Người anh em trong cuộc chiến

Taegukgi với sự tham gia của hai tài tử Jang Dong-gun và Won Bin vẫn luôn được đánh giá là một trong những tác phẩm hoành tráng và xuất sắc bậc nhất của điện ảnh châu Á đương đại.

Taegukgi với sự tham gia của hai tài tử Jang Dong-gun và Won Bin vẫn luôn được đánh giá là một trong những tác phẩm hoành tráng và xuất sắc bậc nhất của điện ảnh châu Á đương đại.

Đã tròn 65 năm kể từ ngày súng nổ trên bán đảo Triều Tiên, khởi đầu cho một cuộc chiến ngắn ngủi đẫm máu. Quá khứ tàn khốc đã lùi xa, tuy nhiên viễn cảnh của một cuộc huynh đệ tương tàn vẫn hiển hiện. Bán đảo Triều Tiên luôn là một cái tên trong bản đồ những điểm nóng của thế giới, và những diễn biến gần đây khiến nhiều người lo ngại. Có lẽ vì vậy mà dù đã ra mắt được hơn mười năm song tác phẩm điện ảnh Taegukgi của đạo diễn người Hàn Quốc Kang Je-kyu chưa bao giờ hết tính thời sự.

Triều Tiên là dân tộc cuối cùng của thế giới vẫn bị chia cắt sau một cuộc chiến mà cả hai bên cầm quyền đều tuyên bố chính nghĩa thuộc về mình. Nhưng, thật khó tìm ra lý do bào chữa cho con số hàng trăm ngàn binh sĩ tử trận chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, cho hàng triệu gia đình cả hai miền nam - bắc phải chịu cảnh ly biệt bao năm ròng. Chiến tranh, đối với đa số thường dân, chỉ là chết chóc, loạn lạc và nguồn cơn của những bi kịch gia đình. Đó cũng là quan điểm của đạo diễn được mệnh danh là “Steven Spielberg châu Á” khi ông quyết định thực hiện bộ phim về đề tài chiến tranh để đời của mình. Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh vào một ngày năm 2003, trong cuộc khai quật tàn tích cuộc chiến tranh Triều Tiên để xây dựng khu tưởng niệm, quân đội Hàn Quốc đã gọi điện thông báo cho một người đàn ông lớn tuổi tên là Lee Jin-seok việc họ tìm thấy vài thứ liên quan đến ông. Cuộc điện thoại đã đưa từng dòng ký ức lần lượt hiện về trong tâm trí Lee Jin-seok, từ lúc ông còn là cậu học sinh trung học, sống tại Seoul cùng mẹ và anh em mình. Cuộc sống của gia đình Lee có thể gọi là bình yên và đầy hy vọng nếu cái nghèo không phải là nỗi đe dọa quá lớn. Cậu học sinh Jin-seok gần như là tương lai của cả gia đình nên mọi tình yêu thương và ưu ái đều được dồn vào cậu. Công việc duy nhất mà Jin-seok phải làm là ăn học. Thế nên, dẫu chỉ là một người thợ đánh giày và phải gánh vác miếng ăn cho cả gia đình thì người anh trai lớn Jin-tae cũng nhất quyết không để em mình phải lo lắng bất cứ điều gì. Tình cảm ấm áp của hai anh em được đạo diễn xoáy sâu vào, từ “que kem lạnh” mà Jin-tae không chịu ăn chung vì “sợ sâu răng” đến “cây bút bạc” đáng giá bằng cả ngày công anh đã mua tặng Jin-seok. Những hình ảnh vừa ngây ngô vừa xúc động tuy ít nhiều còn mang tính minh họa song như một đòn bẩy, nó giúp đạo diễn làm bật tính khốc liệt của chiến tranh. Những đêm sáng trăng, cả gia đình cùng nhau vui đùa bên dòng suối hay viễn cảnh về một đám cưới ấm áp của Jin-tae và cô gái anh yêu đã mãi mãi là dĩ vãng từ cái ngày 25.6.1950, khi lực lượng vũ trang Triều Tiên tấn công Seoul.

Không che giấu những ảnh hưởng từ bộ phim chiến tranh lừng danh Saving Private Ryan của Steven Spielberg trong lối thể hiện bạo lực và cấu trúc hồi tưởng, nhưng Taegukgi thậm chí có phần gây ám ảnh hơn hẳn, dựa trên quan điểm đạo đức. Ở Saving Private Ryan, quân đội Mỹ là những người hùng đi cứu thế giới khỏi sự thống trị của phe phát xít. Còn ở Taegukgi, chính nghĩa là một “nhân vật” hư cấu thuộc về lý lẽ của cả hai phe trong cuộc “nồi da xáo thịt” điêu linh. Đối trọng phân đoạn quân đội Hàn Quốc hành quyết hàng loạt người mà họ nghi thân Cộng là cảnh Jin-seok chứng kiến người anh trai thân thương biến thành cỗ máy giết người dưới sự huấn luyện của quân đội Triều Tiên. Đạo diễn Kang Je-kyu thổ lộ, ông nhận khá nhiều lời chỉ trích từ những cựu chiến binh về cách ông thể hiện lại cuộc chiến qua những thước phim của mình. Bản thân Kang cũng có một người cha từng phục vụ chiến tranh, vì vậy, trong quá trình hoàn tất kịch bản, không ít lần ông đã rơi nước mắt. Taegukgi rõ ràng đã chạm đến nỗi đau lớn của dân tộc Triều Tiên, và cái tính ẩn dụ về hai người anh em ruột thịt trong cuộc chiến khiến người xem không khỏi ngậm ngùi. Đã có lúc hai người anh em ấy sát cánh cùng nhau để chống lại kẻ thù, dù cho một người hồn nhiên hơn và một người đa cảm hơn. Jin-tae không quản bom đạn xông pha khắp nơi hòng mong nhận được huy chương để xin cho em trai mình một kỳ nghỉ. Jin-seok thì đau khổ vì nghĩ anh mình háo danh và thay đổi. Tao loạn kéo qua thổi bay hết những ngày xưa cũ thiêng liêng và êm đẹp, họ phút chốc đã đứng ở hai đầu chiến tuyến. Đâu ai ngờ cái ngày 25.6.1950 kia đã làm nên một cuộc dâu bể trong chớp mắt.

Chính sách Ánh dương của Tổng thống Kim Dae-jung kéo dài từ năm 1998 đến năm 2008 đã mở ra thời kỳ nồng ấm nhất trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền sau cuộc chiến 1950. Trong giai đoạn này, hơn 400 người Hàn Quốc đã được chính phủ cho phép gặp 97 thân nhân người Triều Tiên. Nhờ thế mà có bức ảnh nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc cụ già người Triều Tiên vẫy chào tạm biệt người anh em Hàn Quốc đang lau nước mắt sau cuộc đoàn tụ lần thứ 17 dành cho các gia đình bị ly tán sau chiến tranh tại núi Kumgang vào ngày 31.10.2010 (ảnh nhỏ). Ai đã từng xem Taegukgi sẽ thấy được bóng dáng của Jin-tae và Jin-seok thấp thoáng đâu đó trong bức ảnh nổi tiếng ấy, bóng dáng của hai con người cùng một mẹ bị trở nên xa lạ bởi cuộc chiến.

Ngân Vi

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-anh-em-trong-cuoc-chien-603157.html