Người bạn vong niên

Mười tám tuổi, tôi rời quê hương New York, Mỹ và đến Yorkshire, Anh quốc để học đại học. Đó là quãng thời gian sôi động nhưng cũng rất áp lực trong cuộc đời. Tôi đang học cách để đối mặt với nỗi đau lớn nhất trong đời, tôi vừa mất cha.

Một ngày, khi đang đi chợ, tôi nhìn thấy một ông cụ di chuyển một cách khó khăn với chiếc gậy chống và một túi táo to. Tôi chạy lên và cầm túi táo giúp ông.

- Cảm ơn cháu. - Ông nói bằng giọng của vùng Yorkshire. - Ta đã khá ổn rồi, đừng lo lắng. - Ông nói và mỉm cười với tôi.
- Cháu có thể đi cùng ông được không? - Tôi hỏi.
Ông cười và nói:
- Cháu xa nhà phải không. Cháu từ nước Mỹ đến đúng không?

Mối quan hệ của tôi với ông Burns, người có nụ cười ấm áp đã bắt đầu như vậy.

Trong khi đi bộ, ông phải dựa vào chiếc gậy rất nhiều. Khi chúng tôi về tới nhà ông, tôi giúp ông đặt gói đồ lên bàn và chuẩn bị trà, bữa tối cho ông. Sau khi pha trà xong, tôi hỏi ông có phiền không nếu tôi quay trở lại thăm ông. Với một cái nháy mắt và một nụ cười, ông trả lời: "Ta chưa bao giờ từ chối lời đề nghị từ một cô gái có trái tim ấm áp".

Ngày hôm sau, tôi quay lại vào đúng khoảng thời gian của hôm trước, và lại giúp ông chuẩn bị trà. Dù ông không yêu cầu, nhưng khi tôi đưa chiếc gậy mỗi khi ông muốn đứng lên, ông cũng không phản đối. Tối hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Ông hỏi tôi về việc học hành, những kế hoạch trong tương lai và chủ yếu là về gia đình tôi. Tôi kể với ông rằng cha tôi vừa mới qua đời, tôi không còn người thân nào trên đời nữa. Ông chỉ tay lên hai tấm ảnh trên tường, ảnh của hai người phụ nữ, một già một trẻ. "Đó là Mary", ông nói khi chỉ tay vào ảnh người phụ nữ già. "Bà ấy mất 6 năm rồi. Và kia là Alice. Nó là một y tá tuyệt vời. Mất nó là nỗi đau quá lớn đối với Mary".

Tôi đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt tôi chưa từng khóc cho nỗi đau của riêng mình. Tôi khóc cho Mary, cho Alice và cho ông Burns. Tôi cũng khóc cho bố, người mà tôi đã không bao giờ có cơ hội để nói lời tạm biệt.

Tôi thăm ông Burns hai tuần một lần, luôn vào cùng một ngày và cùng một giờ. Bất kỳ khi nào tôi đến, ông cũng đang ngồi trên ghế, chiếc gậy dựng ở tường. Dường như ông lúc nào cũng rất vui khi gặp tôi. Tôi cũng cảm thấy rất vui khi mình làm được việc có ích, và càng vui hơn khi gặp người tôi có thể thổ lộ những ý nghĩ và cảm xúc của mình.

Trong khi chuẩn bị trà, chúng tôi nói chuyện. Tôi kể với ông cảm giác kinh khủng thế nào khi tôi không nói chuyện với cha tôi hai tuần trước khi ông mất. Tôi đã không bao giờ có cơ hội để xin cha tôi tha thứ. Ông chăm chú lắng nghe. Lắng nghe như thể ông đang đọc những suy nghĩ trong đầu tôi, thu thập tất cả thông tin và thêm vào đó những chi tiết từ kinh nghiệm của chính mình để có thể hiểu tôi một cách rõ nhất.

Sau khoảng một tháng, tôi quyết định đến thăm ông mà không báo trước, cũng không đến vào một giờ cố định như thường lệ. Vừa đến nhà, tôi thấy ông đang ở trong vườn và cúi người một cách dễ dàng. Tôi chết lặng. Đây có phải là người đàn ông mà mỗi bước đi đều cần đến chiếc nạng?

Bất chợt ông nhìn về phía tôi. Cảm nhận rõ sự khó xử của tôi, ông vẫy tôi. Tôi không nói gì, nhưng cũng nhận lời mời và đi vào nhà.

- Nào, cháu gái yêu. Cho phép ta pha cho cháu một cốc trà nhé.
- Cháu đã nghĩ rằng... - Tôi bắt đầu.
- Ta biết cháu nghĩ gì. Lần đầu tiên cháu gặp ta ở chợ, mắt cá chân của ta có vấn đề. Ta đã vấp phải đá khi làm vườn.
- Nhưng khi nào ông có thể đi bình thường trở lại?
Ánh mắt ông hiện lên sự vui vẻ lẫn hối hận:
- À, ngay sau ngày gặp gỡ đầu tiên của chúng ta.
- Nhưng tại sao... - Tôi hỏi, thực sự lúng túng. Chắc chắn rằng ông không thể giả vờ ốm yếu để tôi đến pha trà cho ông.
- Lần thứ hai cháu đến, đó là lần ta nhìn thấy cháu rất buồn và cô đơn. Và ta đã nghĩ, cô gái này có thể san sẻ với ta. Ta biết cháu cần một người nào đó để trò chuyện. Một người già, già hơn cha cháu. Và một người nào đó biết lắng nghe...
- Thế còn chiếc gậy?
- À, ta sử dụng nó khi đi bộ trên cánh đồng hoang. Chúng ta đi dạo cùng nhau nhé, cháu gái.
Và chúng tôi đã đi bộ trên cánh đồng.

Ông Burn, người đàn ông tôi định giúp đỡ đã giúp đỡ tôi. Ông đã cho tôi một món quà quý giá, đó là sự quan tâm và lòng tốt dành cho một cô gái đang cần cả hai thứ đó.

Trần Minh Quân (Dịch từ "Help for the Helper")

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/851142/nguoi-ban-vong-nien