Ngoại trưởng Đức thăm Ankara: Thổ Nhĩ Kỳ mệt mỏi

Chuyến thăm khó khăn của Ngoại trưởng Đức khi tới Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy một nỗ lực mỏng manh mà Ankara đã không cần thiết.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 15/11 đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong một nỗ lực được cho là giảm thiểu các căng thẳng ngoại giao liên quan tới chính sách người di cư và tư cách thành viên EU của Ankara.

Chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ lần này được cho là một cuộc du ngoạn bão tố của Ngoại trưởng Đức. Trong cuộc họp báo sau khi gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Steinmeier thừa nhận, cuộc gặp "không hề dễ dàng", thừa nhận hai bên đã bày tỏ "quan điểm khác nhau" rất cởi mở, trung thực đặc biệt là các quan điểm về cuộc đảo chính thất bại ở Ankara và tổ chức người Kurd PKK lâu nay bị coi là khủng bố.

Ông Steinmeier cũng bày tỏ hy vọng hai nước sẽ quay trở lại mức bình thường hóa quan hệ.

Ngoại trưởng Đức Steinmeier gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: DW

Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh tới sự thất vọng với một thực tế là sau 11 năm đàm phán, triển vọng cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Ngoại trưởng Steinmeier bày tỏ ông không phải không hỗ trợ đàm phán Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU mà chính Ankara phải nỗ lực để thực hiện điều này.

Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ lo ngại về những vụ bắt giữ hàng loạt các quan chức ở Ankara sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7 vừa qua.

"Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các nhà lập pháp đối lập và xã hội dân sự, báo chí, cũng như vô số các quan chức không phù hợp với các tiêu chuẩn hiến pháp của chúng tôi và từ lâu họ đã đi quá giới hạn của những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính" - ông Steinmeier nói.

Hai bên cũng thảo luận về việc sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ cho lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ rằng Ankara đã "chán ngấy" với việc Liên minh châu Âu "hai mặt" trong việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của tổ chức này.

"Chúng tôi đã thực sự chán ngán những báo cáo cho thấy sự xuống cấp của Thổ Nhĩ Kỳ. Các tiêu chí (gia nhập) đã rất rõ ràng nhưng có những tiêu chuẩn kép và cách tiếp cận hai mặt của châu Âu. Đây là những gì chúng tôi không hề thích thú" - ông Cavusoglu nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức hôm 15/11.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, quan hệ tương lai của Ankara và EU ra sao sẽ do người dân quyết định khi sắp tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.

"Chúng tôi sẽ không dừng lại hoặc lui bước trong cuộc chiến với khủng bố. Các đại sứ EU không thể quyết định luật pháp sẽ hoạt động thế nào tại nước chúng tôi", Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm qua tuyên bố.

Tuyên bố của ông Cavusoglu thể hiện sự bực bội của Thổ Nhĩ Kỳ về việc triển vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ankara đang ngày càng trở nên xa vời sau 11 năm đàm phán.

EU cần Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế lượng lớn người tị nạn, di cư, đặc biệt từ Syria. Tuy nhiên, khối này lại tỏ ra không hài lòng với các chiến dịch trấn áp phe đối lập sau cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7 của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 110.000 người, bắt giữ 36.000 người khác. Nhiều cơ quan truyền thông của nước này cũng bị đóng cửa. Tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Đức Steinmeier tỏ ra quan ngại về các động thái này.

Cuộc chiến di cư vào châu Âu sẽ càng khó kiểm soát nếu Thổ Nhĩ Kỳ buông tay.

Theo giới phân tích, EU không muốn gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề nằm ở chỗ nước này có muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với EU hay không.

Trước đó, tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước EU ở Brussels, Bỉ ngày 14/11, Áo dẫn đầu nhóm các nước kêu gọi dừng đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số cường quốc khác trong khối như Anh, Pháp và Đức lại khẳng định ủng hộ duy trì mối quan hệ với quốc gia này.

Hơn 1,3 triệu người đã đến châu Âu vào năm ngoái, làm gia tăng bất đồng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhóm nhân quyền, nhưng cũng góp phần làm giảm đáng kể dòng người di cư tới châu Âu.

Chính vì vậy, các nhà ngoại giao cho rằng, đây không phải là thời điểm để EU gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ mà là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU hay không.

Những động thái gần đây khá mạnh mẽ của Ankara cho thấy sự gia tăng các căng thẳng khá mạnh mẽ của quốc gia Trung Đông này đối với các đồng minh lâu năm ở châu Âu.

Đương nhiên, với những lợi thế mà Ankara có được, EU sẽ phải tính đến bước đi mà ở đó sẽ chỉ có câu hỏi Có hay Không trong việc gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời những dự báo về một châu Âu chia rẽ sẽ ngày càng tới gần hơn.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ngoai-truong-duc-tham-ankara-tho-nhi-ky-met-moi-3323153/