Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và sứ mệnh hâm nóng quan hệ với Thái Lan

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7/8 đến Thái Lan trong bối cảnh quan hệ hai nước đã suy giảm sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.

Ngoại trưởng Tillerson là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Thái Lan kể từ năm 2014. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tillerson sẽ có các cuộc hội kiến Thủ tướng Prayut Chan-ocha và hội đàm với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Tillerson là thảo luận với giới chức Thái Lan về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khu vực mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề chính trị, thương mại.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Thái Lan hôm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm, cũng như mối quan hệ chặt chẽ và hữu nghị giữa hai nước.

Trước đó hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và đã mời người đứng đầu Chính phủ Thái Lan thăm Mỹ, song thời điểm cụ thể chưa được ấn định.

Cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đã đẩy quan hệ Mỹ- Thái Lan vào một giai đoạn lạnh nhạt. Mỹ chỉ muốn khôi phục hoàn toàn quan hệ hợp tác với một đất nước do chính phủ dân cử điều hành.

Trong khi đó theo quan điểm của Thái Lan, những lời chỉ trích gay gắt và biện pháp trừng phạt từ đồng minh thân cận lâu năm trong lúc họ đang bước vào thời kỳ chuyển tiếp quan trọng là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là khi Trung Quốc luôn sẵn sàng lấp chỗ trống mà Mỹ để lại.

Đối với Trung Quốc, Thái Lan cũng là một phần trọng chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại đầy tham vọng của nước này với toàn thế giới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Thái Lan mới đây đã không ngừng đánh giá cao vai trò của nước này đối với khu vực, cũng như quan hệ hai nước.

“Trước tiên chúng ta cần phải tăng cường hợp tác trong các dự án đường sắt giữa Thái Lan và Trung Quốc, một dự án sẽ bắt đầu được xây dựng trong tương lai gần giúp Thái Lan liên kết với thị trường rộng lớn hơn ở Trung Quốc và trở thành trung tâm kết nối trong khu vực.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ tham gia tích cực vào việc xây dựng Hành Lang kinh tế phía Đông ở Thái Lan, giúp Thái Lan nâng cấp và chuyển đổi nền kinh tế trong khi thiết lập một nền tảng mới cho sự hợp tác trong khuôn khổ dự án “Một vành đai 1 con đường”, ông Vương Nghị nói.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ- Thái Lan thời gian qua tiếp tục có những xáo trộn, đặc biệt là thâm hụt thương mại giữa Thái Lan và Mỹ trong năm ngoái đã tăng lên tới gần 19 tỷ USD. Đây cũng là một trong những vấn đề mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thể hiện sự không hài lòng đối với các đối tác của mình.

Dẫu vậy, chuyến thăm Thái Lan này của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã một lần nữa cho thấy, Mỹ vẫn cần quốc gia Đông Nam Á này nhằm tăng cường sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương và thực tế là dù lạnh nhạt, song phần lớn mối liên hệ quân sự khác giữa hai nước vẫn tồn tại.

Tất nhiên không thể sánh với thời kỳ hoàng kim, song có thể nói Thái Lan vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Hơn nữa, một trong những lý do khác khiến Mỹ luôn muốn hâm nóng quan hệ với Thái Lan bởi nước này hiểu được rằng cần phải tăng cường quan hệ với châu Á, ASEAN và đặc biệt là Thái Lan trong bối cảnh Mỹ đã từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Susan Thornton mới đây nhận định việc Mỹ nối lại quan hệ với Thái Lan là một cách tiếp cận thực dụng nhằm tăng sức nặng cho lịch trình đối ngoại của Tổng thống Donald Trump./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/ngoai-truong-my-tillerson-va-su-menh-ham-nong-quan-he-voi-thai-lan-656907.vov