Ngồi ghế dự bị tại nước ngoài: Không thành công cũng thành nhân

Nếu hệ quy chiếu của quý độc giả về thành công của một cầu thủ bao gồm số trận ra sân, số bàn thắng và số đường kiến tạo thì những trường hợp của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường là chưa đạt mức thành công. Nhưng ẩn trong đó là những hạt giống hy vọng.

Việc liên tục ngồi ghế dự bị giúp các cầu thủ khiêm nhường và trưởng thành hơn.

Những tài năng bị “ép chín”

Chuyên gia Trịnh Minh Hiếu đánh giá Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường là lứa cầu thủ hay nhất từ sau thời của Cao Cường, Thế Anh (Ba Đèn). Bằng lối chơi đẹp, bộ ba trên đã trở thành thần tượng của hàng triệu người Việt.

Nhưng họ vẫn còn quá trẻ để bước vào đời, chưa nói tới độ tuổi tài năng “chín muồi”. Một tài năng trẻ được phát triển bình thường là điều quan trọng. Nhưng với các em, đó là điều không thể. Lý do bởi áp lực của truyền thông và kỳ vọng nơi CĐV.

Hơn nữa, các em chưa đầy đôi mươi, vốn chỉ quen những giải đấu U19, mà nay phải chinh chiến tại V-League khốc liệt. HAGL mùa 2015 là đội có tuổi đời trung bình nhỏ nhất lịch sử giải: 21,7 tuổi. Vậy nên, tất cả sự non nớt của các em đều lộ ra hết: Thiếu kinh nghiệm, lối đá dễ bắt bài và rườm rà trong xử lý bóng. Bên cạnh đó, các đội còn lại đều muốn hạ gục HAGL, quyết thắng bằng đủ những mánh khóe, tiểu xảo.

Phong độ của HAGL có thể diễn tả như sau: Thua, thua nữa, lại tiếp tục thua. “Thua mãi thì cũng nản”, HLV HAGL lúc đó, Guillaume Graechen lắc đầu. Tài năng của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có nguy cơ bị thui chột nếu cứ tiếp tục cắn răng đá V-League.

Niềm tin của HLV Hữu Thắng

Trước mùa bóng 2016, những bản hợp đồng chuyển nhượng của Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sang thi đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã được ký kết. Nhưng kỳ vọng của CĐV về những trận bóng tỏa sáng làm rạng danh Việt Nam đã biến mất khi nhìn vào thực tế: Các cầu thủ trẻ không có cơ hội thường xuyên thi đấu.

Từng có thời khoác áo Sapporo ở J-League 2, tiền đạo Công Vinh cho rằng không dễ để cầu thủ Việt trụ lại tại những nền bóng đá mạnh như Nhật và Hàn. Anh nhấn mạnh tới việc các đội bóng tại đây đặc biệt chú trọng vấn đề thể lực và tư duy chiến thuật - hạn chế của những cầu thủ Việt. Trường hợp của Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường không phải ngoại lệ. “Khi ở Việt Nam, mình cứ nghĩ là mình có kỹ thuật thì sẽ có thể đá. Nhưng ở Nhật Bản, mình chỉ có kỹ thuật thì không thể đá bóng được”, Công Phượng chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng việc không được ra sân sẽ khiến tài năng các em thui chột. Nhưng HLV Hữu Thắng luôn tin tưởng vào ba cầu thủ trên. Ngay từ lúc lên nắm quyền, nhà cầm quân xứ Nghệ đã vạch ra chiến lược phát triển đội tuyển dựa vào những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của HAGL với lối chơi bóng ngắn, phối hợp nhóm nhỏ và kiểm soát thế trận. Niềm tin của HLV Hữu Thắng được đền đáp khi các em tiến bộ từng ngày.

Công Phượng đã chơi 4 trận cho Mito Hollyhock. Xuân Trường tuy không thường xuyên có tên trong danh sách của Incheon United tại K-League nhưng liên tục tỏa sáng tại R-League (giải đấu của những cầu thủ dự bị). Còn Tuấn Anh, nếu không dính chân thương, đã có thể đóng góp nhiều hơn cho Yokohama. Mới đây, tiền vệ quê Thái Bình đã tỏa sáng, đưa CLB tiếp sâu hơn tại Cúp Nhật hoàng.

Trưởng thành tại nước bạn

CĐV Việt Nam xót xa khi nhìn những tấm ảnh Công Phượng đi phát tờ rơi trước mỗi trận đấu của Mito Hollyhock. Họ cho rằng hành động trên sẽ khiến tài năng của cầu thủ trẻ thui chột. Thực tế, ngay cả những trụ cột của đội vẫn thường xuyên đi phát tờ rơi.

Do tài nguyên khan hiếm, sự phồn thịnh của Nhật Bản được quyết định bởi yếu tố con người. Vậy nên, thông qua những hành động như phát tờ rơi, họ giáo dục người trẻ biết khiêm nhường.

Điều này đặc biệt cần thiết đối với những cá nhân như Công Phượng - một người thành công khi còn rất trẻ. Những người này thường không giữ được mình, dễ sa ngã.

Năm 2000, Việt Nam có những tài năng hứa hẹn như Quốc Vượng, Văn Quyến, Lâm Tấn và Như Thuật. So với lứa Công Phượng, lứa của Văn Quyến đình đám hơn nhiều. Tại VCK U16 châu Á năm đó, họ đã đánh bại Trung Quốc và chỉ chịu dừng chân tại bán kết. Nhưng cuối cùng, những sao trẻ, theo nhiều cách khác nhau, đều “chết yểu”. Chỉ để lại cho đời những nuối tiếc.

Vậy nên, thời gian này là khoảng lặng để Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh “né” truyền thông và CĐV - một chặng dừng cần thiết trên con đường phát triển của các em.

Nếu hệ quy chiếu của người hâm mộ về thành công của một cầu thủ bao gồm số trận ra sân, số bàn thắng và số đường kiến tạo thì Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường chưa thành công. Nhưng ẩn trong đó là những hạt giống hy vọng.

Đăng Thành

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/ngoi-ghe-du-bi-tai-nuoc-ngoai-khong-thanh-cong-cung-thanh-nhan/125639