránh nước, tránh gió, nhưng ở sông mà không đi đặt đó kiếm cá, tôm thì biết làm gì mà sống? Tặc lưỡi, chị phó mặc số phận.

Cả xóm nổi đã lên bờ sinh sống, chỉ xuống sông để nuôi cá, nuôi tôm thì chị Sen vẫn bám trọn sông nước. Từ thời ông bà, bố mẹ chị đã gắn bó với cái thuyền gỗ chòng chành trên mặt sông và cuộc đời lênh đênh vạn chài. Bố chị, ông Phan Đình Oanh đi bộ đội về, đã dùng con thuyền làm cần câu cơm cho cả gia đình. Vợ chồng ông sinh được ba đứa con thì hai đứa con gái mang dị tật bẩm sinh.

Chị Vinh vừa sinh ra đã bị bại liệt. 20 năm sau, chị Sen ra đời cũng tật nguyền như chị gái. Hai chân chị co quắp, vắt ngược ra phía sau thành hình chữ V. Chị di chuyển bằng mông và sự trợ giúp của hai cánh tay.

Vợ mất, một mình ông Oanh bươn chải nuôi con, dạy “kỹ nghệ” bắt cá, tôm đổi lấy gạo…

Khao khát lên bờ

2 năm trước, ông Oanh bệnh nặng qua đời. Cách đây 3 tháng, chị Vinh cũng ra đi, chị Sen khuyết đi một chỗ dựa tinh thần, nằm ốm liệt đến hơn 1 tháng. “Mấy tháng ốm đau không ai chăm sóc, tủi thân, cùng cực lắm. Đôi khi nghĩ quẩn, tôi chỉ muốn theo chị, theo bố mà đi” - đôi mắt người đàn bà nhìn xa xa, nơi những rặng cây dọc hai bên bờ đang đung đưa theo gió.

Không lên được bờ, chị Sen nhờ hàng xóm mua hộ rau. Một mớ rau chia đều cho… 3 ngày. Hiếm hoi lắm mới có lúc “được mùa” vụ tôm chừng 5 lạng, chị “thưởng” cho mình một bữa thịt kho. Số tiền vay nợ để chữa bệnh cho chị gái còn đó, chị Sen còn phải tự xoay xở tiền thuốc thang chữa bệnh cho mình.

Cách đây 2 năm, chị đi khám, phát hiện có tế bào ung thư vú. Nghe hàng xóm mách về ông thầy chữa bệnh bằng lá ở Vĩnh Phúc, chị nhờ người đi lấy thuốc uống. Bệnh viêm loét thượng vị dạ dày phát tác, mỗi tháng “ngốn” thêm mấy trăm nghìn tiền thuốc. “Tưởng chi tiêu dè sẻn cũng dành dụm được vài nghìn đồng mỗi ngày, ai ngờ bệnh tật, dồn cả vào thuốc”.

Chẳng có gì đáng giá ngoài cái ấm sắc thuốc đã méo mó, đen đúa…

Có lần chị Sen chèo thuyền con đi vớt đó thì gặp dòng nước xoáy làm lật úp thuyền, hay bị ca-no đâm trực diện lật nhào, người ta tưởng chị đã chết.

Dân vạn chài sợ nhất vào mùa bão. Chị Sen ngước nhìn bầu trời thở dài đánh sượt, “nghe mọi người nói, đài báo năm nay bão nổi nhiều hơn, tôi lo quá, không biết qua mùa mưa bão này thế nào”. Đã có mấy lần, “căn nhà” của chị chứa đầy nước, trôi lênh đênh trên sông mấy km mới tìm được đường về…

Chia tay tôi, chị lại hớt hải lê ra phía mạn thuyền chuẩn bị thả đó để 3 giờ sáng ngày mai lại vớt lấy con cá, con tôm đổi gạo qua ngày. Ngày mai, khi trời nổi dông bão, ai ở bên che chở, bảo vệ cho người phụ nữ yếu đuối, bệnh tật giữa mênh mông sông nước này?

Đức Tâm

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1988/201204/Nguoi-dan-ba-chan-quap-chu-V-uoc-ben-duyen-dat-lien-1833169/