Ngôi nhà có ngọn lửa ấm

PN - Nhận được điện thoại của chồng cũ: “Em à, có lẽ ông không qua khỏi đâu, chỉ ngày một, ngày hai thôi…”. Tôi hiểu và nói: “Vâng, chiều tối em đi làm về sẽ đưa con vào thăm ông, để trước khi nhắm mắt ông có thể thấy nó”.

Chúng tôi chia tay đã 5 năm. Đến giờ, lỗi tại ai hay vì sao chia tay đã trở nên vô nghĩa vì cả hai đều đã có gia đình mới. Tôi đã đưa con về thăm ông nội ốm nhiều lần, lần nào cũng luôn nhận được nụ cười ấm áp, ánh mắt vui mừng của bố mẹ chồng cũ. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của mẹ chồng khi tôi cầm tờ quyết định ly hôn: “Mẹ không thể giữ con ở với chồng mình khi nó quá hư hỏng, nhưng con sẽ mãi là con dâu mẹ. Nếu con có cần gì hoặc khó khăn gì hãy nói với bố mẹ”. Tôi bước chân khỏi nhà chồng tay trắng và trở về trong vòng tay và sự thông cảm của người bố nhân hậu. Bố tôi, bạn bè tôi đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Hôm nay, gia đình tôi về thăm ông bà nội, con gái gặp cả đại gia đình gồm bốn cặp vợ chồng anh em của chồng và chồng cũ của tôi. Gia đình chồng cũ đón vợ chồng tôi như những người thân. Không có sự khách sáo, hay giữ kẽ. Tôi vẫn mua cho bố mẹ chồng món bánh mì Như Lan mà khi còn là con dâu, mỗi lần về thăm ông bà tôi thường mua. Món ăn giản dị, rẻ tiền nhưng lại được ông bà yêu thích, mỗi lần có bánh là y như cơm hôm đó bị ế. Bây giờ ông ốm, không thể ăn được, ông chia bánh mì và bánh ngọt cho cả năm gia đình, ông chỉ giữ lại cho mình một mẩu bánh ngọt và cố gắng ăn để tôi vui. Đã không ít lần buộc phải đi thăm một người mà biết rằng họ sẽ không thể qua khỏi. Cái cảm giác bất lực nhìn người thân thiết hoặc một người tốt sắp phải ra đi làm mình buồn lắm. Bố chồng cũ của tôi là một người rất tốt. Con bé tôi là đứa cháu được ông bà yêu nhất, mặc dù là cháu gái. Những ngày ở với ông bà, cái mà tôi nể nhất, đó là tình yêu của tuổi già thật đẹp. Ông bà đều đã con cháu đề huề, trên dưới 70 tuổi nhưng vẫn nói với nhau những lời rất thân thương trước mặt con cái. Buổi sáng trước khi bà đi chợ, ông bà lại dắt nhau đi ăn sáng. Nếu ông đi đâu về muộn thì bà lo lắng, đi đứng không yên. Và ông cũng thật hiền. Tính bà cũng như nhiều người già khác, hay nói nhiều, hay “mắng” ông nhưng ông chỉ cười nhịn. Cho tới bây giờ bản thân tôi và các gia đình của các anh chị đằng nhà chồng cũ cũng khó mà theo kịp cách cư xử và chia sẻ tình cảm của ông bà với nhau. Nói thật là nhiều khi mình thấy mẹ đẻ còn nói nhiều và khó tính hơn mẹ chồng rất nhiều. Và khi tôi đi công tác, giao con cho mẹ chồng lại thấy an tâm hơn mẹ đẻ. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, từ chuyện ly dị chồng, chuyện mẹ mất, những khó khăn từ công việc… tôi đã tự luyện cho mình học chữ “nhẫn”. Có lẽ vì vậy trước mọi khó khăn tôi đều có thể vượt qua. Hiền Lương

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/honnhan-giadinh/2010/Pages/ngoi-nha%CC%80-co%CC%81-ngo%CC%A3n-lu%CC%89a-a%CC%81m.aspx