Người chở tôn khiến bà cụ bị cứa cổ tử vong sẽ bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ xe chở tôn gây chết người ở cầu Mai Lĩnh (TP Hà Nội), theo quan điểm của luật sư, vụ tai nạn này được xác định lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông gây ra.

Hà Nội: Xe chở tôn trôi tuột trên cầu, người phụ nữ ngồi chờ xe buýt bị cứa cổ tử vong

Chiều ngày 25/9, trên cầu Mai Lĩnh (Hà Nội) đã xảy ra vụ tai nạn thuơng tâm. Chiếc xe ba gác đang chở tôn di chuyển trên cầu thì bất ngờ phần xe phía sau chở hàng bị tuột ra, tấm tôn cứa vào cổ người phụ nữ 66 tuổi khiến người này tử vong sau đó.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, vào khoảng 4 giờ chiều 25/9, bà Bùi Thị Xuân (sinh năm 1952), quê ở Yên Hòa, Yên Lạc, Yên Thường, Hòa Bình đã tử vong do bị tấm tôn cứa vào cổ.

Thời lời kể của bà Bùi Thị Sáu, em gái nạn nhân, vào thời gian trên, hai chị em bà cùng một đứa cháu đang ngồi chờ xe để về quê tại trạm chờ xe buýt khu vực gần cầu Mai Lĩnh thì có một chiếc xe ba gác chở vật liệu xây dựng và trên đó, có chở một số tấm tôn dài đi ngang qua.

Khi xe ba gác đang di chuyển thì bất ngờ phần thùng phía sau bị tuột khỏi chiếc xe và lao thẳng vào phía 3 người đang ngồi. Tấm tôn trên đó lao vào người bà Xuân, cứa lên người và cổ, vết thương rất sâu, mọi người tập trung đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103 nhưng bà Xuân không qua khỏi.

Còn theo lời kể của ông Thắng (bạn của ông Dân, người chở xe kéo hàng gây tai nạn), thì chiều hôm đó, ông Dân chở xe máy kéo theo xe cải tiến đi mua tre. Trên đường đi qua cầu Mai Lĩnh vô tình gặp ông Thắng đi mua tôn. Lúc này, ông Thắng có nhờ ông Dân chở giúp 4 tấm tôn về nhà tại thôn Độ Tràng, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Gia đình bà Xuân đau xót trước tai nạn do chiếc xe chở tôn lao vào. Ảnh: Tri thức trẻ

Trên đường đi đến cầu Mai Lĩnh, trong lúc ông Dân vẫn đi xe về phía trước thì phần xe kéo tụt ra, lao xuống dốc. Khi lao xuống được khoảng chục mét, phần xe chở hàng này tiếp tục lao lên vỉa hè và gây ra vụ tai nạn như trên.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), Luật giao thông đường bộ năm 2008 qui định phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Trước đó, ngày 23/9, một cháu bé ở phố Tân Mai (TP Hà Nội) cũng bị tôn cứa vào cổ.

Như vậy, theo qui định thì xe cải tiến không được coi là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Do đó, xe cải tiến này được coi là hàng hóa lưu thông trên đường giao thông.

Vụ tai nạn này được xác định lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe mô tô hai bánh) gây ra.

Hành vi của người điều khiển xe mô tô hai bánh (ông Dân) đã vi phạm Điều 8, khoản 23 và Điều 20, khoản 1 Luật giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của người điều khiển xe mô tô hai bánh gây hậu quả nghiêm trọng làm 01 người tử vong đã phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999.

Theo đó, nếu người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phùng Bình

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nguoi-cho-ton-khien-ba-cu-bi-cua-co-tu-vong-se-bi-xu-ly-the-nao-20160926113157517.htm