Ngôi chùa cổ ở miền quê lúa

Chùa Tư Phúc (thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) không bề thế, hoành tráng nhưng được biết đến với hệ thống tượng cổ, chuông cổ thuộc hàng quý hiếm ở Việt Nam, có giá trị nghệ thuật và lịch sử vô cùng to lớn.

Theo thần tích đình chùa làng Sơn Đồng do Thần Nguyễn Bính Viện Đông Các Đại Học Sĩ biên soạn và các thư tịch cổ còn lưu giữ lại thì chùa Tư Phúc được hình thành cách đây trên 800 năm do cụ Nguyễn Giám và nhân dân địa phương hưng công, tác phúc xây dựng. Chùa từng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh vô cùng sầm uất, trải qua 11 đời Tổ sư trụ trì, hóa đạo và được xây tháp, tạc tượng thờ tại chùa. Đặc biệt, chính tại ngôi chùa này, bà Nguyễn Nguyên, con gái cụ Nguyễn Giám, người có công cùng với dân làng xây nên ngôi chùa này đã cầu Phật và sau đó sinh hạ được người con trai đặt tên Phạm Hoàng. Ông chính là người đã có công đánh giặc Thục, được Vua phong chức "Thái Tể Quyền Chương Tả Hữu Đô Hầu Phụng Ngự Đại Tướng Quân". Người vừa là vị Sư Tổ của chùa vừa là Thành Hoàng của làng được thờ cúng tại chùa. Trong những năm đầu thế kỷ XX, chùa Tư Phúc từng là Hạ trường An Cư của tỉnh Thái Bình. Hiện chùa còn lưu giữ được quả chuông Hồng Chung đúc từ năm Bính Thân 1557 niên hiệu Nguyên Hòa thứ 4 đời vua Lê Trang Tông. Sở dĩ quả chuông này còn lại đến ngày nay là bởi nhiều lần trải qua những thăng trầm của lịch sử, đã được dân làng thả xuống giếng sâu để cất giấu. Đây là một trong số ít chuông Đồng có niên đại sớm hiện còn ở nước ta sau chuông Thanh Mai (Hà Tây trước đây - nay là Hà Nội) - thế kỷ VIII và hai, ba quả chuông thời Trần khác.

Khuôn viên chùa Tư Phúc.

Phần lớn số chuông hiện có ở các chùa làng Việt Nam đều được đúc vào thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Đặc điểm nổi bật về hình thức quả chuông thời Mạc này là ở đỉnh quai chuông có hình nậm rượu, 6 núm chuông được phân rõ chức năng để gõ và để chỉ biểu trưng khác, vành chuông có hình cánh sen kép. Đặc điểm trên hầu như đã vắng bóng trên chuông thời Tây Sơn và thời Nguyễn về sau. Văn bản trên chuông cũng là nguồn tư liệu quý giá. Việc lưu giữ được quả chuông thời Mạc này đã góp thêm một di vật quý trong hệ thống sưu tập chuông cổ của nước ta hiện còn rất ít ỏi. Ngoài ra, chùa Tư Phúc còn sở hữu chiếc khánh được đúc từ năm Ất Hợi 1695 niên hiệu Chính Hòa thứ 16 cùng toàn bộ hệ thống tượng thờ cổ với những giá trị nghệ thuật điêu khắc và giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Sự tồn tại của ngôi chùa đã tạo nên một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của vùng đất địa linh nhân kiệt - Sơn Đồng Bất Khuất.

Trải qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt, ngôi Nhà thờ Tổ của chùa Tư Phúc đã xuống cấp trầm trọng. Trước thực trạng đó, Hòa thượng Đại đức Thích Minh Phúc vô cùng ưu tư, quyết định trùng tu lại ngôi Nhà thờ Tổ và ngôi Đại hùng Tam bảo. Hiện nay, việc trùng tu xây dựng Nhà thờ Tổ đã xong và đang hoàn thiện Tam bảo trong sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, cũng như các phật tử gần xa. Dự kiến, các hạng mục được trùng tu sẽ khánh thành vào ngày 3 - 4 - 2016 (ngày 26 tháng Hai năm Bính Thân).

Chùa Tư Phúc đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia" vào năm 2013.

Phạm Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/823784/ngoi-chua-co-o-mien-que-lua