Ngọt thơm hương vị dâu Hạ Châu

ND - Người dân huyện Phong Điền (Cần Thơ) không chỉ tự hào bởi được sở hữu vựa cây trái lớn với những làng sinh thái nổi tiếng: Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng mà nơi đây còn góp thêm cho mảnh đất Tây Đô một đặc sản cây trái đó là thương hiệu dâu Hạ Châu. Chỉ có tại mảnh đất màu mỡ phù sa này, cây dâu mới cho những chùm trái ngọt lủng liểng khắp cành, nhánh với vị thơm, ngọt đặc trưng ai từng nếm thử hẳn chẳng thể nào quên.

Hiện nay, dâu Hạ Châu là cây trồng có giá trị kinh tế cao với gần 100 ha canh tác, tập trung ở thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Ái. Dâu Hạ Châu Phong Điền đã được đăng ký thương hiệu độc quyền từ năm 2006. Mỗi năm, dâu Hạ Châu cho trái ba vụ: vụ nghịch vào tháng năm âm lịch, vụ mùa vào tháng tám âm lịch, và vụ muộn vào tháng mười một âm lịch. Mười năm trở lại đây, nhiều nông dân ở Phong Điền đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cam sang dâu cho thu nhập cao. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Mười (ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái) là một nhà nông đạt danh hiệu sản xuất giỏi. Trước đây, 12.000 m2 đất ông Mười trồng toàn cam chỉ thu về 25-30 tấn trái/năm. Từ khi cam bị bệnh vàng lá gân xanh, cũng như nhiều nhà vườn khác ở địa phương, ông chuyển bốn nghìn mét đất sang trồng các loại cây sầu riêng, mỏn thon, Ri 6 để tăng thu nhập cho gia đình. Tám nghìn mét đất còn lại, ông Mười trồng toàn dâu Hạ Châu. Dâu Hạ Châu trồng chừng năm năm thì cho thu hoạch. Đây cũng là loại cây đặc biệt bởi càng lâu năm, cây càng cao lớn, càng cho nhiều trái, vị càng thơm, ngọt. Chính vì vậy, người dân nơi đây thường ca tụng dâu Hạ Châu là loại dâu không biết già. Ông Mười cho biết: Cây dâu Hạ Châu là loại cây dễ tính, do vậy không mất nhiều công chăm sóc. Năm 2009 vừa qua, mỗi cây dâu nhà ông thu về từ 100-150 kg trái, bán sỉ cũng được 10.000 đồng/kg, bán lẻ từ 12-15.000 đồng/kg, tính sơ sơ mỗi cây thu về ít nhất khoảng 800.000 đồng. Thị trường đầu ra của dâu Hạ Châu ngày càng mở rộng và vươn xa. Trước đây, chỉ có thể bán sang thị trường Cam-pu-chia, mấy năm gần đây, nhất là từ khi dâu Hạ Châu được gắn thương hiệu, thì việc bán dâu càng trở nên dễ dàng bởi thương lái tới mua tận vườn. Họ tự tay bẻ rồi cân, chủ vườn chỉ việc kiểm tra chờ... đếm tiền. Dâu Hạ Châu được chuyển lên thành phố Hồ Chí Minh, ra Đà Nẵng, Hà Tĩnh. Tại thành phố Hà Nội cũng đã xuất hiện đặc sản này và được người tiêu dùng thủ đô yêu thích. Bởi dâu Hạ Châu giống trái dâu da miền bắc, trái lòn bon Thái-lan nhưng ăn thì ngọt thơm chứ không chua gắt như dâu da và ngọt đậm như lòn bon. Trên đường từ thành phố Cần Thơ đến huyện Phong Điền vào đúng vụ dâu cho thu hoạch trái, du khách dễ dàng nhìn thấy từng sạp hàng treo lúc lỉu hoặc bày từng chồng dâu trắng ngà hấp dẫn khiến du khách đi ngang qua không thể không dừng lại. Dì Nguyễn Thị Trúc Ly, chủ một sạp hàng dâu xởi lởi cho biết: Kể từ khi dâu Hạ Châu được du khách biết tiếng, vài chục gia đình quanh vùng vào tận vườn mua dâu mua ra bán kiếm lời được khoảng năm ngàn đồng một kg. Khách nào cũng mua vài kg về làm quà nên mỗi ngày dì có thể thu về từ 200 -250 ngàn tiền lời. Nhiều du khách sành sỏi và từng quay lại đây nhiều lần lại thích vào tận vườn, nằm võng đung đưa hưởng làn gió mát lành luồn qua những cành lá vừa nhấm nháp dâu mới thưởng thức hết được hương vị đặc biệt của đặc sản này. Chị Nhơn Ái, đồng nghiệp ở đài phát thanh Bình Điền dẫn chúng tôi vào tận vườn lão nông Lê Quang Bảy (còn gọi là Bảy Ngữ) ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, Cần Thơ, người có công gìn giữ và phát triển giống dâu này. "Dâu Hạ Châu Phong Điền có vị ngọt thanh, chua nhẹ và mùi thơm. Quả dâu có màu trắng ngà, vỏ mỏng, buồng trái dài, quả to vỏ sáng trắng lấp lánh. Một chùm trái sai có thể nặng hơn một kg, trung bình từ 300-400 gam", ông Bảy Ngữ tự hào giới thiệu. Khách du lịch nước ngoài mỗi khi vào thăm vườn dâu và nếm thử lần đầu tiên đều có chung một nhận xét: trái này ăn ngon lạ lùng. Ông Bảy có quyền tự hào bởi chính cha ông là người có công mang giống dâu này về trồng từ những năm 1960. Bởi vậy trong vườn nhà ông có tới 80 cây dâu 50 năm tuổi. Ông cho biết, cha ông trong một lần đi chợ nổi đã gặp một thuyền chở loại dâu của thương lái tận miệt Lái Thiêu - Bình Dương xuống bán. Cha ông nếm thử thấy ngon nên đã mua về gây giống. Sau nhiều lần tuyển lựa được một cây cho trái thơm ngon, mẫu mã đẹp, năng suất vượt trội, cha ông đã lấy làm giống đầu dòng, rồi nhân giống phát triển đến ngày nay. Ông Bảy cười sảng khoái khi tôi hỏi ông suy nghĩ gì về di chúc của cha mình là phải giữ độc quyền cây dâu mà không được nhân giống dâu quý ra ngoài gia đình. Ông bảo: Trước đây vì không có thị trường nên cha tui muốn như vậy hòng bán được sản phẩm. Bây giờ, thương hiệu dâu Hạ Châu đâu chỉ của riêng gia đình tôi mà là của huyện, của tỉnh, phải nhân rộng ra mới có thể cạnh tranh và quảng bá thương hiệu chớ. Hơn nữa, giờ ông Bảy đang là chủ nhiệm Hợp tác xã dâu Hạ Châu với 18 thành viên canh tác gần 20 ha dâu, cho thu hoạch từ 400 -500 tấn dâu/năm. Không chỉ giữ bí quyết cho riêng gia đình mình mà ông Bảy còn là người tích cực chuyển giao công nghệ cho bà con quanh vùng để cùng giữ vững và phát triển thương hiệu của cây dâu. Dâu Hạ Châu vốn là loại cây đơn tính, phải trồng cây đực xen lẫn cây cái. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, học hỏi, nghiên cứu, cuối cùng ông đã thành công khi cải tiến kỹ thuật trồng dâu Hạ Châu bằng cách ghép cành của cây đực trên một nhánh của cây dâu cái cho năng suất cao mà lại không tốn đất trồng dâu đực, giảm chi phí và công sức chăm sóc. Có thể nói, đây cũng là một bước tiến lớn trong canh tác dâu Hạ Châu. Năm 2009 vừa qua, vườn dâu đem lại cho ông Bảy 30 tấn quả với giá trị 250 triệu đồng. Dâu Hạ Châu là đặc sản của Phong Điền nói riêng và Cần Thơ nói chung, tuy vậy, nó chưa thể nổi tiếng bằng dừa Bến Tre, bưởi da xanh Chợ Lách, bưởi Năm Roi, sầu riêng hạt lép Tiền Giang..., đó là điều mà các chủ vườn dâu Phong Điền đang trăn trở ngày đêm tìm cách thức để quảng bá thương hiệu của mình vươn xa ra các tỉnh phía bắc cũng như thị trường Cam-pu-chia, Thái-lan. Không chỉ từ những nỗ lực từ phía nông dân Phong Điền, các nhà nghiên cứu khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng thuộc Trường đại học Cần Thơ cũng đang nghiên cứu lai tạo cho ra sản phẩm dâu Hạ Châu không hạt, chống rụng trái; chuyển đổi giới tính một vài hoa cái thành hoa đực trên cây cái để hoa tự thụ phấn với hy vọng dâu Hạ Châu sẽ có thêm một bước cải tiến mới và giữ vững uy tín thương hiệu để có thể đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184208&sub=56&top=38