Người con của Bu Prăng

Chúng tôi đến bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) - khu tái định cư của đồng bào Mnông nằm sát biên giới, vào một ngày đầu tháng 9. Trong những câu chuyện của mọi người đều nhắc đến một người lính Biên phòng đã nhiều năm '4 cùng' với bà con. Dù không còn ở Bu Prăng nữa, nhưng từ người già đến trẻ nhỏ luôn nhắc đến anh, luôn mong anh về.

Một góc bon Bu Prăng. Ảnh: Trúc Hà

Một góc bon Bu Prăng. Ảnh: Trúc Hà

Thực tế, ở một số số khu tái định cư khác, bà con đến nơi ở mới chỉ một thời gian ngắn đã đóng cửa nhà mới để trở về nhà cũ. Nhưng Bu Prăng đã 5 năm, cây đã xanh lá, đã có đứa trẻ được sinh ra, người già nằm lại mảnh đất này, nhưng cả bon không ai muốn chuyển đi nơi khác. Bu Prăng đang vào vụ. Người lớn đều lên rẫy, trẻ con tới trường, nên những người già thường đến quán tạp hóa của bà Trì ở giữa bon.

Thấy chúng tôi lại gần, lại mặc quân phục, người đàn ông nhiều tuổi nhất (sau mới biết đó là già làng Điểu Trum) hỏi: “Ở tỉnh vào công tác à? Lần này bộ đội Uyền có về không?”. Người đi biên giới nhiều đều hiểu rằng, người già đã hỏi vậy tức là “bộ đội Uyền” hẳn đã gắn bó với bà con lắm. Thế nên, chẳng phải hỏi nhiều, chúng tôi cũng được nghe không ít chuyện về Trung tá Nguyễn Văn Uyền, nguyên Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Đăk Dang.

Già làng Điểu Trum kể: Trước đây, người Mnông đã ở chỗ này nhưng do bệnh tật, ốm đau rồi chiến tranh loạn lạc, họ phải dắt díu nhau đến chỗ khác làm nhà. Ở mảnh đất mới, rẫy cho sắn củ to, ngô chắc hạt, lúa trĩu bông, và ở lâu thành quen, thân thuộc. Nhưng thời gian làm thay đổi nhiều thứ. Đất vẫn thế, người trong bon nhiều hơn xưa, cần tách hộ, sắp xếp lại nơi ăn ở, chỗ canh tác. Để làm được điều đó thì nhiều hộ phải giao lại đất cho Nhà nước để quy hoạch. Khi ấy, các hộ có đất phải bàn giao đều lo đất bị thu hồi sẽ chẳng còn để gieo trồng nên dù chính quyền nhiều lần đến gặp nhưng họ đều một mực “chết cũng được chứ không ký biên bản bàn giao đất”. Thiếu tá Nguyễn Văn Uyền đã đến nhà già làng Điểu Trum để nói chuyện.

Thiếu tá Uyền đã ở đây cả chục năm, tốt xấu thế nào già làng Trum hiểu rõ. Thật lòng, già làng Trum cũng không muốn đến ở chỗ mới, nhưng lại thương anh bộ đội vì việc của bà con mà cứ phải ngược xuôi. Và, bộ đội Uyền nói không phải không có lý, có quy hoạch lại thì Nhà nước mới đầu tư điện, đường, trường, trạm được to đẹp hơn. Già làng Điểu Trum đã gật đầu. Già làng đồng ý thì mọi người trong bon đồng ý giao đất. Và, đúng như lời Thiếu tá Uyền nói, bon mới với trường học, trạm xá là những nhà cao tầng, khang trang to đẹp như ở trung tâm huyện. Như đã hẹn, Thiếu tá Uyền cũng “dọn đồ” về bon mới cùng bà con.

Lúc ấy, ở Bu Prăng vẫn còn nhiều nhà không đủ gạo ăn. Để giải bài toán lương thực cho đồng bào, Đồn BP Đăk Dang quyết định khai hoang làm ruộng nước. Có ruộng rồi nhưng nhiều hộ không sản xuất, vì đất xấu và không có kinh nghiệm trồng lúa nước. Thiếu tá Uyền và đồng đội quyết định làm thửa ruộng mẫu. Đến ngày gặt, thấy lúa của bộ đội thu được 7 tạ/sào, gấp 3-4 lần với việc trồng lúa nương, lúc đó bà con mới vui vẻ nhận ruộng. Đến nay, bà con đều trồng lúa 2 vụ trên diện tích ruộng bộ đội đã khai hoang.

Không còn lo thiếu gạo, Thiếu tá Uyền lại cùng bà con tính chuyện cuộc sống khá giả hơn. Về định cư chỗ mới, mỗi gia đình ở Bu Prăng được cấp 2 con bò giống để phát triển chăn nuôi. Như cán bộ khuyến nông, Thiếu tá Uyền hướng dẫn bà chăm sóc đàn bò, làm chuồng, trồng cỏ. Từ 160 con bò được cấp ban đầu, đến nay, đàn bò ở bon đã tăng gấp 3 lần. Rồi, các hộ được anh hướng dẫn đầu tư trồng tiêu, điều đã bắt đầu thu đủ vốn, có lãi. Với vốn tài sản ấy, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Thấy già làng Trum kể nhiều chuyện, bà Trì cũng góp lời. Từ cửa hàng của bà có thể nhìn thấy nhà của Tổ công tác Biên phòng. Bà già rồi nên dậy sớm, thế nhưng hôm nào mở cửa cũng thấy Thiếu tá Uyền dậy rồi. Dậy sớm nhưng chẳng có đêm nào phòng anh tắt điện trước 23 giờ vì anh phải giúp Ban tự quản của bon tính toán thu chi, lên kế hoạch cho công việc hôm sau. Công trình nước sạch Nhà nước đầu tư giao cho dân tự quản, nhưng bà con làm chưa tốt, lãng phí nước và trục trặc liên tục.

Vào mùa vụ, dân thường vắng nhà, Thiếu tá Uyền lại dành thời gian đi quanh bon, khóa nước giúp các hộ quên. Sợ dân bỏ mặc rồi lại phải ra suối lấy nước về dùng nên Thiếu tá Uyền đảm nhận luôn việc quản lý trạm nước. Hằng ngày, bơm nước cho bon, cuối tháng, anh tính toán tiền điện phải trả theo số nước đã dùng của các gia đình, rồi bàn giao cho Ban tự quản thu và trả cho trạm điện.

Thiếu tá Nguyễn Văn Uyền khi còn ở với đồng bào Mnông ở Bu Prăng. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Thiếu tá Uyền gần gũi, giúp đỡ bà con, được bà con tin tưởng, luôn nghĩ anh là người của bon, nên mỗi lần có “phạt vạ”, anh cũng được mời tham gia. Người Mnông có quan niệm: Mọi vật đều có linh hồn, vì thế hành vi xâm phạm sẽ bị nghiêm trị. Luật tục giúp con người ý thức hơn với cộng đồng nhưng khi luật tục thành hủ tục thì nó lại là sợi dây vô hình trói buộc con người vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Thiếu tá Uyền từng chứng kiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản, thậm chí suốt đời không thể trả hết nợ vì phải đi vay để nộp vạ.

Năm 2013, ông Nguyễn Sĩ Châu (xã Đắk Bukso) làm rẫy có đốn hạ một số cây ở gần khu vực nghĩa địa bon Bu Prăng. Cho rằng ông Châu phạm đến chốn linh thiêng nên người dân trong bon kéo đến thu giữ phương tiện, đánh ông chảy máu đầu. Già làng tuyên bố tịch thu rẫy, phạt ông Châu 200 triệu đồng. Sau khi để mọi người nói hết, Thiếu tá Uyền đứng dậy phê bình ông Châu làm rẫy ở đây mà không hiểu rõ tập tục của đồng bào. Rồi anh lại quay sang hỏi những người đã đánh ông chảy máu đầu có biết việc đó có thể bị đi tù không? Và, anh hỏi những thanh niên mới đi học ở xa về, rằng: Luật tục có nên để trên pháp luật không?... Thiếu tá Uyền nói nhiều lắm, toàn những điều có lý mà lại có tình. Kết quả, ông Châu chỉ phải nộp vạ theo khả năng của mình.

Vào một buổi tối tháng 6, năm 2015, Đại tướng Phùng Quang Thanh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã điện thoại gọi trực tiếp cho Trung tướng Võ Trọng Việt (nay là Thượng tướng), lúc đó là Tư lệnh BĐBP, sau khi xem phóng sự “Như một già làng”, trên chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” của BĐBP Đăk Nông, về Thiếu tá Nguyễn Văn Uyền. Hai vị tướng ở thủ đô cùng nói về một người lính ở biên giới. Một tháng sau, Thiếu tá Nguyễn Văn Uyền nhận quyết định nâng lương và phiên quân hàm Trung tá trước niên hạn.

Ai cũng mừng cho anh, cho rằng đó là phần thưởng xứng đáng với những gì anh đã làm. Nhưng, có đến Bu Prăng, thấy tình cảm của dân làng dành cho anh mới biết anh còn nhận được nhiều hơn thế. Người Mnông chỉ đánh cồng chiêng khi bon có việc trọng đại. Ấy thế mà ngày Thiếu tá Nguyễn Văn Uyền chuyển công tác, già làng Điểu Trum đã quyết định đánh cồng chiêng để chia tay anh. Và, mới xa Bu Prăng chưa được 1 năm, thế mà mỗi khi có khách ở tỉnh về bon hay mỗi lần điện thoại hỏi thăm, người Bu Prăng chỉ muốn hỏi “Anh Uyền sắp quay lại với bà con Bu Prăng chưa?”. ..

Trúc Hà - Nguyễn Hoàn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-con-cua-bu-prang/