Ngoại trưởng Mỹ: “Đừng chạm đến Senkaku trong tay Nhật”!

Những động thái hiện nay cho thấy, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng khả năng bùng nổ xung đột ở Điếu Ngư đã vượt qua rủi ro theo kiểu “súng cướp cò”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gây phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc.

Lời tuyên bố trên của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton như đổ thêm dầu vào ngọn lửa tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu ngư vốn đang sôi lên sùng sục giữa Nhật và Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc gay gắt chỉ trích Mỹ đã “ phản bội ” lại cam kết giữ lập trường trung lập về vấn đề này. Trong khi đó, phía Nhật dẫn các hoạt động và phát ngôn hiếu chiến gần đây của Trung Quốc, cho rằng: “Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự hiện có bằng cách cưỡng ép và hăm dọa”.

Trước những động thái cho thấy Trung Quốc đang từng bước thách thức sự kiểm soát của Nhật đối với quần đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cuối tuần qua đã có lời cảnh báo đến Trung Quốc rằng nước này đừng có thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với một quần đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông.

Bà Clinton còn khẳng định rằng, quần đảo này hiện đang do Nhật kiểm soát, do đó sẽ được Mỹ bảo vệ trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Bà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra bình luận này trong cuộc gặp với người đồng nhiệm Nhật Fumio Kishida - quan chức của Nhật đến Mỹ sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền. “Chúng tôi không muốn thấy bất cứ hành động nào do bất cứ bên nào có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc đưa đến việc tính toán sai có thể làm tổn hại cho hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế trong khu vực” - bà nói.

Phản ứng trước động thái trên, THX ngày 19.1 đã đăng bài bình luận chỉ trích lập trường của Washington, cho rằng nó “tạo ra hoài nghi về sự đáng tin (của Mỹ) với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực”. Nhiều báo chính thống của Trung Quốc đã lên án, cho rằng Washington đã “không khôn ngoan khi bày tỏ ủng hộ Nhật và hành động thiếu công bằng này đã phản bội tuyên bố trước đây của Washington là giữ lập trường trung lập”.

Ngày 20.1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng đã ra tuyên bố cho biết, Trung Quốc hết sức bất bình và kiên quyết phản đối bình luận của Mỹ về quần đảo Điếu Ngư. Ông Tần Cương nói: “Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ cần có thái độ trách nhiệm liên quan đến vấn đề quần đảo Điếu Ngư”...

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Kishida nói, ông hoan nghênh lập trường của Mỹ và nhận xét rằng lời bình luận của bà Clinton sẽ “chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào có thể xâm phạm quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo Senkaku”.

Những động thái hiện nay cho thấy, Chính phủ Mỹ đã ý thức được rằng khả năng bùng nổ xung đột ở Điếu Ngư đã vượt qua rủi ro theo kiểu “súng cướp cò”. Do vậy, giới chức Washington kêu gọi Trung-Nhật bình tĩnh trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời Mỹ cũng lưu ý đối với Chính phủ Nhật, yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật không được bắn pháo hiệu nhằm vào các máy bay Trung Quốc bay ở vùng trời gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Giới học giả Mỹ cũng lo lắng nếu Tokyo bắn pháo hiệu cảnh cáo máy bay Trung Quốc, có thể Bắc Kinh cho rằng đó không phải là pháo hiệu mà là... viên đạn.

Trung Quốc và Nhật Bản đang thách thức giới hạn đỏ của nhau. Nếu Trung Quốc tiếp tục cử máy bay tới Điếu Ngư/Senkaku và Nhật bắn pháo hiệu cảnh cáo, Bắc Kinh sẽ có hành động tiếp theo. Trong bối cảnh tình hình căng thẳng leo thang như vậy, các nhà phân tích Mỹ cũng cho rằng, khả năng Mỹ sẽ bị cuốn vào xung đột Nhật-Trung là hiện thực.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ngoai-truong-my-dung-cham-den-senkaku-trong-tay-nhat/100051.bld