Người bạn của chuyển đổi cây trồng

Đã 3 năm qua, giá cao su ở mức thấp khiến cho nhiều trang trại cao su ở Bình Dương, Bình Phước phải chuyển đổi cây trồng khác, trong đó cơ giới hóa góp phần không nhỏ đến sự thành công của họ.

May sao họ lại có được những người bạn tài năng và chí tình.

Từ máy phun thuốc BVTV cho chuối...

Hai năm qua vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Châu (có biệt danh Châu "chuối", chủ trang trại chuối An Điền) ngụ tại xã An Điền, huyện Bến Cát, Bình Dương cứ loay hoay mãi với thiết bị phun thuốc BVTV cho vườn chuối nhưng không tìm được thiết bị nào ưng ý. Khác với những cây trồng khác, cây chuối tuy không cao và cũng không rậm rạp lắm (mỗi mẹ chỉ để 1 con) nhưng rất khó phun vì lá chuối to ngăn cản, trong lúc bệnh cháy lá lại phát triển rất nhanh vào mùa mưa.

Ông Châu có 40ha cao su tại địa chỉ trên. Năm 2013, khi giá mủ cao su giảm, ông đã tìm đến cây chuối. Ban đầu ông thận trọng chỉ trồng thử 2ha bằng giống chuối già cấy mô và chỉ năm đầu tiên ông đã thu hồi vốn đầu tư (giá bán tại vườn 7.000đ/kg xuất khẩu cho Malaysia). Sau 3 năm thử nghiệm, mọi việc chuẩn bị cho 20ha chuối giai đoạn 1 đã hoàn tất, từ kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản, đóng gói, hạ tầng điện đường, đến thị trường tiêu thụ nhưng vợ chồng ông vẫn nấn ná vì chưa tìm được thiết bị phun thuốc trong lúc lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm.

“Buồn ngủ gặp chiếu manh”, trong buổi xem chương trình khuyến nông trực tiếp trên Đài PT-TH Bình Dương, ông liên hệ được với nhóm cơ khí thuộc Hội Làm vườn xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) do ông Nguyễn Văn Long (Hai Long), một nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia, làm chủ tịch.

Sau mấy ly rượu sơ giao, nhu cầu của ông Châu được mấy chuyên gia cơ khí miệt vườn lên ngay thiết kế với nguyên lý phun sương cùng lúc nhiều béc, nhiều tầng và các béc thì phải “vừa phun vừa lắc”. “Thiết kế mồm” được chuyển ngay cho hội viên Trần Đình Đức (có tiệm cơ khí Hồng Đức), một tay thợ cơ khí có biệt tài là chỉ cần nghe qua nguyên lý làm việc đã hình dung ra cơ cấu và nhẩm ra ngay các thông số chế tạo. Chỉ sau một tuần, ông Châu đã mãn nguyện và kế hoạch trồng tiếp 20 ha chuối được triển khai lập tức.

Ông Trần Đình Đức đang hiệu chỉnh máy chuyên phun thuốc BVTV cho chuối theo đặt hàng của trang trại chuối An Điền

Ông Trần Đình Đức đang hiệu chỉnh máy chuyên phun thuốc BVTV cho chuối theo đặt hàng của trang trại chuối An Điền

... đến chiếc máy cày

Không chỉ ông Châu mà nhiều trang trại khác khi chuyển đổi cây cao su sang cây trồng khác đều phải nhờ đến nhóm cơ khí này. Sầu riêng là cây “vua” vì có thu nhập cao nhưng cũng là cây khoái khẩu của sâu đục thân và nhiều loại nấm bệnh.

Để bảo vệ, nhà vườn phải thường xuyên tỉa cành tăm cho thông thoáng (vừa giảm sâu bệnh, vừa hạn chế sượng múi) và phát hiện chữa trị sớm dấu vết sâu đục cành. Nhu cầu làm việc an toàn trên cao rất bức thiết với các nhà vườn sầu riêng, vậy là một chiếc cần cẩu lắp ghép với máy cày do nhóm này chế tạo ra đời.

Cũng nhờ xem tivi mà anh Nguyên, một nhà vườn ở Lộc Ninh sau khi chặt 8ha cao su trồng tầm vông đã tìm đến Hồng Đức đặt làm gấp một chiếc cẩu. Theo anh Nguyên, muốn có cây tầm vông cao, thẳng thì phải bó chúng lại với nhau.

Anh Nguyên đã bỏ hơn 100 triệu mua một chiếc cần cẩu cũ nhưng không hiệu quả vì xe cẩu không leo đồi vượt suối được như máy cày. Chiếc cẩu của cơ khí miệt vườn giá chỉ bằng 1/10 (không tính động cơ) tuy không cơ động như cẩu thiệt nhưng lại chắc chắn, không lo bị tuột ben, lún sình mà lại quen dùng. Nhờ cẩu này mà tầm vông của anh chủ yếu là loại 1 với giá bán tại vườn lên tới 18.000đ/cây, cao hơn 5.000đ so với vườn khác. Ngoài bó tầm vông, anh Nguyên còn dùng để tỉa cành cao su, mít, cây lấy gỗ rất hiệu quả.

Năm 2014, ông Vũ Văn Hùng (xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, Bình Phước) buộc thanh lý 1ha cao su phục vụ cho đường điện 500 KV mới. Diện tích dưới đường điện được ông Hùng chuyển qua trồng thảo dược nên có nhu cầu băm thái nhỏ thân và rễ cây. Loại cây này chỉ to bằng ngón chân, ngón tay nhưng sau khi sấy khô thì cứng đanh lại. Sau khi dùng thử nhiều máy băm dùng cho chăn nuôi không được, ông Hùng đã viện đến nhóm này.

Chỉ nghe qua, ông Hai Long đã phán, dao băm không cần nhanh nhưng cần động năng lớn. Một chiếc bánh đà của máy nổ diezel loại 24 ngựa được đặt nằm ngửa làm bàn gắn 4 lưỡi dao thép, chiếc máy cứ từ tốn quay mà không một loại cành nào, kể cả cành tre gai khô, cũng bị chém sắc ngọt.

Những chiếc máy đa năng

Trong vòng 5 năm qua, nhóm này đã sáng chế nên trên 20 loại máy nông cơ đa năng sử dụng máy cày làm động lực tỷ như chiếc máy "5 trong 1" có thể sử dụng để bón phân hóa học (tự trộn các thành phần, tự bón và lấp lại), xịt thuốc BVTV, đào rãnh chôn ống tưới, phát điện và kéo dây; máy phun thuốc có khả năng phun cao 18m chuyên dùng cho cao su; máy trộn giá thể và vô bịch trồng các loại nấm; máy vừa băm vừa rải cỏ vào máng cho các trại chăn nuôi bò; máy vun luống trồng bưởi, quýt… Tuy phải đôi ba lần hiệu chỉnh nhưng máy nào cũng được các chủ trang trại mãn nguyện.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Bí thư Chi bộ ấp Cây Sắn (xã Lai Uyên, Bàu Bàng, Bình Dương) cho biết, trong các hội đoàn thể của xã thì hội làm vườn hoạt động có hiệu quả, uy tín và được nhiều người biết nhất nhờ có nòng cốt là nhóm cơ khí.

Điều đặc biệt là nhóm này không hề giữ bản quyền băt cứ máy nào mà ai đến cũng sẵn sàng chia sẻ, ngay cả các tiệm cơ khí ở các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Việc làm phi lợi nhuận của các nhà cơ khí miệt vườn Bàu Bàng (nơi từng được lưu danh sử sách với chiến thắng Bàu Bàng trong kháng chiến chống Mỹ) không những thỏa chí đam mê sáng tạo của họ mà góp công rất lớn trong việc giúp các nông trại chuyển đổi từ cây cao su sang cây trồng khác.

QUANG NGỌC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-ban-cua-chuyen-doi-cay-trong-post172811.html