Người cưu mang 2.000 trẻ bụi đời thời chiến trở lại Sài Gòn

Đến Sài Gòn tìm hiểu bản chất cuộc chiến ở Việt Nam, một thanh niên Mỹ bỗng quyết định gắn bó cuộc đời với hàng nghìn đứa trẻ bụi đời, cưu mang chúng đến ngày chiến tranh kết thúc.

Ngày 11/10 tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi Dick Hughes gặp lại những người đàn ông từng là trẻ bụi đời mà ông cưu mang thời chiến tranh Việt Nam, ông lôi từ trong túi những cây viết chì, bình mực là bằng chứng cho sự gắn bó giữa họ hơn 45 năm qua. "Tôi mang chúng đi khắp thế giới đấy", ông Hughes hào hứng nói về "kỷ vật vô giá" này.

Cuộc tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 đánh dấu giai đoạn lớn về thay đổi nhận thức của người Mỹ đối với chiến tranh ở Việt Nam. Nhận ra rằng tình hình và bản chất cuộc chiến không như những gì mà Washington tuyên bố, nhiều thanh niên Mỹ công khai phản đối chiến tranh, chống lệnh nhập ngũ.

Ông Dick Hughes (áo xanh) gặp lại người từng là trẻ bụi đời ở Sài Gòn mà ông cưu mang năm xưa. Ảnh: Thanh Tùng.

Dick Hughes là một trong số những thanh niên ấy. Tháng 4/1968, sau khi phản kháng lệnh đi quân dịch, chàng diễn viên 24 tuổi rời Boston đến Sài Gòn với quyết tâm tìm hiểu sự thật về cuộc chiến tại Việt Nam. Bỏ lại sự nghiệp diễn viên đang triển vọng sau lưng, anh tìm đến Việt Nam, nơi cuộc chiến đang diễn ra quyết liệt.

Thông qua sự giới thiệu của ông chủ tờ báo thời đại học, Hughes được cấp thị thực dành cho phóng viên tự do để đến Việt Nam. Cảm nhận đầu tiên của ông lúc đặt chân đến Sài Gòn là một sự khác biệt kinh ngạc, trước mắt ông là một đô thị nhộn nhịp chứ không phải những cảnh chiến sự ác liệt trong các khu rừng rậm mà tivi vẫn thường phát.

Mối duyên với trẻ bụi đời

Lúc đang ngồi nghỉ chân ở đường Nguyễn Huệ và chưa biết sẽ đi đâu tiếp theo, Hughes bất ngờ nghe một giọng nói vang lên trước mặt: "Ông tên gì"? Ngẩng đầu lên, Hughes thấy một cậu bé đánh giầy nhem nhuốc. Ông trả lời: "Tôi tên Dick Hughes". Cậu bé hỏi tới: "Ông là lính hay thường dân?".

"Sau này tôi biết cậu ấy tên là Thắng. Khi đó, cậu ấy hỏi tôi rất nghiêm trọng, như cảnh sát hỏi cung vậy", Hughes kể lại với phóng viên Zing.vn. "Lúc tôi trả lời 'thường dân' thì Thắng bảo 'vậy ông đi chỗ khác chứ ngồi đây làm gì, dân thường thì không đánh giày'. Khi đó tôi mới nhận ra chú bé đang đi tìm khách".

Khi Thắng trở lại với nhóm trẻ đánh giầy của cậu, Hughes chợt lóe lên suy nghĩ rằng anh có thể làm điều gì đó để giúp lũ trẻ. Những năm chiến tranh, trẻ bụi đời bị xem như của nợ khó ưa. Hễ chúng bị cảnh sát tóm là sẽ bị tống ngay vào tù hoặc trại tế bần.

Sau quá trình tìm hiểu, Hughes muốn xây dựng cho chúng một nơi trú chân để có thể sống an toàn, không còn những đêm ngủ dưới chân cầu hay bãi rác.

Ban đầu, anh thuê căn nhà số 195 Phạm Ngũ Lão, rồi cùng một người bạn đi khắp thành phố, gặp những đứa trẻ bụi đời để nói về căn nhà này, nơi chúng có thể được ngủ, nghỉ, ăn uống và tắm rửa.

Nhóm trẻ bụi đời và Dick trong căn nhà đầu tiên của dự án cưu mang trẻ lang thang ở Sài Gòn. Ảnh: NVCC.

Những ngày đầu tiên, không đứa trẻ nào xuất hiện. Dick vẫn kiên trì với công việc của mình, anh lang thang khắp nơi để kết thân cùng nhóm trẻ bụi đời.

Vài ngày sau, một nhóm trẻ tìm đến. "Chúng xin được tắm nhờ, bọn trẻ đùa giỡn rồi nước bắn tung tóe khắp nơi. Chúng trượt ra cả sàn nhà, thật sự rất vui vẻ". Đêm đó, lũ trẻ ở lại cùng Hughes.

Dần dần, nhóm đầu tiên đã quy tụ thành 11 đứa trẻ. Mỗi đứa lại đi kể với bạn bè, con số tăng lên hơn 20 đứa. Từ ngôi nhà này, Dick lên kế hoạch phát triển thành một dự án thiện nguyện chuyên hỗ trợ trẻ em đánh giày và trẻ bụi đời Sài Gòn.

Kể về kinh nghiệm “đối phó” với những trẻ bụi đời vốn cứng đầu và ranh mãnh, Hughes nói: “Chúng không hẳn đã trưởng thành nhưng cũng không còn là trẻ con bình thường. Tôi hiểu là chúng muốn được đối xử như người lớn. Mỗi đứa trẻ phải đi bụi đời vì nhiều lý do, như nhà nghèo, lạc người thân, bố mẹ bất hòa… Do vậy thực sự chúng luôn mong muốn được yêu thương, đứa trẻ nào cũng vậy”.

Người Việt giúp đỡ người Việt

Một lần nọ, Hughes chứng kiến đám trẻ đánh nhau, đứa bị đánh là một cậu bé bị nhóm bạn bắt nạt và không cho chơi cùng. Anh liền tách em ra và đưa vào nhà tắm, rửa ráy rồi an ủi. Cậu bé vừa khóc vừa giãy giụa thoát khỏi Hughes, trong khi anh cố gắng ôm thật chặt, lau nước mắt cho em, nhưng không thể an ủi bằng lời nói.

Đó là lúc Hughes nhận ra anh chỉ có thể giúp chăm sóc các em về vật chất, nơi ăn chốn ngủ, nhưng các em cần có những người Việt chăm sóc về tinh thần.

Hughes bắt đầu tìm kiếm, kêu gọi một số người Việt Nam giúp anh chăm sóc và dạy chữ bọn trẻ. Một số sinh viên tình nguyện tham gia cùng Hughes, rồi sau này là các nhân viên công tác xã hội. Khi số lượng trẻ bụi đời ngày càng mở rộng, dự án của Hughes cũng phát triển từ một căn nhà ở Phạm Ngũ Lão thành 6 trung tâm ở Sài Gòn và 2 căn ở Đà Nẵng.

Hai trẻ bụi đời từng ở trung tâm do Dick thành lập đã trưởng thành sau hàng chục năm. Ảnh: NVCC.

Hughes trở về vị trí là người gây quỹ tài chính, thành lập quỹ Shoeshine Boy Foundation kêu gọi sự giúp đỡ của người Mỹ. Sau 8 năm miệt mài làm việc, dự án của Hughes đã giúp cưu mang và bảo trợ cho hơn 2.000 trẻ đường phố Sài Gòn.

Ông Lý (65 tuổi) kể với phóng viên Zing.vn rằng: "Hồi đó ở trung tâm sướng lắm. Chúng tôi được cho ăn uống đầy đủ, rồi còn được cho đi học. Dick bảo ai muốn học chữ thì đến lớp, rồi tìm thầy về dạy cho. Ai muốn tiếp tục việc đánh giầy thì cứ như vậy. Nhờ lớp học của Dick, sau này một số người bạn của tôi có nền tảng để học cao hơn, rồi vào đại học, bây giờ thành kỹ sư, giám đốc...".

Ấn tượng về người phụ nữ Nam Bộ mạnh mẽ

Sau khi rời khỏi căn nhà chung với lũ trẻ, thông qua sự giới thiệu của một người bạn, Hughes đến ở trọ tại tầng 2 trong căn nhà của thím Sáu. "Một ngôi nhà đơn sơ, đồ đạc bên trong chẳng có gì đáng giá", Hughes kể. Rời môi trường với những đứa trẻ bụi đời, anh thực sự hòa vào cuộc sống của một gia đình Nam Bộ.

Thím Sáu (80 tuổi) từng là người chăm sóc và nấu cơm cho Dick trong những ngày ông trọ ở nhà bà sau khi không còn chung sống cùng nhóm trẻ. Ảnh: Thanh Tùng.

Đến tận bây giờ, Hughes vẫn ấn tượng về thím Sáu là một phụ nữ trực tính, "hay nói chuyện to và ào ào", quyết liệt nhưng vô cùng tốt bụng. Một câu chuyện mà Dick không bao giờ quên là ngày ông đi cùng thím Sáu và mẹ của bà đến nhận thi thể em trai thiệt mạng trong chiến tranh.

"Lúc hai người phụ nữ vào nhận thi thể thì tôi đứng từ xa quan sát. Mẹ của thím Sáu than khóc rất thảm thiết. Thím Sáu đứng kế bên cũng rất đau khổ, nhưng bà không phát ra tiếng động nào. Những tiếng khóc của thím Sáu không bật thành tiếng, nhưng tôi biết bà đang rất đau đớn ở trong lòng", Hughes nhớ lại.

Ông Nguyễn Thế Quang, một trong những người thường xuyên "ăn cơm ké" ở nhà thím Sáu, là người mà bà trông đợi nhất trong cuộc đoàn tụ lần này. "Hồi đó nó là sinh viên còn khó khăn lắm. Thỉnh thoảng nó dẫn theo mấy đứa bạn về nhà bà ăn cơm. Sau ngày giải phóng thì bà không còn gặp nó nữa, hơn 45 năm rồi, mãi cho đến ngày hôm nay", bà cụ 80 tuổi nói với phóng viên Zing.vn trong lúc chờ đón ở sân bay.

Trên thực tế, ông Quang đã từng về Việt Nam một số lần nhưng không gặp được thím Sáu do bà đều vắng nhà vào những dịp đó.

Khi được hỏi vì sao không chủ động thư từ, liên lạc với ông Quang, thím Sáu trả lời: "Tôi nghe kể lại là cuộc sống của nó ở Mỹ cũng yên ổn, thế là tôi mừng rồi. Chứ nó muốn gặp mình thì nó tự đến, mình không bao giờ chủ động. Tôi không muốn để người khác nghĩ rằng mình thấy người ta giàu sang thì tìm đến để nhờ vả hay xin giúp đỡ. Nếu nó muốn gặp mình thì cứ tìm đến mình".

Sau khi biết được những tâm sự này của thím Sáu, ông Quang trầm ngâm một lúc rồi nói: "Đó chính là thím Sáu mà tôi biết. Bà ấy luôn khiêm nhường và không bao giờ để người khác cảm thấy thương hại cho mình".

Kỷ vật quý giá nhất của Dick là những album ảnh về sinh hoạt ở trung tâm năm xưa, và ảnh tư liệu về cuộc sống của những đứa trẻ bụi đời. Ảnh: Thanh Tùng.

Một trong những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam

Khi bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975, Hughes là một trong số những người Mỹ quyết định ở lại và không rời đi. Vài ngày trước đó, khi trao đổi với một người bạn qua điện thoại về kế hoạch sơ tán, Dick khẳng định: "Anh định chạy trốn cái gì? Chiến tranh đã ở đây từ rất lâu. Tôi chưa thể rời đi được. Tôi vẫn còn công việc ở đây và trách nhiệm với bọn trẻ".

Thoạt đầu, gia đình của Hughes cũng rất lo lắng về tình hình của con trai, "nhưng họ yên tâm hơn sau khi biết mọi chuyện của tôi vẫn ổn".

"Khi đó, tôi tin rằng mọi chuyện không có gì phải lo lắng cả. Tôi đến đây để giúp đỡ người Việt Nam, tôi tin rằng họ sẽ hiểu về việc làm của tôi", Hughes kể với phóng viên Zing.vn.

Hơn một năm sau, khi hoàn tất việc bàn giao các cơ sở lại cho chính quyền quản lý, Hughes rời Việt Nam vào tháng 8/1976. "Lúc chiến tranh kết thúc cũng là khi tôi cảm nhận sự gắn bó với cuộc sống nơi đây đã trở nên sâu sắc. Nhưng tôi vẫn bám vào quan điểm của mình là cuộc sống của người Việt Nam phải do người Việt Nam tự quyết định. Đã đến lúc tôi cần trở về quê hương".

Thỉnh thoảng, Dick phải đón nhận tin buồn khi hay tin một số đứa trẻ qua đời vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Ảnh: Thanh Tùng.

"Giải thoát"

Rời Việt Nam, Dick vẫn giữ liên lạc với những đứa trẻ trong nhóm đầu tiên gắn bó trực tiếp với ông. Thông qua trao đổi thư từ, thỉnh thoảng Hughes nhận được báo tin vui, như khi một chàng trai cưới vợ và lập gia đình; nhưng bên cạnh đó là một số tin buồn như khi một người trong nhóm qua đời.

Tuy nhiên, với Thắng - cậu bé bụi đời đầu tiên mà Hughes gặp ở Sài Gòn - thì ông bị mất liên lạc. "Nhiều người nói với tôi rằng Thắng đã chết rồi. Tôi chỉ biết chấp nhận như vậy, nhưng đến giờ tôi vẫn không tin. Trong thế giới trẻ bụi đời, trong hoàn cảnh chiến tranh năm xưa, khi một đứa trẻ vắng mặt tới hơn tháng thì nó sẽ bị coi là đã chết. Tôi không nghĩ Thắng đã chết, chỉ là không ai trong chúng tôi biết anh ấy ở đâu".

Chuyến trở về Việt Nam đầu tiên vào năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt lớn khác trong cuộc đời ông. Đó là khi ông được gặp lại những đứa trẻ bụi đời một thời, nay đều đã thành những ông bố, trụ cột gia đình với vợ con.

"Tôi xem đó là sự giải thoát cho gánh nặng bấy lâu trong tâm trí. Hơn 20 năm xa cách, tôi vẫn luôn mong muốn được biết lũ trẻ lớn lên như thế nào, cuộc sống của chúng ra sao. Dù thỉnh thoảng vẫn trao đổi thư, cảm xúc không thể bằng khi bạn tận mắt thấy cuộc sống hạnh phúc và viên mãn của họ ngày nay. Chỉ đến lần gặp mặt ấy, tôi biết rằng sứ mệnh của mình đã hoàn thành, và tôi đã có thể yên tâm", Hughes nói.

Dick Hughes nói ông chỉ thực sự cảm thấy trọng trách mà bản thân tự đặt ra đã hoàn thành sau lần trở về Việt Nam năm 2001, được chứng kiến cuộc sống của những trẻ bụi đời năm xưa. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội, Hughes nói ông khóc suốt trên máy bay. "Tôi khóc không phải vì buồn từ biệt. Đó là những cảm xúc lẫn lộn rất khó tả, bao gồm một phần hân hoan và yên tâm sau khi chứng kiến cuộc sống của họ".

Năm nay là lần thứ 3 Hughes trở về Việt Nam sau chiến tranh. Hành lý của ông chỉ gồm 2 vali lớn, một cái để đựng quần áo, và một cái chứa đầy những album hình ảnh và kỷ vật cũ về nhóm trẻ bụi đời. Ông gặp lại thím Sáu, "người chị hai tuyệt vời của tôi", và một số đứa trẻ gắn bó với ông từ những ngày đầu tiên ở Việt Nam. Hughes cũng đón thêm tin buồn khi một số người từng là trẻ lang thang mà ông cưu mang nay đã qua đời.

"Cuộc sống là vậy, luôn có những tin tốt lành và những tin đau lòng. Nhưng tôi luôn biết ơn những cuộc đoàn tụ, được chứng kiến của họ đang sống tốt và hạnh phúc. Họ cũng đã bắt đầu có cháu, như vậy là tôi cũng có rất nhiều người cháu", Hughes nói.

Cảnh Toàn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-cuu-mang-2000-tre-bui-doi-thoi-chien-tro-lai-sai-gon-post689173.html