Ngộp thở với phí giao thông

Phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua đã thảo luận dự thảo nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam, trong đó yêu cầu các bộ, địa phương liên quan rà soát lại các trạm thu phí BOT và mức phí đường bộ để đề xuất mức điều chỉnh hợp lý

Chiều 6-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhìn nhận nhờ xã hội hóa nên hạ tầng giao thông đã được cải thiện như hiện nay. Tuy nhiên, hiện phí đường bộ quá cao đã đẩy giá thành nhiều sản phẩm tăng theo, ngoài sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp (DN).

Doanh nghiệp chịu không thấu

Đường Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 13 xuống vùng Đông Nam Bộ là tuyến đường quan trọng nhất của các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, tuyến đường này không chỉ dày đặc trạm thu phí mà mức thu cũng quá cao. Điều này khiến các DN vận tải chịu không thấu và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Tây Nguyên.

Ông Hoàng Thanh Phương, chủ nhà xe Thanh Trâm (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Từ Đắk Lắk đến bến xe miền Đông (TP HCM) chỉ khoảng 350 km nhưng có tới 8 trạm thu phí: 3 trạm ở Đắk Nông, 2 trạm ở Bình Phước, 3 trạm ở Bình Dương. Trong đó, 3 trạm ở Đắk Nông có mức thu cao nhất là 75.000 đồng/lượt đối với xe khách trên 31 ghế. Mỗi chuyến đi về, nhà xe mất gần 1 triệu đồng tiền mua vé. Tình hình kinh doanh vận tải hành khách đang rất khó khăn, dù đã đóng phí đường bộ cố định nhưng phải tiếp tục đóng phí giao thông từng chuyến với mức quá cao thế này thì DN rất chật vật”.

Trạm thu phí BOT trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có mức thu từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt Ảnh: CAO NGUYÊN

Phí đường bộ cũng là nỗi lo của các DN ở tỉnh Bình Định. Tỉnh này hiện có 2 trạm thu phí đang được xây dựng trên Quốc lộ 1 là trạm Nam Bình Định đặt tại thị xã An Nhơn và Bắc Bình Định đặt tại huyện Hoài Nhơn. Những ngày qua, dù chỉ mới thử nghiệm (chưa chính thức thu tiền) nhưng nhiều người qua trạm Nam Bình Định đã “rầu thúi ruột” khi thấy mức phí quá cao. Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt mức thu 35.000 đồng/lượt; xe 12 ghế: 30 ghế, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: 50.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: 75.000 đồng/lượt… Nhiều DN vận tải hành khách cho rằng với mức phí này họ không kham nổi. Nếu tăng giá vé hay tăng cước, hành khách và khách hàng sẽ tẩy chay.

Tại Kon Tum, ông Đoàn Thế Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc, so sánh: “Khi giá xăng dầu hạ, Chính phủ đã yêu cầu các DN vận tải hạ giá cước để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trong khi đó, các trạm thu phí lại tăng phí từ 30.000 đồng lên 75.000 đồng thì làm sao DN thở nổi”. Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Kon Tum Lê Trung Tín đưa ra ví dụ: Một xe loại 5 chỗ từ Kon Tum đi Đắk Lắk mất 350.000 đồng phí cầu đường, trong khi tiền xăng chỉ mất khoảng 300.000 đồng.

Hứa rồi... quên

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính cần xem xét lại việc thu phí của các trạm BOT sao cho hợp lý với sức chịu đựng của người dân. Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường, thu phí đường bộ cần được công khai, minh bạch để người dân biết nhà đầu tư là ai, tổng số tiền đầu tư, phí đường bộ thu được trong một ngày, thời hạn thu trong bao nhiêu năm... ra sao. Ngoài ra, cần rà soát lại khoảng cách, vị trí, mức thu của các trạm BOT để làm sao bảo đảm được hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và sức chịu đựng của người dân, DN.

Về nghị quyết phát triển DN của Chính phủ, trong đó yêu cầu các bộ, địa phương liên quan rà soát lại mức phí đường bộ và trạm thu phí BOT hiện nay để đề xuất mức điều chỉnh hợp lý, ông Thanh cho biết bản thân ông cũng như các DN rất vui mừng. “Người dân sẽ rất phấn khởi nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo nghị quyết này” - ông bày tỏ.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết ông đã quá nhiều lần lên tiếng phản ánh về chuyện các trạm BOT bố trí dày đặc và tăng phí bất hợp lý nhưng thực trạng này vẫn không được cải thiện. Theo ông, việc các chủ đầu tư tìm cách tăng bằng được phí giao thông đã đi ngược lại những điều trước đây lãnh đạo các Bộ GTVT, Bộ Tài chính từng hứa với người dân. “Họ hứa rằng khi làm đường thì các trạm thu phí phải cách nhau 70 km nhưng giờ nhiều trạm BOT chỉ cách nhau 20-30 km. Như tuyến Hà Nội - Thái Bình chỉ 100 km nhưng có tới 4 trạm thu phí BOT” - ông bức xúc.

Đánh giá lại các dự án BOT

Từ bất cập nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng cần đánh giá lại hiệu quả của những dự án BOT đã và đang triển khai. Cần phải thẩm định chặt chẽ các dự án BOT để người dân không nghi ngờ về khả năng có “nhóm lợi ích”. Việc kêu gọi đầu tư BOT cho hạ tầng giao thông rất đúng đắn nhưng cần có lộ trình phù hợp với mức chi trả của người dân.

“Hiện tượng DN né trạm thu phí BOT cũng giống như việc họ không đủ tiền để hưởng dịch vụ hạng sang nên mới phải chấp nhận dịch vụ bình dân. Không nên đầu tư hạ tầng theo phong trào mà phải tiến hành từng bước, từng thời điểm để phù họp với điều kiện, khả năng chi trả của DN và người dân” - ông Bùi Danh Liên nêu quan điểm.

Nhà nước nên mua lại vài dự án BOT

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn. Vì thế, cơ quan này đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng xem xét, cân nhắc, sắp xếp bố trí nguồn vốn mua lại một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh để giảm bớt gánh nặng cho các DN vận tải, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, cho biết trước khi đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, UBND tỉnh cũng đã có nhiều ý kiến xin được giảm tối thiểu trạm thu phí trên tuyến này. Tuy nhiên, một số đoạn được đầu tư theo hình thức BOT nên hiện trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông có đến 3 trạm thu phí. Sau khi Chính phủ yêu cầu rà soát lại các trạm thu phí, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông để có ý kiến xin giảm bớt một số trạm.

Các cán bộ liên quan đến việc tăng phí đường bộ hãy thử đi xe biển trắng, tự bỏ tiền túi thanh toán phí thì mới “ngấm đòn” từ các trạm BOT, mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân và DN khi phải gồng mình gánh phí này” - ông Bùi Danh Liên nói.

Văn Duẩn - Anh Tú - Cao Nguyên - Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ngop-tho-voi-phi-giao-thong-20160506225738457.htm