Người chiến sỹ an ninh nặng lòng với nông dân

Dù đã qua nhiều vị trí công tác từ khi là một cử nhân ngành Luật và nhận nhiệm vụ tại Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội, nhưng Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn vẫn là nơi gắn bó nhất với Trung tá Nguyễn Hào Hùng (Đội trưởng Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn). Anh bảo chúng ta lớn lên nhờ hạt lúa, củ khoai của người nông dân, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của người nông dân không bao giờ được lơ là.

Trung tá Nguyễn Hào Hùng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ trẻ trong các vụ việc Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn thụ lý

Khó khăn nhân gấp bội

Anh cho hay, trước năm 2008, mảng nông nghiệp của Hà Nội rất nhỏ so với những mảng việc khác mà Phòng An ninh kinh tế phụ trách. Đến khi Hà Tây và Hà Nội hợp nhất, mảng nông nghiệp với các vấn đề cây trồng, con giống, đê điều, thủy lợi, lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, thuốc thú y, VSATTP… và địa bàn mở rộng gấp đôi đã đặt ra cho CBCS Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn những thách thức mới.

Thấu hiểu những vất vả của cán bộ, chiến sỹ, trên cương vị người chỉ huy, anh luôn động viên, khích lệ anh em. Đội của anh có nhiều CBCS được tuyển từ các trường đại học không thuộc khối các trường công an như Đại học Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Kinh tế Quốc dân…

Anh đã phải chủ động tìm hiểu về chuyên môn của họ để giao những nhiệm vụ phù hợp, vì thế những CBCS nhập cuộc rất nhanh và dễ dàng quen với việc mặc sắc phục ANND lội ruộng, lên rừng, đánh cá cùng người nông dân.

Cùng với đó, anh không ngừng động viên CBCS học hỏi về nghiệp vụ, pháp luật CAND để dù không được đào tạo cơ bản, họ vẫn là những người chiến sỹ CAND chính quy, tinh nhuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiều chỉ huy phòng bảo anh “nuông chiều” lính, nhưng Trung tá Nguyễn Hào Hùng lại cho rằng, có làm lính ở Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn mới biết thế nào là vất vả. Địa bàn xa, có những nơi giáp ranh tận Hòa Bình, trong khi phương tiện đi lại không có, anh chị em có khi phải đi xe máy hàng gần trăm cây số. Có những đêm, để phát hiện vụ vận chuyển gia cầm, chim rừng, thóc giống giả, CBCS phải thức trắng, căng mắt theo dõi mọi di biến động của đối tượng.

Nhưng không phải hôm nào ra quân cũng thắng, có những ngày, đối tượng không thực hiện theo quy luật vận chuyển ban đầu, 2-3 ngày không xuất hiện. Các trinh sát của đội không vì thế mà rút lui khỏi vị trí, dù nhiều đêm phục kích, các anh, các chị đã phải ra về tay không.

“Nếu biết vậy mà vẫn máy móc yêu cầu CBCS phải về cơ quan báo cáo thì hiệu quả công việc sẽ không cao. Do đó, ở Đội tôi tạo điều kiện cho CBCS chủ động báo cáo kế hoạch làm việc và tính bằng hiệu quả công việc chứ không phải bằng các biện pháp hành chính” - Trung tá Nguyễn Hào Hùng bày tỏ.

Với vai trò Đội trưởng, anh luôn xác định rõ cho bản thân ý thức tổ chức, đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc chương trình công tác, chỉ tiêu nghiệp vụ của Phòng và Đội giao, cũng như chương trình, kế hoạch công tác của Đội cơ động liên ngành thành phố.

Thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình trên các mặt có liên quan đến công tác ANCT, an ninh kinh tế... từ đó, tham mưu cho lãnh đạo Phòng xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh trong địa bàn, không để xảy ra các vụ việc bị động, bất ngờ.

Những chiến công vì người nông dân

Với quân số mỏng, nhiều khi chính Đội trưởng cũng phải xung trận, vừa động viên CBCS làm việc, vừa trao đổi kinh nghiệm để những CBCS trẻ có điều kiện học tập. Chẳng vậy mà từ tháng 7-2015 đến nay, Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn đã phát hiện, tổ chức xác minh giải quyết 12 vụ việc với 25 đối tượng, trong đó có 2 vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Các đối tượng đã gây thiệt hại 15 tỷ đồng, qua đấu tranh đã thu hồi cho ngân sách 1,5 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ với 4 đối tượng, xử lý hành chính 5 vụ với 18 đối tượng.

Vụ xử lý hơn 5 tấn giống lúa Việt Hương 8 không thuộc danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam là một trong những vụ việc tiêu biểu của anh cùng đồng đội. Anh bảo, ngay khi có thông tin thóc giống giả, anh đã cùng các trinh sát đến tận nơi bà con đã gieo cấy, ghi lại số lượng, diện tích và đến vụ thu hoạch lại cùng người nông dân kiểm đếm.

“Người nông dân được mùa mà trừ đi chi phí, ngày công có khi còn chẳng có lãi, huống hồ vụ đó, sản lượng giảm hẳn 2/3. Xử lý người cung cấp thóc giống cũng không giải quyết được gốc rễ vấn đề, vì vậy, anh đã yêu cầu chính Giám đốc công ty bán giống cho bà con phải đến tận nhà xin lỗi, đền bù thiệt hại. Công ty này sau đó cũng bị xử phạt hành chính số tiền 95 triệu đồng và thu giữ hơn 5 tấn thóc giống chuẩn bị đưa ra thị trường.

Qua công tác nắm tình hình trên lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến lâm sản, phát hiện đối tượng Mạc Mạnh Hùng (SN 1982) trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân có hành vi kinh doanh, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật.

Ngay khi có thông tin về đối tượng, Trung tá Nguyễn Hào Hùng đã chỉ đạo CBCS Đội An ninh nông nghiệp, nông thôn phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 3 - Chi cục Kiểm lâm Hà Nội tiến hành kiểm tra các địa điểm tập kết động vật hoang dã của Hùng, phát hiện 2 cá thể cu li lớn, 1 cá thể mèo rừng, 3 cá thể trăn đất, 7 cá thể núi rùa vàng, 2 cá thể rùa đất lớn, 4kg rắn sọc đuôi khoanh, 2 cá thể cầy vòi mốc, 3 cá thể rùa lưng đen, 3 cá thể rùa Pulkil.

Tôi vẫn còn nhớ vào mùa hè cách đây 3 năm tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, trong cái nắng nóng oi nồng, chúng tôi không quên được nụ cười của những người nông dân, cùng lời cảm ơn chân thành của họ đối với Trung tá Nguyễn Hào Hùng và những CBCS của Đội An ninh Nông nghiệp nông thôn khi đã phát hiện, ngăn chặn hơn 1 tấn thóc giống giả chuẩn bị đưa vào sản xuất.

Giá trị thiệt hại với mỗi người nông dân không lớn, chỉ vài trăm nghìn đồng, song nếu như giống lúa ấy được gieo trồng, bao nhiêu công sức, mồ hôi của họ suốt 6 tháng ròng sẽ đổ sông đổ biển. Giá trị thiệt hại của công sức ấy thật khó mà tính nổi.

Và cũng chính từ những nụ cười ấy mà Trung tá Nguyễn Hào Hùng cùng đồng đội của anh hôm nay vẫn đang cần mẫn, tỉ mỉ đeo bám các chuyên án “không đao to búa lớn” nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, đặc biệt là người nông dân, giúp họ vơi bớt đi khó khăn, nhọc nhằn của những người bám ruộng mưu sinh.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguoi-chien-sy-an-ninh-nang-long-voi-nong-dan/704872.antd