Ngược rừng săn loài cống phẩm 'kê ngũ sắc'

Suốt một ngày như thế, chúng tôi đi đến rã cả chân chỉ để… thủ thỉ, lẩm bẩm với núi rừng, với những vết chân gà vạch vào lá. Lâm gọi đó là 'theo dấu gà rừng'...

 Một chú gà trống rừng ngũ sắc lạc vào bẫy

Một chú gà trống rừng ngũ sắc lạc vào bẫy

Ngược rừng theo dấu chân gà

5 giờ sáng, bên tai tôi cứ vẳng tiếng “te…é… te…é…”. Đó hẳn là tiếng một con gà rừng đang tập gáy. Tôi đang miên man trong giấc ngủ nửa vời thì đột nhiên có bàn tay người lay mạnh vào đầu võng: “Dậy, dậy đi! Trời sáng rõ lắm rồi anh à! Chúng ta phải ra khỏi con suối này (con suối chúng tôi đang trú tạm tại rừng tên gọi là Rẫy Hót) để sang đỉnh núi Hàm Quỷ phía bên kia mới mong theo kịp chân gà” - đó là giọng của Lâm, 27 tuổi, người ở xã Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) một thợ săn gà rừng hay còn gọi với tên khác là “kê ngũ sắc”.

Đó là buổi sáng đầu tiên chúng tôi thức dậy giữa rừng Hoành Sơn (dãy núi làm lá chắn- ranh giới tự nhiên Quảng Bình – Hà Tĩnh). Kỳ thực, cảnh rừng núi chốn này không còn quá xa lạ với tôi, nhưng hiếm khi mới có dịp được một thợ săn “kê ngũ sắc” đưa đi cùng.

Nghe kể, đám thợ săn nơi đây phần lớn đều đã bỏ nghề. Họ đã kéo nhau vào miền Nam lập nghiệp, số khác thì vào làm thuê cho các khu công nghiệp lân cận trong vùng.

Sau bữa cơm sáng cùng món canh chua lá rừng với “chà khé” (loại cua rừng thường có ở các con suối, rất to tựa như cua nhà - PV) chúng tôi men theo con đường đầy dấu chân trâu đến đỉnh Hàm Quỷ để tìm gà.

Đến nơi, Lâm áp mặt sát đất, đầu cứ lắc lắc liên tục như đang nghe ngóng điều gì lạ lắm. Rồi Lâm chỉ về phía một rách cạn cây cối thưa dần, miệng thủ thỉ: “Có tiếng gà gáy ở bên vách cạn kia, các anh phải đi nhẹ nhàng, chứ không khéo động rừng là bốc ruốc (thất bại - PV). Bây giờ các anh cứ ngồi yên đây cái đã để tui vào trong ấy xem xét tình hình trước”.

Chúng tôi nằm chờ ngoài vạt cỏ rộng gần 30 phút thì thấy Lâm thậm thụt đi ra, miệng thì thầm: “Bầy này đông lắm mấy anh à. Cả xứ này chắc chỉ còn lại bầy này là đông nhất. Chân nó vạch bấy bá mấy vạt lá khô trong vách kia luôn. Có những dấu vạch khá lâu rồi kiểu này tra bẫy là mắc chắc.

Thôi cứ làm tạm vài ba cái trước đã để xuống dưới Đuôi Lằng (cũng là một đỉnh núi nằm kế bên đỉnh Hàm Quỷ - PV) xem sao”. Suốt một ngày như thế, chúng tôi đi đến rã cả chân chỉ để… thủ thỉ, lẩm bẩm với núi rừng, với những vết chân gà vạch vào lá. Lâm gọi đó là “theo dấu gà rừng”, nhưng với chúng tôi là một ngày vô ích, không thấy bóng dáng dù chỉ là một… cọng lông gà.

Dàn trận “bát quái bẫy”

Sau nhiều ngày “thủ thỉ” với dấu chân gà rừng, đến lúc này người thợ săn đã xác định được địa điểm cắm dùi đơm. Địa điểm cắm dùi của Lâm nằm ở dãy núi có 2 hòn đá ngoảnh lưng lại với nhau, nằm chọc trời.

Nghe bảo, vì cái thế kỳ lạ của nó nên người xưa mới đặt tên là hòn Cóc Hờn, Cóc Giận (thuộc xã Quảng Hợp). Cũng tại vùng núi này, do khí hậu và địa hình khó khăn nên dân làng trong vùng thả ít gia súc. Bởi vắng người qua lại, những mẻ đơm của thợ săn cũng vì thế sẽ không bị phá.

Những chiếc bẫy tự chế để săn gà rừng.

Nhắc đến kỹ nghệ săn loài “kê ngũ sắc” này, Lâm cho biết: Săn gà có rất nhiều cách, trước kia người ta thường sử dụng đèn bin để soi rừng vào ban đêm chủ yếu là lấy thịt để ăn. Nghe đâu xưa còn dùng để cung tiến vua chúa.

Nhiều năm trở lại đây, nguồn thú trong rừng như đếm đầu ngón tay nên chẳng ai săn gà kiểu “mì ăn liền” ấy nữa. Một số thì sử dụng bẫy để cột chân gà, số khác sử dụng gà mồi để ve đá nhau với gà rừng đến khi say máu rồi lao ra bắt.

Lần này thì Lâm sử dụng bẫy đạp chế theo chân gà. Loại bẫy này rất thông dụng, đơn giản mà không ảnh hưởng gì đến các vật nuôi của người dân nơi đây. Lâm rút trong gùi đơm ra mấy sợi dây màu đen cột thắt từng đoạn, kèm theo một cái chân gà được chế ra bằng tre, cứ thế đi vào rách cạn.

Lâm bật mí: “Đây là bẫy đạp chế theo chân gà, nếu gà đi qua lối tra bẫy mà đạp nhằm chân gà bằng tre này thì sẽ bị cột chân lại, thường loại bẫy này rất tốn công có khi tra bẫy cả tháng chẳng thấy con gì cả, nhưng khi đã mắc là được vài ba con luôn.

Muốn ăn được gà rừng nơi đây cũng phụ thuộc vào người tra bẫy nữa phải biết định hướng bay của gà, thói quen của chúng và nhất là những nơi nhiều thức ăn ví dụ như có một con dê hoặc trâu, bò người dân mới chết là vây bẫy xung quanh đó không to thì nhỏ là ăn chắc…”

Trận đồ “bát quái bẫy” được Lâm dàn ra rất công phu, chúng làm tôi cứ lớ ngớ chẳng biết đường nào để ra nên loắng quắng mà đạp nhầm. Cứ như thế “bát quái bẫy” được Lâm bày khắp các rách cạn, đâu đâu cũng có những chiếc bẫy trá hình của Lâm.

Tại một rách cạn khác, có xác của một con bò đã chết lâu ngày, mùi hôi bốc lên nồng nặc, chủ của con bò xấu số này đã lên xẻo thịt mang về nhà, hiện chỉ còn lại bộ xương và cái sọ. Dĩ nhiên, Lâm đã “ngửi” thấy mùi, hơn thế nữa là bao dự định hiện lên trong đầu của gã thợ săn nghèo khổ này. Lâm tính toán:

“Nếu may mắn chuyến này mình cũng kiếm được kha khá đấy. Vì mấy khi có mồi, mà đàn gà thì lại khoái món này lắm! Mình phải tra thật nhiều bẫy mới được. Các anh cứ ở đó mà xem chắc chắn phen này các anh sẽ được sờ thấy một con gà rừng thực sự chứ không còn là lý thuyết nữa”.

Thật vậy, chỉ cách đó một hôm Lâm đã bẫy được một mẻ gà rừng 3 con, 1 trống 2 mái tại khu vực có con bò đang dần hoại tử. Chúng tôi thấy gương mặt Lâm đổi sắc, sự mừng vui tột độ khiến Lâm cười nói luyên thuyên cả ngày vậy. Bên tay phải của Lâm, chú gà trống rừng ngũ sắc oai vệ vô cùng, đẹp “mê li”, 2 cựa dài và rất sắc, người thon gọn đuôi uốn cong và rất dài.

- “Con này anh để cho tôi bao nhiêu?”, Bạn tôi hỏi giá.

- “Nếu mấy anh thì tui để lỗ vốn đó ba trăm ngàn, nói cú một, nếu được thì làm be nữa tui chi”, Lâm thẳng thắn ngã giá.

- “Được, bỏ bì tui bắt luôn con cồ này”, không chần chừ thêm, bạn tôi đồng ý ngay.

Còn tôi vừa mới được thưởng thức, không cần trả tiền vé một bức họa của mẹ tạo hóa, một bức họa hoang sơ đến huyền bí. Trong tâm tưởng tôi lúc ấy lạ lắm, vừa thán phục vừa như buồn rười rượi.

Thán phục vì một bức họa của rừng xanh đẹp đến mê hồn người, buồn vì bức họa đó đang có nguy cơ trở thành mồi trên bàn nhậu. Tôi ngẩn người ra nhìn khu rừng đang xuống nắng, ngọn đồi phía tây như đôi môi thiếu nữ với những vệt son đỏ buông xuống dần.

Trong đầu chợt nảy ra 2 dòng suy nghĩ đối nghịch nhau. Một đằng thì hờn trách người thợ săn đã đại diện cho lòng tham vô đáy của con người, nhưng đằng khác thì lại biện minh cho người thợ rừng. Bởi xét cho cùng anh ta là một thợ săn nghèo khổ và cùng đường. Anh ta chỉ đi nhặt nhạnh những miếng “cơm thừa” của rừng già mà thôi.

(Còn nữa)

Ngọc Oai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nguoc-rung-san-loai-cong-pham-ke-ngu-sac-280859.html