Ngoài tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên còn có những vũ khí bí mật đáng gờm nào?

Bên cạnh năng lực tác chiến hạt nhân, quân đội Triều Tiên còn được cho là có năng lực tác chiến sinh hóa học và năng lực tác chiến điện tử đáng gờm.

Trong những ngày gần đây, tin tức về vụ phóng thử thành công tên lửa Hwasong-14 lại một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về khả năng Triều Tiên sử dụng tên lửa tầm trung và tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.

Ngay lập tức, Mỹ trấn an đồng minh và gửi thông điệp tới Triều Tiên bằng vụ thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD.

Rõ ràng, vũ khí hạt nhân là loại vũ khí nguy hiểm nhất và những cuộc thử nghiệm tên lửa được quân đội Triều Tiên thực hiện thường xuyên gần đây cho thấy nước này đang xây dựng chương trình dài hạn cho kế hoạch phát triển tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa của Triều Tiên trong lễ duyệt binh. (Ảnh: EPA)

Có thể nói, Triều Tiên đã đạt được những thành tựu cũng như kinh nghiệm đáng kể trong nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Nhưng Triều Tiên không chỉ có năng lực hạt nhân đáng gờm, mà còn sở hữu lực lượng tác chiến sinh hóa học và tác chiến điện tử với năng lực cao, khả năng gây ra những thiệt hại không thể tưởng tượng được.

Vũ khí sinh hoá

Vũ khí sinh hóa không phải là thứ gì đó xa lạ trong thời đại hiện nay. Ngay từ Thế chiến I, quân đội Đức đã sử dụng khí clo để tấn công quân đội Pháp và gây ra thiệt hại lớn cho cả hai phe.

Triều Tiên bắt đầu phát triển ngành công nghiệp hóa chất và vũ khí hóa học vào khoảng năm 1954, đến khoảng những năm 1960, Chủ tịch Kim Nhật Thành quyết định thành lập Cục phòng thủ hóa học và hạt nhân của Triều Tiên.

Trong suốt thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20, Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ Triều tiên phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đến cuối thập niên 80 Triều Tiên đã làm chủ kỹ thuật.

Chủ tịch Kim Jong-un tới thăm Viện nghiên cứu công nghệ sinh học Bình Nhưỡng. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên đã ký kết Nghị định thư Genève về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học cũng như tán thành Hiệp định về vũ khí sinh học.

Kể từ khi Triều Tiên bắt đầu phát triển ngành công nghiệp hóa chất và chế tạo vũ khí sinh hóa học, nước này chưa bao giờ sử dụng vũ khí sinh hóa học trong các cuộc xung đột.

Ngành công nghiệp hóa chất của Triều Tiên trên thực tế không chỉ phục vụ cho việc sản xuất vũ khí sinh hóa học, mà còn có những đóng góp lớn cho ngành chế tạo tên lửa của nước này, cụ thể là ở hoạt động chế tạo nhiên liệu tên lửa.

Video: Triều Tiên duyệt binh hoành tráng phô diễn sức mạnh quân sự

Đơn vị 180 bí ẩn

Bên cạnh vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và vũ khí sinh học, Triều Tiên còn phát triển hiệu quả một lực lượng mới đáp ứng nhu cầu của chiến tranh hiện đại – lực lượng tác chiến điện tử.

Lực lượng này được cho là Đơn vị 180, trực thuộc Tổng cục trinh sát Triều Tiên. Vụ tấn công có bằng chứng rõ ràng nhất của lực lượng tác chiến điện tử của Triều Tiên là vào năm 2014, khi tập đoàn Sony bị tin tặc tấn công gây gián đoạn hoạt động và bị mất một lượng lớn dữ liệu.

Nguyên nhân của vụ tấn công được xác định là do Sony Pictures chuẩn bị tung ra thị trường bộ phim “The Interview” với nội dung châm biếm nhà lãnh đạo của Triều Tiên.

Việc các tin tặc đe dọa sẽ tiếp tục những cuộc tấn công với mức độ còn cao hơn nếu Sony công chiếu phiên bản nguyên gốc của bộ phim hoặc các bộ phim khác có nội dung thù địch với Triều Tiên cho thấy, nhiều khả năng lực lượng tác chiến điện tử của Triều Tiên đứng sau vụ tấn công này.

Học viên tại trường Cách mạng Mangyongdae, Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Gần đây nhất, một số tổ chức kết luận rằng vụ tấn công của mã độc tống tiền WannaCry có mối liên hệ nào đó với Triều Tiên.

Họ đưa ra giả thuyết rằng, một số mật vụ thuộc lực lượng tác chiến điện tử của Triều Tiên đã đem phát tán mã độc tống tiền khắp thể giới nhằm gây thiệt hại cho các cường quốc, trong đó có Mỹ và thậm chí là cả Trung Quốc, cũng như tìm kiếm nguồn tài chính phục vụ các chương trình phát triển vũ khí của nước này thông qua việc đòi tiền chuộc.

Mặc dù Bình Nhưỡng thường công bố về năng lực tác chiến hạt nhân của mình, song vẫn sẵn sàng sử dụng vũ khí hóa học, sinh học và lực lượng tác chiến điện tử nếu rơi vào tình thế bắt buộc.

Chủ tịch Kim Jong-un sử dụng máy vi tính trong chuyến thị sát Bộ tư lệnh Phòng không - không quân của quân đội Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Trong khi đó, lực lượng tác chiến điện tử lại hoạt động hiệu quả hơn nhiều khi có khả năng gây thiệt hại rất lớn cho các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống công nghệ thông tin, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc.

Seoul và Washington hoàn toàn hiểu rõ điều này và không hề đánh giá thấp năng lực của Triều Tiên trong tác chiến sinh hóa học và tác chiến điện tử.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây chỉ ra rằng việc sử dụng vũ lực nhằm giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên có thể gây ra những “thảm họa ở mức không thể tưởng tượng nổi”.

Còn về phía Hàn Quốc, Chung Eui-yong, cố vấn an ninh mới của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh: "Vẫn có chỗ cho Mỹ và Hàn Quốc căn chỉnh và lên kế hoạch hợp tác cùng với Triều Tiên".

>>> Đọc thêm: Hé lộ sức mạnh đáng gờm của hệ thống tên lửa Hàn Quốc

Nguyễn Tiến (Nguồn: National Interest)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/the-gioi/ngoai-hat-nhan-trieu-tien-con-so-huu-nhung-vu-khi-dang-gom-nao.1-335883.htm