Người bệnh chưa mua thẻ bảo hiểm y tế trước áp lực tăng viện phí

Những ngày này được coi là đồng hồ đếm ngược đối với người bệnh, bởi từ ngày 1-6, gánh nặng đè lên người bệnh do chi phí viện phí cùng các loại dịch vụ tăng chóng mặt. Gần hai nghìn dịch vụ y tế sẽ tăng giá sau ngày 1-6 cùng nhiều dịch vụ có mức tăng từ hai đến ba lần so với giá cũ. Vậy người không mua bảo hiểm y tế có đủ sức chống đỡ với sự tăng giá viện phí khi nhập viện?

Nỗi khổ nhân đôi

Chị Đinh Thị Thái, xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) như “ngồi trên đống lửa”, khi xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình chăm con trai bị tai nạn giao thông (TNGT) hơn một tuần nay. Công việc nhà nông bộn bề với ba sào lúa vụ đông-xuân đã ngày một vàng rộm trên cánh đồng mà không người thu hoạch. Trong lúc trông vào hạt thóc tháng ba ngày tám thì tiền viện phí hơn 10 triệu đồng như một gánh nặng đè lên vai chị. Con trai chị năm nay 24 tuổi, làm nghề tự do không may bị TNGT phải điều trị tại Khoa Chấn thương - Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Bảo hiểm y tế (BHYT) chưa mua, tiền điều trị, thuốc men, tiền ăn, lưu trú… ngày một nặng khiến gia đình như ngồi trên đống lửa. Đấy là giá viện phí mới ở mức cũ còn tính theo mức tăng giá từ ngày 1-6 thì số tiền phải trả gấp hai đến ba lần, có thể tới gần 30 triệu đồng – một số tiền không hề nhỏ đối với những gia đình như chị Thái.

Không riêng gia đình chị Thái, hoàn cảnh chị Vũ Thị Hải Yến, thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn (TP Tam Điệp) cũng chẳng kém sự vất vả lo viện phí. Hai vợ chồng mỗi tháng tổng thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Không may, người chồng đau ruột thừa cấp, phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Chưa tham gia BHYT, số tiền gia đình phải chi trả cho ca mổ, thuốc men, nằm viện, ăn uống, công chăm sóc cả tuần cũng ngốn gần chục triệu đồng khiến chị Yến lao đao. “Tôi định tham gia BHYT từ lâu, xong cứ chần chừ mãi, giờ không may bị bệnh phải chi trả mất gần hai tháng thu nhập của gia đình. Trong khi nhà neo người, hết tiền biết xoay xở vào đâu”.

Theo Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Phạm Văn Hiệp, số người bệnh đến khám chữa bệnh có thẻ BHYT chiếm gần 90%. Đối với khoa bệnh nặng, bệnh mãn tính như Ung bướu, Thận tiết niệu…, hầu hết người bệnh đều có thẻ BHYT do chi phí điều trị cao và phải chữa bệnh thường kỳ, dài ngày. Còn một số khoa như Chấn thương, Ngoại tổng hợp.., tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT mới chiếm khoảng 80%. Vẫn còn không ít người bệnh vào viện chưa có thẻ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ngộ độc… chưa mua BHYT nên người bệnh phải chi trả 100% chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình. Thậm chí, bệnh viện thật khó xử khi người bệnh chưa khỏi hẳn đã xin xuất viện về sớm hoặc xin điều trị loại thuốc phù hợp với người thu nhập thấp.

Bác sĩ Bùi Văn Ngư, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Khoa Ngoại tổng hợp hiện có gần 100 giường bệnh, công suất sử dụng luôn đạt 100%. Bình quân khoa có khoảng trên 80% bệnh nhân có thẻ BHYT. Song, số 20% người bệnh chưa mua BHYT là khó khăn cho cả hai phía: người bệnh và bệnh viện. Bởi lẽ, một ca mổ trung bình chi phí ít nhất khoảng 6 đến 7 triệu đồng. Nếu có thẻ BHYT, người bệnh chỉ phải thanh toán mức cao nhất là 20% thì chỉ hơn 1 triệu đồng/ca mổ, còn ca mổ do bệnh nặng, phức tạp kéo dài, nếu không có BHYT, phải chi trả đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Thực tế xảy ra là nhiều người bệnh vì chưa mua BHYT, nay thấy chi phí điều trị quá lớn, kỹ thuật cao càng đẩy gia đình họ vào vòng khốn khó. Nhất là từ ngày 1-6, Bộ Y tế có quy định tăng giá dịch vụ y tế gấp nhiều lần, đòi hỏi mỗi người dân cần có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Cho nên, người bệnh chưa mua thẻ BHYT sẽ vất vả khi lo đủ tiền để chi cho viện phí tăng và nỗi khổ của cơ sở khám chữa bệnh là hạch toán chi phí vào thu nhập hằng tháng của cán bộ y tế khiến họ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu thất thu viện phí.

Mua BHYT lợi ích cho mọi người, mọi nhà

Phải nói rằng, tính xã hội của thẻ BHYT là ở chỗ nhiều người dồn vào để cứu một người. Có thể, ngày nay người mua BHYT không mắc bệnh thì người khác phải nằm viện, số tiền đó dồn cho người mắc bệnh làm các dịch vụ y tế để cứu sống người bệnh. Tương tự như vậy, ngày khác lại đến lượt người mua BHYT vào điều trị tại bệnh viện. Thực ra, không ai muốn mua BHYT để phải vào viện điều trị. Mắc bệnh và điều trị là điều không mong muốn của mọi người. Song nếu phải buộc nằm điều trị do bệnh nặng, tuổi cao thì có sự hỗ trợ của cộng đồng chung tay cứu sống người bệnh.

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT “Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp” của Bộ Y tế, ban hành ngày 15-3, từ ngày 1-6, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Ông Ngô Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết. Theo đó, khoảng 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh về giá. Với việc tích hợp thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí đối với ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức giá tăng tới hai đến ba lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Cùng với đó, tiền khám và tiền giường tăng gấp hai đến bốn lần so với mức giá hiện nay. Tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; với bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng/lượt, hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và với bệnh viện hạng 4, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ của một ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi - lên mức 677.100 đồng, tại bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng, tại bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng…

Mức tăng này tác động mạnh đến những bệnh nhân nội trú, phải nằm viện dài ngày. Việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc hai đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.

Tuy nhiên, Thông tư số 02/2017/TT-BYT là quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của BHYT.

Tuy có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6 nhưng không phải là đến ngày đó tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Ninh Bình chỉ đạt trên 84%, số chưa tham gia chủ yếu thuộc nhóm BHYT tự nguyện. Với việc tăng giá các dịch vụ y tế trong thời gian tới là yếu tố quan trọng tác động đến ý thức và thúc đẩy người dân tham gia BHYT, đồng thời giúp họ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của tấm thẻ BHYT. Bên cạnh đó, sự ra đời của Thông tư 02/2017 giúp cho việc thực hiện chính sách chung về khám, chữa bệnh công bằng hơn khi áp dụng giá dịch vụ y tế tương đương giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Song, để gia tăng tỷ lệ số người tham gia BHYT thì bên cạnh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có thêm các giải pháp khác như tích cực tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT, hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và khả năng cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh… từ đó mới thúc đẩy nhanh quá trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33019302-nguoi-benh-chua-mua-the-bao-hiem-y-te-truoc-ap-luc-tang-vien-phi.html