Ngoài Khung Hình: Cái nhìn về sự giới hạn của liên hoan phim

Khán giả là ai với một liên hoan phim? Là một tập hợp đám đông? Là những chiếc vé được bán ra? Là những ý kiến trí tuệ hay xúc cảm?... Ngoài Khung Hình muốn gọi tên những cá nhân khán giả thông qua cách thiết lập một kiểu cách quan hệ có tính thể nghiệm và tạm thời trong thời gian dự án diễn ra.

Đêm 26 tháng 9, Sài Gòn mưa đổ thác. Mọi chuyển động đường phố bị ngưng đọng trì hoãn như thể ai nấy đều lo sợ sẽ bị nhấn chìm trong dòng nước ngay khi đặt chân ra đường.

Buổi chiếu số 0 của dự án Ngoài Khung Hình phải dời lại gần một tiếng đồng hồ, chờ cho mưa nguôi ngoai nước và cho người bớt lo âu nước.

Thế đấy, dù làm gì chăng nữa, chúng ta cũng không thể thoái lui khỏi những ràng buộc chung quanh. Một dự án nghệ thuật (hay chính bản thân nghệ thuật) lại càng gắn chặt với thực tại hơn tất thảy những gì khác.

Ngoài Khung Hình được suy niệm như một dự án trình chiếu phim/hình ảnh động từ các nghệ sĩ Đông Nam Á trong mối liên kết thể nghiệm với khán giả và với những địa điểm đời thường ở Sài Gòn. Dự án thường hay bị hiểu nhầm là “một liên hoan phim”. Ừ thì cứ cho dự án là một liên hoan phim cũng không sao, hay nói chính xác hơn là: một phản tư về liên hoan phim.

Ai trong chúng ta cũng đã từng tham dự một liên hoan phim với vai trò khán giả. Chúng ta biết thông tin về phim, về người làm phim thông qua trang web, báo chí, tờ rơi của liên hoan phim... Nhưng có một điều chúng ta lại không biết: chính bản thân chúng ta.

Chúng ta như là khán giả tham dự liên hoan phim nhưng vai trò là gì hay thử đặt câu hỏi một cách thách thức hơn: thực sự thì, khán giả là ai?

Khán giả là ai với một liên hoan phim? Là một tập hợp đám đông? Là những chiếc vé được bán ra? Là những ý kiến trí tuệ hay xúc cảm?... Khán giả đến và đi như ánh sáng và bóng tối trong rạp chiếu. Khán giả không được nhớ vì không ai biết tên họ.

Ngoài Khung Hình muốn gọi tên những cá nhân khán giả thông qua cách thiết lập nên một kiểu cách quan hệ có tính thể nghiệm và tạm thời trong thời gian dự án diễn ra. Và nền tảng cho mối quan hệ mới mẻ này được xây dựng dựa trên sự cam kết ràng buộc của khán giả.

Để là khán giả của Ngoài Khung Hình, khán giả cần trình bày lý do tại sao muốn tham dự và phải ký cam kết tuân theo quy định của dự án, ví dụ như tham dự không sót một sự kiện, viết bài bình luận, nói chuyện với nghệ sĩ... Khi được chọn, hình ảnh và thông tin cá nhân của khán giả sẽ được công khai cùng với hình ảnh và thông tin của phim, nghệ sĩ.

Việc tạo nên động tác có tính ràng buộc này nhằm khiến khán giả nhận thức được một cách rõ ràng và chủ động vai trò của họ trong việc đang làm: tham dự một ‘liên hoan phim’ hay một dự án nghệ thuật. Và ngược lại, từ góc nhìn của người tổ chức, chúng ta biết ai là ai và sau này khi dự án kết thúc, những dấu vết cá nhân vẫn còn được lưu giữ. Ít ra, đây là một nỗ lực khiêm tốn nhằm kháng cự lại sự lãng quên thường trực của thời đại công nghệ này.

Vậy là, Ngoài Khung Hình đã gọi tên hay chính là đã làm được một vai trò phản tư về một trong số nhiều giới hạn của liên hoan phim: Khán giả.

Điều giới hạn khác chính là địa điểm.
- Địa điểm chiếu phim của liên hoan phim là gì?
- Rạp chiếu phim!

Chỉ thế thôi sao? Rạp chiếu phim cung cấp những tiện nghi cho việc thưởng thức phim. Nhưng liệu ngoài rạp phim, chúng ta có còn có thể chiếu phim ở nơi nào khác?

Ngoài Khung Hình mang phim ra bên ngoài không gian tiện nghi để đến với những không gian đời thường và dị biệt- quán cà phê, nhà kho, studio, nhà riêng, rạp chiếu bóng bị lãng quên... Những nơi nằm đâu đó trong những hẻm hóc địa phương. Những nơi trước và sau sự kiện vẫn là chính nó. Và việc để sự kiện diễn ra trong một thời điểm tạm thời khiến một thoáng chốc những địa điểm này trở nên một nơi chốn trú ngụ cho điện ảnh-nghệ thuật, nhưng đồng thời không hề đánh mất đi bản tính thường ngày cố hữu.

Và cũng tương tự như việc lưu giữ dấu vết cá nhân của khán giả, dự án lưu dấu không gian bằng việc làm phim tài liệu về những địa điểm này. Phim và việc trình chiếu phim trở nên cái cớ để những không gian này hiện ra với một vai trò khác. Và đây chẳng phải chính là điều thi vị của cuộc sống sao, điều mà chúng ta và nhất là những cặp tình nhân luôn mong muốn: nhìn thấy nhau và thấy chính mình trong những xuất hiện khác lạ.

Ở buổi chiếu số 0 vào đêm mưa đổ thác, Ngoài Khung Hình chiếu hai phim -“Việt Nam Một Phim” và “Mười Một Người Đàn Ông” của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi. Đây là hai phim “found footage” (phim lấy những cảnh phim từ các phim khác và tái chế lại) rất mới mẻ so với đại đa số khán giả. Phản ứng của người xem khá thú vị, có một bạn trẻ còn đọc ra được những ý thầm kín tình cảm của nhân vật mà ngay cả nghệ sĩ cũng bất ngờ.

Trong “Việt Nam Một Phim”, Nguyễn Trinh Thi tuyển lựa và dựng những cảnh từ các phim chiến tranh Việt Nam của Hollywood, Pháp, Hongkong,... mà trong đó các nhân vật có nói hai tiếng “Việt Nam”. Phim như là một cuộc khảo sát có tính cách phê phán về cách mà người bên ngoài tiếp nhận cuộc chiến tranh Việt Nam hay “Việt Nam” (trong ngoặc kép) thông qua phương tiện truyền thông đại chúng là điện ảnh.

Những phim được chiếu trong Ngoài Khung Hình bằng nhiều cách thi vị khác nhau đều tiếp cận dòng chảy lịch sử của Việt Nam và các nước Đông Nam Á thông qua những góc nhìn hết sức độc đáo của con người cá nhân nghệ sĩ. Và khi chúng ta nghĩ đến việc những tác phẩm điện ảnh độc đáo này sẽ được chiếu ở những nơi chốn thường ngày và được xem bởi những con người biết-mình-là-ai, bản thân việc này cũng đã đầy mời gọi.

Ngoài Khung Hình (Out of Frame, OOF!), chính thức diễn ra từ ngày 23 đến 29/10/2016, là dự án được phối hợp tổ chức và tài trợ bởi Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation), Trạm Ẩn Hiện Châu Á (Asian Invisible Station), Ga0 (ZeroStation) và Onion Cellar. Bên cạnh việc trình chiếu các tác phẩm phim/hình ảnh động, dự án còn tổ chức những buổi nói chuyện, thuyết trình, trao đổi... chuyên sâu giữa nghệ sĩ và khán giả, đặc biệt là sinh viên các trường điện ảnh, nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh.
Dự án được giám tuyển bởi Trần Duy Hưng, Trương Minh Quý và quản lý bởi Nguyễn Phước Bảo Châu.

Nguồn Tia Sáng: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=43&News=10084&tabid=112