Ngủ không ngon làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Phát hiện mới cho thấy việc có một giấc ngủ ngon không chỉ làm cho bạn cảm thấy khỏe khoắn trong ngày kế tiếp mà còn giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ, theo tờ The Washington Post.

Ảnh: Shutterstock

Ba cuộc nghiên cứu của các chuyên gia tại Cao đẳng Wheaton ở bang Illinois (Mỹ) đã tìm thấy những mối liên hệ đáng kể giữa những rối loạn về thở và sự tích tụ các dấu hiệu sinh học của bệnh Alzheimer. Việc chữa trị những vấn đề này có thể làm giảm rủi ro bị chứng sa sút trí tuệ hoặc trì hoãn quá trình phát bệnh.

Những người bị chứng rối loạn thở liên tục bị những đợt giảm và ngừng thở trong lúc ngủ. Dạng phổ biến nhất là chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, xảy ra ở 3/10 đàn ông và 1/5 phụ nữ, theo Hiệp hội Alzheimer Mỹ.

Trong một cuộc nghiên cứu trên 516 người trưởng thành có khả năng nhận thức bình thường tuổi từ 71-78, những người bị rối loạn thở có sự gia tăng đáng kể những mảng bám beta-amyloid, một trong những dấu hiệu báo hiệu bệnh Alzheimer trong thời gian 3 năm. Điều này là xác thực bất chấp việc liệu họ có hay không gien APOE-e4 được xem là tác nhân rủi ro gây bệnh Alzheimer.

Cuộc nghiên cứu thứ hai nhận thấy chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến sự gia tăng tích tụ amyloid ở người cao tuổi hơn bị suy giảm nhận thức nhẹ, và cuộc nghiên cứu thứ ba ghi nhận một mối liên hệ ở cả những đối tượng bình thường.

Mặc dù mối tương quan giữa ngừng thở khi ngủ và chứng sa sút trí tuệ đã được xác nhận trước đây, những nghiên cứu ở Illinois là các công trình dài hơi xem xét mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và những dấu hiệu sinh học có liên quan đến bệnh Alzheimer.

“Những phát hiện này cho thấy việc ngừng thở khi ngủ có thể thúc đẩy quá trình suy giảm nhận thức và người bị tình trạng trên cần phải được điều trị để tránh gây hậu quả lâu dài về sau”, chuyên gia Megan Hogan thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

Quyên Quân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/ngu-khong-ngon-lam-tang-nguy-co-mac-benh-alzheimer-857379.html