Ngổn ngang sau lũ

Đã 6 ngày trôi qua, nước lũ đã rút, chính quyền các địa phương đang khẩn trương cùng với các đoàn thể, lực lượng công an, quân đội của tỉnh Hà Tĩnh, Quân khu 4 nỗ lực tập trung dọn dẹp bùn đất, rác bẩn, cây cối đổ ngã để giúp đỡ bà con nhân dân sớm khôi phục lại sản xuất, môi trường, ổn định cuộc sống.

Bùn lầy bám chặt đường làng, ngõ xóm

Những ngày này có mặt tại một số xã vùng rốn lũ ở huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đi đến đâu cũng chứng kiến cảnh ngổn ngang, hoang tàn, xơ xác của những vùng quê nghèo khó sau lũ.

Bà Phan Thị Nga (67 tuổi, ở xóm 6, xã Hương Thủy) đang dọn dẹp lớp bùn đất sau lũ trên con đường đi qua xóm 6, cho biết: “Trận lũ năm nay kéo dài ngày, mực nước về quá đột ngột khiến người dân không ai kịp trở tay. Bao nhiêu tài sản, gia cầm, gia súc trong gia đình đều bị cuốn trôi. Đặc biệt, nước lũ cũng đã cuốn theo nhiều cây cối, hoa màu; ruộng vườn bị ngập úng chết sạch; lương thực ẩm ướt, hư hỏng; nước sạch bị nhiễm bùn không thể sử dụng được…”.

Tuyến đường liên xã, liên huyện chạy qua địa bàn xã Hương Thủy, nối liền quốc lộ 15A lên đường Hồ Chí Minh với chiều dài khoảng 5 - 7km, sau nhiều ngày bị chìm ngập trong lũ lịch sử, các lớp bùn đất đặc quánh, rác bẩn, cây cối gãy đổ từ thượng nguồn dạt về bám dày đặc, nhiều địa điểm bị nước lũ cuốn sạt lở đất đá tạo thành những ổ voi, ổ gà lởm chởm rất nguy hiểm.

Ngay sau khi lũ rút, song song với việc tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường nhà cửa, ruộng vườn, người dân các xóm ở xã Hương Thủy không ai bảo ai đã tự nguyện mang theo cuốc xẻng, thau chậu… phối hợp với lực lượng quân đội cào bóc các lớp bùn đất, rác bẩn, cây cối gãy đổ dạt ra hai bên mép đường để đảm bảo lưu thông thông suốt.

Tương tự, tại địa bàn các xã Hòa Hải, Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Giang, Gia Phố, Hà Linh… huyện Hương Khê, sau khi nước lũ rút cũng để lại thảm cảnh ngổn ngang, bùn lầy, rác bẩn, cây gãy đổ xác xơ, tiêu điều bao trùm khắp mọi nơi.

Người dân xã Hương Thủy (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh)
cùng lực lượng quân đội dọn dẹp bùn lầy, rác bẩn sau lũ trên tuyến đường liên huyện.

Tan hoang vựa bưởi Phúc Trạch

Trong khi đó, các xã gần đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc - Nam như: Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Phúc (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã xảy ra lũ quét khiến người dân ở nơi đây trở tay không kịp nên rất nhiều nhà cửa, gia súc, gia cầm, hoa màu bị cuốn trôi. Thiệt hại nặng nề nhất là trăm hécta bưởi Phúc Trạch bị nước lũ cuốn trôi, quăng quật gãy đổ, tan hoang.

Lặng nhìn vườn bưởi, ông Nguyễn Sỹ Hoàn (ở xã Hương Trạch) chua xót: “Vườn bưởi Phúc Trạch của gia đình mỗi năm thu về hàng tấn quả với giá trị kinh tế trên dưới 100 triệu đồng. Thế nhưng, khi nước lũ ùa về, chỉ trong chốc lát đã biến cả vườn bưởi, trong đó có hàng chục gốc trên 10 năm tuổi bị cuốn trôi, bật trơ gốc. Cuộc sống của gia đình đều phụ thuộc vào vườn bưởi, nhưng giờ sau lũ đã không còn bưởi nữa… Tương tự, gia đình anh Trịnh Văn Chiến (ở thôn Phú Lệ, xã Hương Trạch) cho biết, do nước lũ đổ về quá mạnh không chỉ nhiều tài sản, vật dụng trong nhà bị cuốn trôi mà hơn 45 gốc bưởi Phúc Trạch cũng bị gãy đổ.

Theo UBND huyện Hương Khê, toàn huyện có khoảng 1.800ha bưởi Phúc Trạch, trong đó khoảng 1.200ha đã cho thu hoạch. Bước đầu, trong đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hơn 400ha bưởi Phúc Trạch bị ngập và hư hỏng. Đặc biệt, nhiều diện tích bưởi Phúc Trạch được trồng dọc ven sông Ngàn Sâu bị cuốn gãy đổ, bật trơ gốc không thể phục hồi, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, cho biết, xã Hương Trạch được xem là vựa bưởi Phúc Trạch lớn nhất nhì ở địa bàn huyện Hương Khê, nhưng trong đợt mưa lũ gần 24.000 gốc hư hỏng, ước tính thiệt hại riêng về bưởi là 32 tỷ đồng. Hiện nay, người dân đang cần kinh phí để khắc phục lại cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cống, khôi phục cải tạo lại đất sản xuất, mua giống, phân bón…

Bão số 8 hướng vào Trung Quốc

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, bão Haima (số 8) đã vào khu vực Bắc biển Đông với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16 nhưng đang di chuyển hướng về Quảng Đông - Trung Quốc. Chiều 20-10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông Đông Bắc. Dự kiến, khoảng chiều 21-10, tâm bão sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão là cấp 12, giật cấp 15.

Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng của bão rộng, bao trùm khu vực Đông Bắc biển Đông nên ngày 20-10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương thông tin, kiểm đếm tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

VĂN PHÚC

Thành ủy TP Đà Nẵng phát động quyên góp ủng hộ miền Trung

(SGGP).- Chiều 20-10, Thành ủy TP Đà Nẵng tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ miền Trung để sẻ chia bớt những khó khăn. Cuộc vận động trên tinh thần tự nguyện và tùy theo khả năng, để kịp thời giúp đỡ đồng bào vùng lũ.

Cùng ngày, đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng do Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung dẫn đầu đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Trung bộ với số tiền 2,5 tỷ đồng. Trong đó, Đà Nẵng hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 1 tỷ đồng, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.

Trưa 20-10, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, đến thời điểm này đã có gần 70 đoàn đến đăng ký ủng hộ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ ở tỉnh Hà Tĩnh với số tiền gần 12 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đoàn đã tổ chức đi trực tiếp trao tiền mặt và phần quà cho người dân là gần 5 tỷ đồng.

NGUYÊN KHÔI - DƯƠNG QUANG

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161021/ngon-ngang-sau-lu.aspx