Ngoại giao góp phần nâng cao vị thế đất nước

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22 đến 26-8, đã thảo luận nhiều nội dung thiết thực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu ngoại giao, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh, phục vụ cho công cuộc phát triển, hội nhập và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Bên lề Hội nghị, Báo Hànôịmới có cuộc trao đổi với một số Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài về tiềm năng hợp tác của đất nước trong tình hình mới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh:
Chủ động hơn nữa để thu hút đầu tư

Tôi cho rằng chiến lược và chính sách an ninh chung của Mỹ tiếp tục gắn kết với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; coi trọng hòa bình ổn định hợp tác với khu vực này do Mỹ có lợi ích ở đây. Mỹ cũng sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN và thúc đẩy quan hệ với các đối tác trong Hiệp hội, trong đó có Việt Nam. Quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là thiết lập được khuôn khổ hợp tác ổn định và lâu dài qua việc ký kết Đối tác toàn diện từ năm 2013.

Vấn đề là làm sao chúng ta khai thác hết tiềm năng của mối quan hệ đó, phát huy những lĩnh vực mà hai bên còn có thế mạnh. Về chính trị, chắc chắn việc tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, các cấp, thúc đẩy lòng tin, tôn trọng các nguyên tắc chỉ đạo của quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, trong đó vấn đề tôn trọng thể chế chính trị của nhau là rất quan trọng. Về đầu tư, Mỹ là nền kinh tế lớn nhưng hiện nay đầu tư mới khoảng 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, chúng ta cần chủ động hơn nữa để tạo sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị:
Thay đổi tư duy sản xuất, tạo chỗ đứng cho sản phẩm Việt

Quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ và nền kinh tế của Việt Nam và Australia có tính bổ sung lẫn nhau. Hai nước đang là thành viên của Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với Australia và New Zealand (AANZFTA). Hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia cũng như hàng hóa của Australia sang Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%.

Do vậy, vấn đề thuế quan trong thương mại hai chiều không đặt ra nữa. Vấn đề ở đây là Việt Nam phải có đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà Australia là một trong những mắt xích quan trọng. Mặc dù thương mại hai chiều giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ nhưng hiện vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật từ phía Australia như kiểm dịch khắt khe, vệ sinh an toàn thực phẩm và một số yêu cầu khác.

Thế nên, quan trọng là hàng hóa của chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của phía bạn. Các cơ quan trong nước, người nông dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp để từ đó Việt Nam có thể sản xuất được những loại hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng như Australia.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi:
Kinh tế phát triển, vị thế đất nước sẽ càng được củng cố

Trong bối cảnh hiện nay, quan trọng nhất là phải kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó có nội hàm chủ đạo là đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, xử lý quan hệ với các nước lớn cũng như từng lĩnh vực phải phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Trung Quốc đang trỗi dậy rất mạnh mẽ và tập hợp lực lượng trên thế giới đa tầng nấc. Nhưng tất cả các nước lớn đều mong muốn duy trì khuôn khổ quan hệ tương đối hòa bình. Đây là lợi ích giữa Việt Nam cũng như khu vực và các nước lớn có điểm tương đồng với nhau, đều mong muốn hòa bình và môi trường ổn định.

Khi Cộng đồng ASEAN chính thức vận hành vào cuối năm ngoái, hơn bao giờ hết vị thế đối ngoại của Việt Nam không những đối với từng nước lớn mà kể cả trong các tổ chức quốc tế đã được nâng cao. Tuy nhiên, ngoại giao phải dựa trên thực lực. Nếu đất nước ta lớn mạnh, nền kinh tế phát triển thì chắc chắn tiếng nói, vị thế sẽ ngày càng được củng cố trên thế giới.

Quang Huy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-ngoai/845845/ngoai-giao-gop-phan-nang-cao-vi-the-dat-nuoc