Người chị 'biết tuốt'

Có một điều thú vị là khi hỏi những người đồng nghiệp về chị Nguyễn Thị Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật Toàn cầu của Viettel Network, họ đều nói về chị với vẻ mặt vô cùng hào hứng và rất say sưa. Có người còn làm thơ, phổ nhạc hát về chị.

Nữ thiết kế tối ưu đời đầu

Cuối năm 2004, vừa bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, cô sinh viên nhỏ nhắn Nguyễn Thị Tâm nhận được thông báo thi tuyển vào một đơn vị kinh doanh viễn thông lớn ở Việt Nam. Ngày ấy, được vào làm ở đây là mơ ước của nhiều sinh viên vì nghề đó đang “hot”, lương lại cao tới vài triệu đồng, trong khi lương ở Viettel lúc bấy giờ chỉ tính bằng mấy trăm nghìn.

Cứ cách vài hôm, chị lại được gọi đi “test” vòng tiếp theo, tổng đến gần chục vòng với đủ các môn như tin học văn phòng, CCNA, IQ, EQ,… rồi cũng đỗ. Vào làm được 1 năm, dự án kết thúc và yêu cầu ai ở lại phải theo nghề lập trình. Đam mê điện tử viễn thông, chị nộp hồ sơ vào các công ty khác. Sau khi trượt vài nơi, chị thi vào… Viettel và trở thành nữ nhân viên thiết kế tối ưu đầu tiên của Viettel lúc mới có mấy chục trạm phát sóng.

Văn phòng của chị ở tầng 4, Tổng trạm Pháo Đài Láng. Nói là văn phòng cho “sang” thực ra là 1 căn phòng đủ để chiếc bàn làm việc. Máy tính bày đặt kín bàn, hơn 20 người ngồi quây tròn, gần sát nhau tới nỗi chuột của máy này đụng vào máy kia. Chị là nữ duy nhất trong phòng, được giao quản lý 2 quận Đống Đa và Ba Đình. Công việc chính là sửa lỗi trạm, theo dõi và xử lý các cell tồi nhất. Buổi đầu thấy các anh đi “đo sóng”, chị cũng xung phong đi, ra đến đê Yên Phụ lại đòi xuống vì say xe. Cầm máy đo trên tay, mắt chị hoa đi không nhìn nổi tín hiệu, đành bắt xe ôm quay về. Không phải leo cột hay đi tỉnh xa cũng là “ưu tiên” lớn nhất của chị khi làm vô tuyến.

Khi một số chuyên gia Alcatel được thuê sang tối ưu mạng lưới Viettel, họ chọn 2 quận của chị làm thí điểm. Ban ngày, chị cùng cả đội đi hết trạm này tới trạm khác. Tối lại về chuẩn bị slide báo cáo. Tổng Giám đốc (TGĐ) Nguyễn Mạnh Hùng (khi ấy là Phó TGĐ) ngày nào cũng xuống chỗ chị kiểm tra, nghe trình bày kết quả. Bữa tối lót dạ của cả sếp lẫn quân và đối tác chủ yếu là bánh mì. Dự án đó thành công, TGĐ Hùng có tổ chức một bữa liên hoan coi như là phần thưởng cho mấy anh em làm tối ưu.

Làm thạo một thời gian, chị nhận nhiệm vụ thực hiện báo cáo TGĐ về chất lượng mạng lưới hàng ngày. Chưa có smartphone hay đầu số nhắn tin tự động như bây giờ nên cứ cuối giờ chiều, chị Tâm lại cẩn thận soạn cú pháp báo cáo các chỉ số mạng lưới bằng chiếc điện thoại Nokia 1110i. Có hôm vừa về đến nhà, chị nhận được điện thoại của TGĐ: “Anh thấy số này không đúng. Phân tích lại cho kỹ”. Thế là chị lại lóc cóc chạy xe từ nhà trọ ở Phan Đình Giót lên Pháo Đài Láng để xử lý lại số liệu. Lúc xong việc cũng đã 11, 12 giờ đêm. “Thấy cũng không bất ngờ lắm vì hầu như hôm nào cũng 8, 9 giờ tối mới về. Thứ 7 nào chả lên cơ quan. Không biết có phải vì đang còn trẻ không mà ngày đó ai cũng làm việc không biết nghỉ”, chị Tâm kể lại.

Dần dần, để có cơ sở dữ liệu phân tích chất lượng mạng, chị Tâm bắt đầu mò mẫm xây dựng các chỉ tiêu KPI, mẫu báo cáo cho mảng vô tuyến. Nhiều mẫu báo cáo của chị vẫn được duy trì cho đến giờ, chỉ khác là dữ liệu “đồ sộ” hơn cùng với sự phát triển của mạng lưới.

Mỗi dịp lễ hội, sự kiện hay Tết, chị Tâm lại cùng anh em lên các phương án đảm bảo tài nguyên. Kỷ niệm đáng nhớ với chị vào Tết năm 2009, sau khi tính toán, xây dựng các giải pháp, chị chuyển giao lại một đồng nghiệp để về quê ở Thanh Hóa. 29 Tết, chị lại phải giải thích chi tiết từng con số, cách tính cho đồng nghiệp qua điện thoại để báo cáo gấp cho “sếp” Nguyễn Mạnh Hùng vào sáng hôm sau. Anh Hà Minh Tuấn, nay là Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Thiết kế Toàn cầu, dặn đi dăn lại: “Hôm nay ngủ phải cầm sẵn máy. Tối nay, tôi mà alo tức là mai cô phải ra ngoài này đấy!”. Đêm đó, chị lén chồng chui xuống cuối giường ôm điện thoại nhưng thật may, không có cuộc gọi nào.

“Sếp biết tuốt”

“Gạo cội” trong nghề vô tuyến, đặc biệt là thiết kế tối ưu nhưng chị không dừng lại ở đó mà tiếp tục tái tạo bản thân bằng những kiến thức mới theo xu thế chuyển dịch của thế giới và Tập đoàn. Từ vai trò Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Thiết kế, khi mô hình VTNet thay đổi, chị được giao đảm nhiệm phụ trách Trung tâm Di động và bây giờ là Trung tâm Kỹ thuật Toàn cầu - nơi hội tụ nhiều lĩnh vực di động, truyền dẫn, cố định băng rộng, CNTT, cơ điện, truyền hình nhưng những ý kiến, chỉ đạo hay phản biện của chị về tất cả các mảng công việc đều được mọi người “tâm phục khẩu phục”.

“Phải thừa nhận là chị ấy rất đẳng cấp. Kiến thức của chị vừa sâu vừa rộng. Tư duy rất nhanh, logic và cực kỳ thông minh” - Hà Phương, Trưởng phòng Khai thác Vô tuyến (TT Vận hành Khai thác Toàn cầu) không ngớt lời ngưỡng mộ “sếp” cũ.

Gần đây, chị cũng là học viên nữ duy nhất của khóa đào tạo CCNA version 5 dành cho cán bộ quản lý của các đơn vị khối kỹ thuật thuộc VTNet. Đây là chương trình đào tạo nâng cao về mạng IP theo chuẩn Cisco, đồng thời cung cấp nhiều kiến thức chuyên sâu, có tính thực tế Kiến thức cơ bản về hệ thống mạng máy tính, định tuyến, chuyển mạch trên mạng, mạng WAN, một số chủ đề mở rộng về ACL, DHCP, NAT, giám sát mạng, tìm và khắc phục lỗi trên mạng,…

Là “nữ tướng” hiếm hoi của VTNet, khi được hỏi bí quyết để thu phục các đấng nam nhi, chị cười: “Thì anh em làm gì mình cũng làm cùng thôi!”. Quả thật, chị chưa bao giờ “buông” nhân viên trong những việc khó, phân tích, xử lý số liệu để chuẩn bị báo cáo hay đầu tư mua sắm cơ sở hạ tầng. Những đợt cao điểm như Tết, chuyển đổi tần số (refarming), triển khai 4G,... chị và các nhóm ở lại cơ quan đến 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường.

Chẳng hạn như năm 2013, khi làm thầu dự án Myanmar, nhóm của chị thức trắng 3-4 đêm. Do yêu cầu hồ sơ cần phải chuyên nghiệp từ các phương án kỹ thuật đến văn phong trình bày nên cả nhóm cứ soi lần lượt lên máy chiếu để kiểm tra, chỉnh sửa từng câu, từng từ. Đêm trước ngày đi nộp hồ sơ, cả nhóm phải sang tận khu Giáp Bát để đóng gói tài liệu. 5h sáng mới hoàn thiện. “Soi vào gương lúc đó thấy mặt mình xám như con chuột”, chị nhớ lại.

“Mình luôn tâm niệm phải làm cùng anh em. Đặc thù của kỹ thuật là liên quan nhiều đến số liệu nên quan trọng là cần chỉ cho anh em cách tư duy logic, đặt câu hỏi để hiểu bản chất vấn đề. Thay vì chỉ xem sản phẩm báo cáo của anh em, mình cùng kiểm tra số liệu thô để phát hiện chỗ chưa hợp lý. Không phải mình đọc báo cáo mà không có ý kiến gì là anh em vui đâu. Chỉ ra được cái được, cái chưa được và giúp anh em tháo gỡ, tức là mình hiểu sản phẩm ấy, đó mới là cái anh em cần ở người quản lý.

Hơn nữa, chỉ có làm cùng mình mới biết năng lực của từng nhân viên để ghi nhận hay đề xuất vị trí phù hợp”, chị chia sẻ.

Là thủ lĩnh của những trung tâm trọng yếu ở VTNet với hàng trăm nhân viên, chị vẫn quán xuyến tất cả các mặt hoạt động, không riêng kỹ thuật. Ngay cả với công tác kế hoạch tổng hợp, chị yêu cầu tất cả các báo cáo, cho dù là định kỳ và đột xuất đều phải sự đầu tư, cẩn thận từ chính tả, trình bày đến nội dung, không làm thì thôi, đã làm thì phải chất lượng. Để đạt được mục tiêu ấy, chị không ngại hướng dẫn cho từng người từ cách viết công văn đến làm sao thông tin trong báo cáo có ý nghĩa và thuyết phục.

“Tất nhiên tiêu chí vẫn là vừa nhanh vừa tốt, nhưng nhiều khi thời hạn gấp, mình vẫn yêu cầu mọi người chuẩn bị chu đáo. Chậm một chút nhưng hiệu quả còn hơn nhanh mà sơ sài. Có như vậy mọi người mới có ý thức và hiểu được giá trị của việc mình đang làm", chị tâm sự.

Chơi cũng phải chất lượng

Không chỉ là Phó Giám đốc phụ trách chung, chị Tâm còn được Đảng ủy, Ban TGĐ tin tưởng giao cương vị Bí thư Đảng bộ. Ở tất cả các đơn vị do chị phụ trách, phong trào tập thể luôn nổi bật trong cả Tổng Công ty, đặc biệt là các hoạt động gắn kết.

Dù tất bật với công tác chuyên môn và quản lý nhưng với các buổi sinh nhật tập thể hàng tháng, phong trào quần chúng, từ thiện,... chị vẫn sắp xếp cũng cùng nhóm tổ chức xây dựng ý tưởng, kế hoạch triển khai với quan điểm khác biệt và sáng tạo, lần trước làm thế này thì lần sau phải làm khác. Thế nên, các buổi sinh nhật của trung tâm chị ở tầng 8, tòa nhà Thái Bình luôn sôi nổi, bất ngờ và đầy cảm xúc. Tất nhiên, bận đến đâu chăng nữa thì cũng chưa lần nào chị vắng mặt trong các sự kiện của trung tâm.

Nhớ buổi sinh nhật kết hợp chia tay đồng chí Lưu Mạnh Hà hồi cuối năm 2015 (khi đó là Giám đốc TT Di động nhận nhiệm vụ Phó TGĐ Viettel Global), nhờ ý tưởng của chị, ngày hôm đó trở thành kỷ niệm ấn tượng với tất cả thành viên từ cách trang trí, tấm biển thổ lộ tình cảm với sếp, thiệp hand-made “anh đưa em theo với”, lưu bút tập thể... Đã có rất nhiều tiếng cười vui vẻ, những cái ôm rất chặt và cũng không ít giọt nước mắt đã rơi vì xúc động.

Hoành tráng nhất là những sự kiện happy event của trung tâm. Chị thường xuyên góp ý và theo sát công tác chuẩn bị từ khâu nhỏ nhất như vận động tối đa anh em tham gia, trang bị đồng phục cho các đội, phương tiện đi lại, kịch bản, trò chơi, phần thưởng,... Trong tất cả các hoạt động ấy, chị luôn là thành viên nhiệt tình nhất, sẵn sàng làm đội trưởng ở mọi trò chơi. Tinh thần hết mình của chị đã khiến nhiều thành viên lúc đầu lấy lý do từ chối không tham gia phải nghĩ lại và thay đổi quyết định, hay các sếp như anh Hà Minh Tuấn, Lưu Mạnh Hà cũng “lăn mình” vào các phần thi, cạnh tranh không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên. Mỗi happy event là một lần chị và đồng nghiệp được sống và chơi hết mình. “Với mình, chương trình thành công là làm sao để anh em về rồi lại muốn đi nữa”, chị hào hứng nhớ lại các hoạt động Thế vận hội mùa thu, Táo quân hay Trung thu đỏ của trung tâm năm ngoái.

Những hôm ở lại muộn cùng anh em, trong lúc giải lao, chị say sưa chia sẻ với cánh mày râu trẻ tuổi câu chuyện dạy con học, giới thiệu các cuốn sách phù hợp với lứa tuổi con hay tham gia nhiều diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con. Nhờ chị truyền cảm hứng mà sau đó, cậu trưởng phòng Hà Phương bỗng có thói quen đặt sách online để học cùng con gái.

Phạm Thị Quỳnh chia sẻ: “Chị luôn tỉ mỉ, cẩn trọng trong công việc, cách làm việc rất tường minh. Chị có thể thức suốt đêm làm chỉ tiêu kỹ thuật, chấm thầu với anh em đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi sắp xếp được thời gian chị cũng luôn cố gắng để không phải ở lại muộn, dành thời gian cho gia đình, chăm lo bài vở cho các con và xem tình hình học tập của từng đứa. Chị còn chia sẻ cách sử dụng thuốc, dạy con tiếng Anh cũng như một số loại sách mà lứa tuổi tiểu học thích, có nội dung như thế nào...!”.

Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến người chồng luôn đứng phía sau ủng hộ chị hết mình. Chị Tâm luôn thừa nhận mình là người may mắn vì có gia đình hiểu và thông cảm cho công việc của người phụ nữ làm kỹ thuật. Thế nhưng, bên cạnh may mắn ấy là tố chất thông minh của một người mê học Toán, là tinh thần ham học hỏi, nhiệt huyết với nghề đã chọn, cầu toàn trong mọi việc, sẵn sàng chia sẻ và hết mình vì tập thể. Những gì đang có không phải là đích đến, chị luôn đặt mình vào một hành trình liên tục chuyển động để chinh phục những thử thách mới. Trúng tuyển vào Viettel ngày nào tưởng như cho vui, hóa ra lại thành duyên phận của chị - người phụ nữ “vàng” của ngành kỹ thuật.

Nguyên Trang

Tương tác trực tiếp với ICTnews trên Facebook

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/nguoi-chi-biet-tuot-144049.ict