Ngổn ngang nỗi lo từ lời phát biểu của Bộ trưởng!

Đưa ra quan điểm xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm giống như các trường khối Công an, Quân đội của Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ đã ngay lập tức làm “nóng” dư luận. Nhiều chuyên gia, nhà giáo, người dân đang băn khoăn về cách giải quyết có phần kỳ lạ này.

(CLO)

70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ đi đâu, về đâu thưa Bộ trưởng?

Nếu làm được như đã phát biểu, có thể khẳng định Bộ trưởng Nhạ thực sự làm một cuộc “cách mạng” trong đào tạo sư phạm! Nhưng, từ lời nói đến thực tế và kết quả thực hiện lại là điều không hề đơn giản nếu không muốn nói là quá cải lương.

Có lẽ, Bộ trưởng Nhạ đã không nhớ đến thực tế: Hiện cả nước có tới gần 100 trường đào tạo ngành sư phạm. Trong khi đó, khối trường Công an, Quân đội chỉ vào khoảng 20 trường. Bao năm nay, đã khi nào Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu của từng địa phương để từ đó có được chỉ tiêu cứng hàng năm? Đã khi nào, các em sinh viên sư phạm ra trường được phân bổ về các trường làm việc thay cho các chạy đôn chạy đáo xin dạy hợp đồng, tìm đủ trăm phương ngàn kế để có thể thi viên chức, công chức?

Con số hàng chục nghìn cử nhân sư phạm thất nghiệp, phải đi làm trái ngành có được Bộ thống kê chính xác và đưa ra giải pháp khắc phục? Đây chính là trách nhiệm, là “món nợ” của Bộ Giáo dục – Đào tạo với xã hội, với những người từng tâm huyết mong đóng góp sức mình cho sự nghiệp trồng người.

Hàng chục năm nay, dẫu biết là thừa giáo viên nhưng Bộ Giáo dục- Đào tạo vẫn thả cửa cho các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh ngành học này. Không chỉ đào tạo qua thi tuyển chính thống hàng năm, các trường còn “bung lụa” trong việc đào tạo theo đủ các hình thức: liên thông, liên kết… Hàng chục nghìn sinh viên đào tạo, cấp bằng theo kiểu này đã bao giờ Bộ thống kê, công khai cũng như có cách nhìn nhận đúng đắn?

Hiện, phần lớn các trường Cao đẳng, Đại học sư phạm đã và đang tự chủ, tự chủ từng phần. Không có sinh viên cũng đồng nghĩa với việc không có nguồn thu, không thể tồn tại. Có những trường, mỗi năm chỉ đạo tạo vài chục sinh viên nhưng ngân sách địa phương bỏ ra tới gần trăm tỷ đồng. Muốn có sinh viên, trong bối cảnh học sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm (vì rất khó xin việc khi ra trường) nên các trường bắt buộc phải hạ thấp điểm đầu vào. Vậy nên, sư phạm bỗng dưng trở thành một ngành với đầu vào bèo bọt: 9 điểm, 12 điểm/3 môn.

Đầu vào như thế đầu ra sẽ ra sao? Đây thực sự là nỗi lo lớn của đất nước! Thực tế đã nhức nhối lắm rồi thưa Bộ trưởng! Bởi đến năm 2020, với “đà” đào tạo như hiện nay, cả nước sẽ 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Những ngành khác người học còn dễ chuyển sang nghề “tay trái”, còn các thầy, cô giáo, họ sẽ làm gì hay đi buôn bán, làm công nhân?

Ấy vậy mà Bộ trưởng Nhạ lại không thể đưa ra quyết sách hợp lý.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra ý kiến rất đáng để suy ngẫm: Chuyển phần lớn trường sư phạm thành trường nghề.

Bởi, sư phạm cũng như các ngành nghề khác, nhưng không nghề nào có nhiều trường đào tạo như vậy. Nên chăng chuyển những trường sư phạm đó thành cao đẳng nghề. Trong đó có rất nhiều nghề và sư phạm chỉ là một trong những nghề mà trường đào tạo. Các trường cũng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô để hoạt động. Đồng thời hình thành được những tuyến nghề nghiệp khác theo nhu cầu của địa phương, thay vì đổ xô vào đào tạo nên những giáo viên không đáp ứng được nhu cầu của đổi mới ngành giáo dục.

Trên thực tế, để tồn tại, đã có rất nhiều trường sư phạm phải “đa dạng hóa”, “đa phương hóa” tuyển sinh, đào tạo. Mà muốn thế, Bộ Giáo dục – Đào tạo phải dám cắt bỏ những chỉ tiêu sinh viên sư phạm hàng năm, thậm chí phải dũng cảm cho dừng tuyển sinh sư phạm trong vài năm.

Xin đừng học theo cách giao chỉ tiêu như khối trường Công an, Quân đội vì làm thế, cả “mớ bòng bong” hiện tại sẽ giải quyết ra sao và nếu giao chỉ tiêu thì sẽ giao thế nào, chả lẽ mỗi trường chỉ vài chục sinh viên?

Nguyễn Thạch Trí Vĩnh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ngon-ngang-noi-lo-tu-loi-phat-bieu-cua-bo-truong/