Người chiến sĩ cảnh sát và lớp học guitar

Đã hơn 3 năm qua, cứ khi mặt trời tắt nắng là người ta lại thấy một sỹ quan cảnh sát lách qua chiếc cổng hẹp của trường Nguyễn Đình Chiểu để vào bên trong, trên vai anh đeo một cây đàn guitar cao quá đầu. Và rồi ít phút sau, ở một góc nhỏ trên căn phòng tầng 2 của ngôi trường bắt đầu vang lên những tiếng đàn bập bùng cùng những tràng cười lanh lảnh của đám trẻ khiếm thị.

Những người làm việc thiện thường hay lặng lẽ, không muốn người khác khen việc mình làm, nhất là “bị” đưa lên báo. Tôi rút ra được nhận xét này sau khi phải ra sức thuyết phục Đại úy Trần Anh Tuấn - cán bộ trường Đại học Phòng cháy chữa cháy bằng gần chục cuộc điện thoại hẹn gặp để tiếp cận với lớp học đàn mà anh đang giảng dạy.

Đại úy Trần Anh Tuấn nhỏ nhẹ: “Việc tôi đang làm thì có gì đáng kể đâu. Nếu viết, anh hãy viết về chính những em học sinh khiếm thị bất hạnh ấy. Các em đã không một chút tự ti, mặc cảm mà luôn phấn đấu vươn lên để hòa nhập với cộng đồng bằng nghị lực của chính mình. Những gì tôi làm được vẫn là quá nhỏ bé so với đám trẻ trên con đường đầy nhọc nhằn này”.

Lớp học guitar ra đời

Lớp học không phòng riêng mà phải mượn tạm một góc hội trường sau khi lũ trẻ ăn xong bữa cơm chiều. Lúc tôi đến, Đại úy Trần Anh Tuấn đang lúi húi dọn mấy chiếc bàn vào trong góc rồi kéo ghế ra gần bục sân khấu cho học sinh ngồi để bắt đầu giảng dạy.

Thấy tôi, anh ngượng nghịu: “Buổi học đàn được coi như sinh hoạt ngoại khóa, vì thế thầy trò chúng tôi có được một không gian như thế này là tốt lắm rồi. Hơn nữa, học đàn cũng cần phải tách biệt để khỏi ảnh hưởng đến những người xung quanh và yên tĩnh để các em tập trung thì mới tiếp thu nhanh được”. Chỉ vào 4 cậu bé khiếm thị đang ôm đàn dò dẫm ngồi vào chỗ, Đại úy Trần Anh Tuấn nói tiếp: “Hôm nay, một nửa học sinh xin nghỉ nên chỉ có bấy nhiêu thôi, chứ nếu đông đủ như bình thường thì cũng vui… hết cỡ”.

Câu chuyện đến với những niềm vui nhỏ này của Đại úy Trần Anh Tuấn cũng hết sức tình cờ. Cách đây 3 năm, trong một lần trò chuyện với bạn bè, anh tình cờ biết được các thầy cô ở trường Nguyễn Đình Chiểu có dạy cho học sinh môn âm nhạc.

Tuy thế, nhà trường lại đang thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy guitar. Hai hôm sau, các thầy cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu hết sức bất ngờ khi thấy một sỹ quan cảnh sát tìm đến gặp Ban giám hiệu với lời đề nghị: “Xin nhà trường cho phép tôi được tham gia dạy đàn cho bất cứ học sinh nào yêu thích âm nhạc hoặc có nhu cầu. Tuy nhiên, việc giảng dạy này chỉ có thể thực hiện vào quãng thời gian ngoài giờ hành chính và sẽ hoàn toàn miễn phí”. Thế là lớp học guitar ra đời!...

Nhớ lại, Đại úy Trần Anh Tuấn bảo, việc xin đi dạy học cho các em khiếm thị bắt nguồn từ sự… nhớ nghề. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Tuấn bật mí: “Thực ra, trước khi vào ngành công an, tôi đã tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chuyên ngành Sư phạm âm nhạc. Sau nhiều năm khoác áo lính, có lẽ cái máu gõ đầu trẻ vẫn còn chảy trong huyết quản. Thế nên thấy có cơ hội là nó trỗi dậy. Nhìn lũ trẻ khiếm thị này, nói thật tôi cũng thấy đáng yêu lắm. Nếu anh tiếp xúc lâu thì sẽ hiểu, các em ấy có một nghị lực rất mãnh liệt, đôi khi còn lớn hơn cả chúng ta. Từ khi dạy đàn cho chúng, chính tôi cũng rút ra được nhiều bài học quý giá cho riêng mình”.

Tự nhắm mắt đánh đàn

Nếu như dạy đàn cho những học sinh bình thường khó một thì dạy cho học sinh khiếm thị lại khó gấp 10. Tất cả những trở ngại này Tuấn đều chưa thể hình dung được trước khi bắt tay vào thực hiện dự định của mình. Kể từ khi nhận lớp, anh phải bắt đầu tự soạn giáo án. Nhưng khốn nỗi, những kiến thức mà anh từng được đào tạo trước đây chưa hề nhắc đến việc giảng dạy cho học sinh khiếm thị. Vậy là anh phải tự mày mò. Do không thể nhìn thấy, các em chỉ có thể cảm nhận bằng đôi tai. Hơn nữa, nhiều em thị lực kém cũng đồng nghĩa với thính lực rất yếu. Vậy là thầy trò đánh vật với nhau cả tiếng đồng hồ chỉ để Tuấn chỉ cho các em sự khác nhau giữa từng nốt nhạc.

Đại úy Trần Anh Tuấn thở dài: “Lúc đầu, các em tiến bộ rất chậm khiến bản thân tôi cũng rất thất vọng. Nhưng lạ một điều, các em ấy không hề nản. Có em mới vào học, bấm phím đàn đến tê cả tay hoặc bị chuột rút cứng cơ, nhưng tuyệt nhiên không có ai chịu bỏ cuộc. Nhìn cảnh ấy, thấy thương chúng đến trào nước mắt. Rồi tôi tự nghĩ, thử đặt mình vào vị trí của các em khiếm thị xem sao. Tôi chọn một bản nhạc chưa tập bao giờ rồi tự nhắm mắt lại đánh. Hóa ra cũng khó thật. Chính nghị lực và sự ham học của học sinh khiến em phải thay đổi quan niệm và cách thức dạy học của mình”.

Lớp học đã tồn tại được 3 năm và người thầy ấy vẫn miệt mài giảng dạy với tinh thần tự nguyện mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì. Là một con người lặng lẽ, và những người như vậy thì vẫn lặng lẽ cống hiến như một dấu lặng đơn ở lớp học của đám trẻ khiếm thị. Một dấu lặng đầy xao xuyến!

Khó khăn trong tiếp thu của học sinh mới chỉ là một trở ngại nhỏ. Điều Đại úy Trần Anh Tuấn lúng túng nhất chính là việc trang bị nhạc cụ cho học sinh của mình. Học đàn thì mỗi người phải có một cây guitar riêng, nhưng học sinh khiếm thị thì chủ yếu là con em các gia đình nghèo, thậm chí nhiều em từ tỉnh xa về đây nội trú.

Trong khi đó một cây guitar dùng được cũng có giá khoảng hơn 1 triệu đồng. Bí quá, Đại úy Trần Anh Tuấn bèn lên mạng xã hội Facebook cá nhân kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Thấy anh tâm huyết với đám trẻ, vậy là mỗi người chung tay một ít, người giúp tiền, người tặng đàn. Cuối cùng thì lớp học cũng có đủ đàn cho các em học tập.

Thấy học sinh của mình chịu khó, thầy lại động viên là nếu ai kiên trì và có kết quả học tập tốt, thầy sẽ tặng luôn cây đàn khi các em ra trường. Đây chính là phần thưởng mà thầy dành tặng cho học sinh khi chia tay.

Dấu lặng xao xuyến

Đầu tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên lớp học của Đại úy Trần Anh Tuấn đã có buổi công diễn đầy xúc động. Đó là một đêm diễn không cờ hoa, không ánh đèn chớp xanh đỏ của sân khấu nhưng vang động những tràng pháo tay và hoàn toàn miễn phí ngay tại sảnh của khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhằm phục vụ các bệnh nhân đang gồng mình chiến đấu với căn bệnh ung thư. Và để có được một đêm tuyệt vời đó, anh và học trò của mình đã phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời.

Đại úy Trần Anh Tuấn bảo: “Học sinh khiếm thị vốn vô cùng nhạy cảm. Ở bên các em lâu nên tôi rất hiểu những tâm lý sâu xa bên trong. Các em muốn được sẻ chia, muốn được chăm sóc, muốn được thể hiện mình và được xã hội công nhận. Vì thế, tôi đã liên lạc với Ban giám đốc Bệnh viện để đưa học sinh tới biểu diễn, tặng bệnh nhân các suất ăn miễn phí mà các em quyên góp được. Hoạt động ấy vừa là giúp các bệnh nhân đang điều trị có một đêm văn nghệ để quên đi sự dày vò của bệnh tật, vừa là giúp cho học sinh khiếm thị có cơ hội giao lưu gần gũi với mọi người và cũng là một cách để các em tự khẳng định mình. Ý định này nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các y bác sỹ”.

Đêm ấy, người ta thấy một dàn nhạc guitar hơn 10 thành viên khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu được dẫn đầu bởi một Đại úy cảnh sát ngồi đệm đàn. Chỉ trong chốc lát, cả khu sảnh rộng rãi bỗng ken chật người. Các bệnh nhân trải chiếu xuống sàn chăm chú lắng nghe những ca khúc, ngón đàn được cất lên bởi những giọng ca nhỏ tuổi. Đêm diễn kéo dài hơn một giờ nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng.

Bây giờ thì lớp học của Đại úy Trần Anh Tuấn vẫn đều đặn tập vào các buổi tối thứ sáu hàng tuần để chuẩn bị cho buổi công diễn tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trước lúc các em nghỉ hè. Tôi lùi ra ngoài cửa tìm kiếm một khoảng lặng để nhìn người chiến sỹ công an đang chỉnh từng phím đàn cho đám học trò nhỏ. Lớp học đã tồn tại được 3 năm và người thầy ấy vẫn miệt mài giảng dạy với tinh thần tự nguyện mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Tôi hỏi Đại úy Trần Anh Tuấn có đề nghị gì không? Anh cười và lắc đầu. Còn tôi thì nghĩ, không phải vì anh quá đủ đầy mà đơn giản, đây là một con người lặng lẽ, và những người như vậy thì vẫn lặng lẽ cống hiến như một dấu lặng đơn ở lớp học của đám trẻ khiếm thị. Một dấu lặng đầy xao xuyến!

Nguyễn Long

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nguoi-chien-si-canh-sat-va-lop-hoc-guitar/729450.antd