Ngôi chùa được ốp chén, dĩa độc đáo có một không hai ở Sóc Trăng

Chùa Sà Lôn (hay còn gọi chùa Chén Kiểu) là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Chùa Sà Lôn nằm trên quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng 12km, hướng từ thành phố Sóc Trăng đi Bạc Liêu. Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những chén, dĩa sứ ốp lên tường trang trí nên có tên gọi là chùa Chén Kiểu.

Chùa Chén Kiểu là một trong những ngôi chùa độc đáo bậc nhất của Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là cổng chùa với 3 ngôi tháp được chạm khắc, đắp nổi với hoa văn và sắc màu rực rỡ mang đậm màu sắc văn hóa Khmer Nam Bộ. Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa.

Đặc biệt, chùa Sà Lôn còn lưu giữ một bộ trường kỷ cẩn xà cừ và hai chiếc giường bằng gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liêu năm 1947.

Trung tâm của chùa là ngôi chính điện bề thế với các bờ tường, cột, khung cửa... được ghép mảnh gốm sứ lộng lẫy.

Du khách tham quan chùa Chén Kiểu. Ảnh: Thái Song Hoàng Bảo

Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, chùa Chén Kiểu bao gồm chánh điện, nhà hội và tháp bảo, nơi để sách kinh dạy học. Do khan hiếm gạch men để trang trí nên các vị sư đã vận động nhân dân thu gom các mảnh chén, đĩa kiểu để ốp lên tường. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều chén, dĩa kiểu trông rất đẹp mắt và sắc sảo.

Bằng tài nghệ và sự công phu, các nghệ nhân Khmer đã sáng tạo nên một kiến trúc nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Kiến trúc đặc sắc trong chùa Chén Kiểu.

Chùa Chén Kiểu là một địa danh du lịch nổi tiếng mà nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm mỗi khi đến với mảnh đất Sóc Trăng.

Có dịp đến Sóc Trăng, bạn không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Sà Lôn để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ, đặc biệt có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.

Bảo An

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/ngoi-chua-duoc-op-chen-dia-doc-dao-co-mot-khong-hai-o-soc-trang-780869.html