Ngoại giao "vũ lực", Trung Quốc thiệt hơn lợi?

2012 có lẽ là năm Trung Quốc gây sóng gió nhiều nhất trong quan hệ với các nước láng giềng trong nhiều năm trở lại. Nước này liên tục có những cuộc đối đầu căng thẳng với các nước trong khu vực vì tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong những cuộc đối đầu này, Trung Quốc luôn duy trì một lập trường cứng rắn, hung hăng, sẵn sàng gây gổ với đối phương. Nhiều nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đang thực hiện một nền ngoại giao súng ống và chính sách này quả là không khôn ngoan khi nó lại làm lợi cho đối thủ lớn nhất của Trung Quốc.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần”

Người xưa có câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Câu nói này có nghĩa những người hàng xóm xung quanh ta vô cùng quan trọng, thậm chí còn hơn cả họ hàng. Những người bạn láng giềng luôn sống cạnh ta hàng ngày, tối lửa tắt đèn đều có nhau. Nếu duy trì một mối quan hệ hòa thuận với những người hàng xóm thì mối quan hệ đó cực kỳ có lợi nhưng ngược lại thì nó sẽ khiến cuộc sống của chúng ta không hề dễ chịu. Đây là điều đúng đắn không chỉ với từng cá nhân mà đúng với cả mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, trong năm qua, người Trung Quốc đã quên câu nói nổi tiếng xưa. Thay vì chung sống hòa bình, cùng hợp tác phát triển với các nước láng giềng, Trung Quốc liên tục có các cuộc đối đầu với những người hàng xóm của mình. Đầu tiên là cuộc đối đầu với Philippines ở Biển Đông được châm ngòi từ sự kiện hôm 10/4 khi tàu chiến lớn nhất của Philippine thuộc lớp Hamilton va chạm với hai tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước.

Trong suốt hai tháng sau đó, Trung Quốc và Philippines rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng đến mức nhiều lúc người ta đã nghĩ đến kịch bản về một cuộc xung đột quân sự. Trung Quốc liên tục tập trận rầm rộ, đưa tàu quân sự lẫn dân sự ra uy hiếp đối phương. Song song với đó, giới quan chức quân đội và giới chuyên gia Trung Quốc liên tục đưa ra những lời đe dọa, cảnh báo đầy sắc lạnh.

Sau cuộc đối đầu với Philippines, Trung Quốc tiếp tục có một loạt hành động gây hấn với phía Việt Nam như chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam; thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam...

Gần đây, Trung Quốc lạicó các bước leo thang hơn nữa trong các hành động nhằm khẳng định chủ quyền một cách phi lý ở Biển Đông như đưa bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông mới cấp cho người dân nước này; đưa ra luật mới trong đó cho phép cảnh sát Trung Quốc xông lên lục soát, bắt giữ tàu thuyền của các nước khác ở Biển Đông; xuất bản bản đồ “Tam Sa” với phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; cắt cáp tàu Việt Nam....

Ngoài Philippines và Việt Nam , Trung Quốc còn thường xuyên gây cản trở và quấy nhiễu tàu thuyền của Malaysia tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Không chỉ gây căng thẳng với các nước láng giềng ở Biển Đông, Trung Quốc còn tranh chấp quyết liệt với Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Trong những tháng qua, Trung Quốc thường xuyên cho tàu thuyền của mình đi vào khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Nhật Bản. Kết quả là tàu thuyền hai nước này liên tục “gầm ghè” với nhau ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đã có lúc, tàu thuyền hai nước đụng độ với nhau mặc dù chưa leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Mới đây, hôm 13/12, Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay vào vùng tranh chấp với Nhật Bản, mở màn cho một loạt những cuộc “đối đầu”, “rượt đuổi” gây giật mình giữa chiến đấu cơ Nhật Bản và máy bay Trung Quốc sau đó. Cuộc tranh chấp ở Biển Hoa Đông còn chứng kiến những cảnh báo, đe dọa đầy cứng rắn của giới lãnh đạo Trung Quốc về việc họ không ngại xung đột quân sự hay chiến tranh với nước láng giềng Nhật Bản.

Song song với các động thái trên, Trung Quốc liên tục khoe vũ khí mới, phô trương sức mạnh quân sự bằng các cuộc tập trận rầm rộ ở biển. Mới đây, nước này đã bắt đầu đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên vào sử dụng. Tất cả đều là nhằm thị uy những nước đang có tranh chấp với họ. Chưa hết, Trung Quốc còn tăng cường gây sức ép kinh tế đối với các nước láng giềng. Sau khi cấm xuất khẩu đất hiếm đến Nhật Bản (Trung Quốc đang độc quyền trong mặt hàng này với Nhật Bản), Trung Quốc còn cắt giảm mạnh nhập khẩu từ Nhật Bản và giảm các chuyến du lịch đến xứ sở hoa anh đào, khiến Nhật Bản phải chịu thâm hụt thương mại trong tháng thứ 5 liên tiếp. Trước đó, Trung Quốc còn ngừng nhập khẩu chuối từ Philippines để trả đũa việc Manila thách thức họ ở Biển Đông.

Từ những cuộc đối đầu trên, chính sách ngoại giao “súng ống”, “hiếu chiến” của Trung Quốc ngày càng được bộc lộ rõ nét hơn. Mặc dù luôn khẳng định theo đuổi con đường phát triển hòa bình, giải quyết các cuộc xung đột thông qua đàm phán nhưng những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua chỉ cho người ta thấy, nước này sẵn sàng dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền ở những vùng lãnh thổ, lãnh hải tranh chấp.

Trung Quốc làm lợi cho Mỹ

Với những bước đi gây hấn, hung hăng trong khu vực, Trung Quốc rõ ràng đang làm mất lòng nhiều người hàng xóm của mình. Điều này hoàn toàn không những không có lợi cho Trung Quốc mà nó còn gây hại cho nước này.

Là cường quốc số 1 của Châu Á, Trung Quốc có thể đóng vai trò dẫn dắt, là đầu tàu cho cả khu vực. Tuy nhiên, việc nước này hành xử không khéo léo, thường xuyên gây hấn với các nước trong khu vực đã khiến hình ảnh của họ trở nên xấu đi rất nhiều. Thay vì tạo niềm tin cho các nước láng giềng trong mỗi bước phát triển của mình thì Trung Quốc lại khiến các nước bên cạnh lo ngại, dè chừng dõi theo mỗi bước đi lên của họ.

Một khi không có được niềm tin, Trung Quốc sẽ chẳng thể có được chỗ đứng xứng đáng với sức mạnh của họ. Và khi các nước không còn tin Trung Quốc thì nước này sẽ bị cô lập, xa lánh. Liệu khi điều đó xảy ra, Trung Quốc có còn được coi là một nước mạnh? Một nước mạnh mà không có sự ủng hộ thì cũng sẽ trở thành yếu.

Hơn nữa, một nước có những người bạn láng giềng tốt, thân thiện sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và ngược lại. Việc Trung Quốc gần đây có nhiều hành động gây hấn trong khu vực sẽ khiến các nước láng giềng tức giận, quay lưng lại với họ. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của cường quốc số 1 Châu Á này.

Điều đáng nói ở đây là chính chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc lại đang làm lợi cho đối thủ hàng đầu của nước này. Đó là Mỹ. Trung Quốc dường như đang dọn đường, mở rộng đường cho Mỹ tiến vào khu vực. Rõ ràng, các hành động của Bắc Kinh gần đây đã đẩy những nước láng giềng quanh họ có xu hướng tiến về Mỹ nhiều hơn. Điều đó được thể hiện qua các liên minh ngày được thắt chặt giữa Mỹ-Philippines và Mỹ-Nhật.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/nhan-dinh/8_506581/ngoai_giao_quot_vu_luc_quot__trung_quoc_thiet_hon_loi.html