Ngư dân Quảng Nam cũng 'đau đầu' với tàu vỏ thép

Nhiều ngư dân ở Quảng Nam đang hết sức hoang mang về chất lượng của tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Nghiêm trọng hơn đã có ngư dân kiện đối tác ra tòa vì tàu mới chạy thử nghiệm đã hỏng máy.

Nhiều tàu vỏ thép (ảnh) đóng theo Nghị định 67 đang phát sinh vấn đề.

Tàu vỏ thép hư hỏng

Đó là con tàu vỏ thép QNa-94679 TS công suất 944 CV (hành nghề chụp mực), trị giá hơn 16 tỷ đồng của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, H. Thăng Bình). Sáng 27-6, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Liên cho biết đang ở âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) để xem xét con tàu mới đóng đã gặp sự cố. Ông đang hết sức lo lắng bởi sau một thời gian dài không có tàu đi biển bạn tàu của ông Liên đã bỏ đi chỗ khác làm. Tàu vỏ thép của ông Liên hạ thủy vào tháng 3-2016, trước đó ông phải bán con tàu gỗ (hơn 800 triệu đồng) và cầm cố nhiều giấy tờ để có tiền đối ứng vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên khi chỉ mới chạy thử nghiệm thì ông phát hiện con tàu đã hỏng máy.

* Trước tình hình hàng loạt tàu vỏ thép ở nhiều địa phương xảy ra sự cố, tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định 67; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-6-2017. Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới để đảm bảo chất lượng, an toàn cho tàu khi hoạt động thủy sản trên biển; chỉ đạo các tỉnh, thành ven biển tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã yêu cầu 27 tỉnh, thành ven biển cả nước tổng rà soát tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 để xử lý bất cập.

Hơn 1 năm nay ông thất nghiệp, trong khi nợ chồng nợ, ông Liên đành phải gác lại nghề đi biển để đi vá lưới cầm cự. “Từ sau phiên tòa mới nhất diễn ra vào ngày 9-6 vừa qua thì đến nay tòa vẫn chưa kêu lại. Gia đình tôi chỉ mong nhanh chóng được đền bù sửa chữa con tàu để tiếp tục ra khơi. Một năm có 2 vụ biển mà tôi đã nghỉ ở nhà gần 2 năm rồi, con tàu cũ cũng đã bán đi để vay ngân hàng. Tôi chẳng biết làm thế nào nữa mà các bên đóng tàu cứ đổ thừa qua lại”, ông Liên ngao ngán. Theo đơn khởi kiện, ông Liên kiện Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (TP Đà Nẵng) và một công ty cung cấp máy móc tại Hà Nội. Ông Liên cho biết: “Họ nói máy móc nhập từ Singapore trị giá hơn 2 tỷ. Thế nhưng mới đưa vô vận hành đã hỏng máy, gỉ sét. Tôi đề nghị những bên liên quan phải nhanh chóng thay máy cho tôi, đền bù thiệt hại hợp đồng cho tôi để tôi an tâm sản xuất. 2 năm ni tàu vẫn còn nằm ngoài âu thuyền Thọ Quang trong khi tôi phải vác đơn chạy xuôi chạy ngược khắp nơi vẫn chưa được giải quyết”.

Không chỉ có ông Liên, con tàu vỏ thép QNa-95997 TS công suất 822 CV trị giá hơn 11 tỷ đồng của ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) cũng đang nằm bờ tại Đà Nẵng. Mẫu thiết kế tàu vỏ thép của ông Thu là một trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT, hành nghề lưới rê. Ngày 12-6 vừa qua, khi đang đánh bắt ngoài Trường Sa cách bờ khoảng 135 hải lý thì tàu bị hư hỏng hộp số và thả trôi trên biển. Ông Thu liên lạc về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (đóng tại Đà Nẵng) nhờ trợ giúp. Đến 19 giờ ngày 13-6, một tàu vỏ thép khác của xã Bình Minh tiếp cận được tàu ông Thu và lai dắt vào bờ tại Đà Nẵng.

Trao đổi với báo chí ông Thu cho biết: “Ngư dân chúng tôi đã đặt hết niềm tin, tài sản vào việc đóng tàu vỏ thép. Nhiều anh em ngư dân sẵn sàng bán đi con tàu gỗ đã gắn bó ngư trường nhiều năm và vay thêm vốn đóng tàu. Thế nhưng tình hình tàu kém chất lượng, thường hư hỏng thế này khiến chúng tôi rất lo lắng. Như tàu của tôi dù là tàu vỏ thép kiên cố nhưng chất lượng đánh bắt không bằng tàu cũ. Nước trong khoang cá chảy về khoang máy, tàu khi đánh bắt lắc lư rất mạnh”.

Hầm chứa nước sinh hoạt trên tàu ông Thu bị hư hỏng, rỉ sét sau hơn 1 năm sử dụng.

Lao đao trả nợ ngân hàng

Toàn Quảng Nam hiện nay đã đóng được 35 tàu vỏ thép, trong đó có 31 phương tiện đã được cấp phép, đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Trong những chuyến biển ra khơi đầu tiên của tàu vỏ thép, nhiều ngư dân Quảng Nam đã nhận thấy chất lượng đánh bắt rất kém. Điều này theo các ngư dân một phần do tập quán sản xuất tàu vỏ gỗ đã quen, phần khác do tàu mới không đem lại hiệu quả. Theo ngư dân Phan Văn Xích (chủ tàu QNA 98765), cứ mỗi quý thì chủ tàu phải trả nợ vay vốn đóng tàu cho ngân hàng thương mại 1 lần. Tuy nhiên nhiều ngư dân trong chuyến biển vừa qua đã không thu hồi nguồn thu như dự tính. Chỉ cần 1 quý thất thu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ. “Chỉ riêng tiền giữ chân lao động mỗi tháng tôi đã phải trả gần chục triệu đồng nhưng chuyến đi biển sau Tết Nguyên đán sản lượng thấp. Hơn thế nữa tàu vỏ thép khác với tập quán sản xuất của lao động bao lâu nay nên nảy sinh nhiều vấn đề khi ra khơi. Bây giờ tôi chỉ mong chuyến biển tiếp theo có lời để nhanh chóng trả nợ”, ông Xích cho biết.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết đã ghi nhận những thông tin xung quanh tàu cá đóng theo Nghị định 67. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới nhằm phát huy những lợi thế của tàu vỏ thép và để ngư dân học làm quen với cái mới từ đó mới có thể đánh bắt hiệu quả. Đến nay, đã có 70 thuyền viên ngư dân tham gia 2 lớp ở huyện Thăng Bình và Núi Thành. Các lớp tiếp theo sẽ được triển khai trong thời gian tới. Sắp đến, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 67; nhiều vấn đề phát sinh sẽ được mổ xẻ và Quảng Nam sẽ kiến nghị nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề “nóng” hiện nay là bảo hiểm tàu cá, chất lượng tàu cá, dự báo ngư trường, tổ chức lại sản xuất trên biển” - ông Ngô Tấn cho biết.

Đồng Dao

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_168291_ngu-dan-qua-ng-nam-cu-ng-dau-da-u-vo-i-ta-u-vo-the.aspx