Người chèo thuyền trên suối Yến

Chiều ngược gió, thuyền khó đi. Chị Hoa vươn rộng cánh tay lấy đà đẩy mạnh mái chèo, cho thuyền xuôi về chùa Hương dọc bờ suối Yến.

Suối Yến nằm trong khu di tích thắng cảnh chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô, mất khoảng hai tiếng, du khách sẽ vượt qua quãng đường dài 65 km để đến nơi. Con suối chảy ra sông Đáy này còn mang tên Yến Vĩ, vì có hình dáng tựa như chiếc đuôi xòe rộng của một con chim Yến.

Được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, phương tiện duy nhất để đưa du khách đi tham quan cũng chỉ có những chiếc thuyền nhỏ.

Mấy năm trước chị Hoa từng đi đổi tiền lẻ, kiếm lời lãi của chính đồng tiền sinh ra đồng tiền trong lễ hội. Những năm đó, khi chùa Hương còn mấy điểm mọc lên bên chùa Giải oan, sau nhà chùa dẹp nhà nước cũng cho dẹp đi. Vậy là chị Hoa bỗng dưng mất việc, chuyển qua nghề lái thuyền trên sông Yến cho du khách. Và cũng kể từ đó, năm chị 16 tuổi đã hành nghề mà thông thường chỉ dành cho đàn ông.

Những con thuyền chở khách tham quan trên suối Yến.

Những con thuyền chở khách tham quan trên suối Yến.

Đã hơn 20 năm nay, cứ thế sáng thật sớm, tối thật tối vào ngày của mình, chỉ cần còn có khách là chị vẫn ngồi trên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên sông nước cùng du khách. Thuyền có khi lững thững chậm rãi để người đi có thể ngắm trọn cảnh vật non nước, nghe rõ tiếng mái chèo vỗ loáng thoáng trên mặt nước. Cảm giác lắng đọng bình yên khi rời thành thị đông đúc.

Đặc biệt, tháng 9 -11 được ví là mùa nước nở hoa, khi hoa súng nở rộ dọc hai bên suối. Vẻ đẹp của loài hoa dân dã mà thanh nhã đó hòa quyện thật trọn vẹn với khung cảnh thiên nhiên nơi này. Sắc hồng tím phủ rợp khiến dòng Yến Vĩ đẹp bình dị nhưng cuốn hút, thu trọn ánh nhìn của bất cứ ai.

Đẹp mê hồn dòng suối Yến mùa hoa Súng.

Hay cũng có khi thuyền đi vội vã hơn vào mùa lễ hội. Du khách thì mong ngóng để đến chùa cho kịp hành lễ, người lái mái chèo cũng muốn quay lại cho kịp những chuyến thuyền khác kiếm thêm chút thu nhập. Vào mùa này dòng suối Yến như mất đi vẻ tĩnh lặng vốn có bởi lòng người cũng không có vẻ thản nhiên ngắm cảnh vật nữa.

Chị Hoa không chỉ là người lái thuyền mà còn như là một hướng dẫn viên du lịch đích thực. Có lúc chị kể về sự tích núi Voi Phục, đền Chiến Thắng hay có khi chỉ là giải thích tên của một loài cây nào đó bên bờ suối.

Chị kể: “Tôi học chèo thuyền từ năm học lớp 16 tuổi, những ngày đầu mới tập, bàn tay bị sưng rộp lên, hai vai đau nhừ, tối về đau đến mức không ngủ được, thế nhưng ngày mai vẫn cứ xin bố mẹ cho đi để chèo. Càng ngày càng quen dần rồi gắn bó luôn với nghề”.

Tôi vẫn nhớ câu nói của chị: "Công việc thì không thể phân biệt đâu là dành cho nam hay nữ vì bởi lẽ hoàn cảnh đẩy con người ta là phải làm thôi”.

Ở đây chèo thuyền đã trở thành một nghề của cả làng và nó đặc biệt ở chỗ công việc này không diễn ra thường xuyên như những việc khác mà theo kiểu “cha lần chú lượt”, đến phiên nhà nào thì nhà đó sẽ đi. Còn những ngày không phải lượt nhà mình đi chèo thuyền cho khách, mọi người lại kiếm những công việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Hoa vừa chèo thuyền vừa chia sẻ mọi câu chuyện với du khách.

Số tiền mà du khách trả để ngồi thuyền không phải người chèo thuyền được nhận toàn bộ, mà họ chỉ được nhận một phần trong số đó, còn lại đóng vào công quỹ của địa phương. Mỗi ngày trung bình chị được 100.000 đồng còn vào dịp lễ hội thì được hơn mấy lần.

Nhìn cách chị giới thiệu mọi thứ cho du khách giống như chị vừa là một người chèo thuyền kiêm luôn cả một hướng dẫn viên nhiệt tình, vui tính. Chị nói rằng, trước khi quyết định trở thành một người chèo thuyền ở đây, bất kì ai cũng phải tự học và tìm hiểu những yếu tố cần thiết để giúp cho quá trình làm việc của bản thân, có như vậy mới yêu và gắn bó được với nghề.

Nghề lái thuyền ở nơi đây chia theo ngày để tránh trường hợp giành du khách với nhau.

Lênh đênh trên mặt nước, khi mưa lạnh khi nóng bức, khó khăn vất vả nhiều nhưng những người chèo thuyền vẫn vui cười và họ nói họ cảm thấy hài lòng, tự hào với công việc hiện tại của mình, bởi đây là cơ hội giúp họ được giao tiếp, quảng bá hình ảnh quê hương đất nước với du khách, điều đó giúp co người chèo thuyền cảm thấy thoải mái và trẻ khỏe hơn nhiều.

Thiết nghĩ, nếu như người họa sĩ cần khối óc và đôi bàn tay để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời, thì người chèo thuyền bên cạnh cần đến sức khỏe cũng đòi hỏi sự nghệ thuật, cẩn thận, tận tâm và khéo léo từ đôi bàn tay, bởi đâu đơn giản để có thể chở 6-7 con người trên một chiếc thuyền mà vẫn còn sức để trả lời hết tất cả thắc mắc của du khách.

Phan Quỳnh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nguoi-cheo-thuyen-tren-suoi-yen-d30164.html