Ngư dân tàu vỏ thép chính thức đưa doanh nghiệp ra tòa

Tàu vỏ thép mới chạy thử nghiệm đã hỏng máy nên ngư dân đã đâm đơn kiện ra TAND TP Tam Kỳ yêu cầu bồi thường.

Ra tòa

Việc tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 hư hỏng nặng nề tiếp tục xảy ra với ngư dân Quảng Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt, ngư dân Phan Thu (trú tại thôn Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) buồn bã cho biết:

Tàu vỏ thép QNa-95997 TS của ông có công suất 822 CV trị giá hơn 11 tỷ đồng đang nằm bờ tại TP Đà Nẵng để chờ sửa chữa hộp số.

“Khoảng 14 giờ ngày 12/6 vừa qua, khi đang đánh bắt hải sản ngoài Trường Sa cách bờ khoảng 135 hải lý thì tàu bị hư hỏng hộp số và thả trôi trên biển.

Đến 19 giờ ngày 13/6, một tàu vỏ thép khác của xã Bình Minh tiếp cận được tàu của tôi và lai dắt vào bờ tại Đà Nẵng lúc 1 giờ sáng hôm sau”, ông Thu kể.

Tàu vỏ thép của ông Thu trị giá hơn 11 tỷ đồng bị hư hỏng hộp số khi đang đánh bắt hải sản trên biển, hiện đang nằm bờ tại TP Đà Nẵng chờ sửa chữa.

Theo ngư dân này, tàu QNa-95997 TS hạ thủy đi đánh bắt vào tháng 11/2015, đơn vị nhận đóng tàu là Công ty TNHH MTV Đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (TP Đà Nẵng), Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái (tỉnh Đồng Nai) cung cấp máy móc thiết bị.

“Khi tàu hư hỏng hộp số được lai dắt vào vờ biển TP Đà Nẵng, tôi đã điện thoại báo cho nhân viên công ty đóng tàu và đơn vị bảo hiểm để đến kiểm tra.

Hiện tôi đang chờ kết luận nguyên nhân hư hỏng hộp số là do chất lượng máy móc hay lỗi thiết kế, lắp đặt. Tàu vẫn đang nằm bờ chờ sửa chữa hộp số để ra khơi trở lại”, ông Thu nói.

Hộp số của máy tàu vỏ thép ông Thu hư hỏng khi đang đánh bắt hải sản trên biển.

Ông Thu cho biết tàu vỏ thép của ông nằm trong số mẫu của Bộ NN-PTNT:

“Tàu vỏ thép của tôi là một trong 21 mẫu của Bộ NN-PTNT, hành nghề lưới rê nhưng khi con tàu hạ thủy đưa vào sử dụng nghề lưới rê thì thấy biểu hiện nhiều bất cập như nước trong khoang cá chảy về phía khoang máy.

Trong khi đó các van vận hành hút nước không hoạt động được nên tôi phải đặt máy bơm chìm để thoát nước. Ngoài ra, khi đánh bắt tàu lắc lư rất mạnh”.

Ngoài ra, hoạt động được hơn một năm nhưng hầm chứa nước bị gỉ sắt.

Cùng quê với ngư dân Thu, tàu vỏ thép QNa-94679TS có công suất 944 CV do ông Trần Văn Liên làm chủ, khi tàu vừa hoàn thành hạ thủy chảy thử nghiệm, chưa bàn giao thì liền hư hỏng máy.

Đáng trách là khi xảy ra hư hỏng này thì các bên liên quan đổ lỗi trách nhiệm khiến ngư dân phải đâm đơn kiện ra tòa. Con tàu của ông Liên trị giá hơn 16 tỷ đồng, hành nghề chụp mực.

Quá bức xúc, ông Liên đã gửi đơn khởi kiện dân sự lên TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và được Tòa này thụ lý hồ sơ.

Ngày 9/6 vừa qua, TAND TP Tam Kỳ đã mở phiên tòa nhưng hoãn để các bên bổ sung, củng cố thêm hồ sơ, tài liệu liên quan.

Quá bức xúc tàu vỏ thép của mình trị giá hơn 16 tỷ đồng vừa chạy thử nghiệm đã hư hỏng nên ông Liên phải ở nhà vá lưới.

Ông kiện cả đơn vị đóng tàu là Công ty cổ phần Đóng tàu Bảo Duy (TP Đà Nẵng) và Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á (TP Hà Nội) là đơn vị cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ cho tàu.

“Hồi đó họ nói máy móc được sản xuất bên Singapore, trị giá hơn 2 tỷ đồng, tuy nhiên mới chạy thử nghiệm đã hỏng máy, gỉ sắt”, ông Liên nói.

Tàu vỏ thép của ông Liên hạ thủy vào tháng 3/2016, trước đó ông phải bán con tàu gỗ (hơn 800 triệu đồng) và cầm cố nhiều giấy tờ để có tiền đối ứng vay vốn ngân hàng.

Hơn một năm nay ông thất nghiệp, trong khi nợ chồng nợ, đến nỗi 2 người con trai ông, khi chưa kịp cầm lái con tàu này thì giờ phải đi làm công nhân.

Quay lại đánh bắt tàu gỗ

Trước việc tàu vỏ thép của ngư dân xã bị hư hỏng khi mới đưa vào hành nghề trên biển, ông Hoàng Thiên Nhơn - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh cho biết, toàn xã có 11 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, trong đó có 3 tàu đã hạ thủy.

Hiện chỉ có 1 tàu “lành lặn” đi đánh bắt. Trong số 11 chủ tàu trên, có một số hộ không đóng được tàu theo Nghị định 67 nên đã kịp thời quay lại sản xuất bằng tàu gỗ và mang lại nguồn thu nhập tốt từ các chuyển biển so với tàu vỏ thép.

Ông Trương Công Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, hiện nhiều ngư dân địa phương đang tiến thoái lưỡng nan, mất hàng trăm triệu đồng thuê người vẽ thiết kế, giám định bản vẽ, đối ứng vay vốn ngân hàng… nhưng chưa đóng được tàu vỏ thép hoặc đóng rồi thì bị hư hỏng.

Theo ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thì hiện nay ông đã nắm được những phản ánh của ngư dân về việc các tàu vỏ thép bị hư hỏng, gặp sự cố khi hành nghề trên biển.

Theo ông Tấn, nhiều khả năng cuối tháng 6 này, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67; nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề “nóng” hiện nay là bảo hiểm tàu cá, dự báo ngư trường, nguồn lợi cũng như tổ chức lại sản xuất trên biển.

Trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt, lãnh đạo TAND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết vụ việc ngư dân xã Bình Minh nộp đơn khởi kiện dân sự đối với các đơn vị đóng tàu và đơn vị cung cấp máy thủy đã được tòa án thụ lý hồ sơ.

Hiện tòa đã yêu cầu các bên liên quan cung cấp thêm hồ sơ cho đầy đủ để lên lịch xét xử lại.

Hồng Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ngu-dan-tau-vo-thep-chinh-thuc-dua-doanh-nghiep-ra-toa-3338230/