'Ngoại giao Gấu trúc' và quan hệ Trung – Mỹ

Tamnhin.net: Báo Trung Quốc đưa tin nhân dịp sinh nhật một năm con “Gấu trúc Bảo Bảo”, cả Mỹ và Trung Quốc đều tổ chức chúc mừng. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tới dự, Đệ nhất phu nhân hai nước gửi điện mừng. Gấu trúc được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Trung – Mỹ.

ảnh minh họa (nguồn Internet)

Quan hệ Trung – Mỹ sau hơn 20 năm thù địch đã được hòa dịu qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon năm 1972. Khi đó Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tặng bà Thelma Catherine "Pat" Ryan Nixon, vợ của Nixon cặp Gấu trúc (Gấu Mèo – Panda) có tên là “Linh Linh” và “Hưng Hưng” làm biểu tượng cho quan hệ hợp tác và tình hữu nghị hai nước. Kể từ đó Gấu trúc trở thành “Át chủ bài”, thành “Sứ giả Hữu nghị” của Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao với các nước.

Tới năm 1982, Trung Quốc đã tặng 23 con Gấu trúc cho 9 nước làm biểu tượng hữu nghị. Sau đó do tình trạng Gấu trúc có nguy cơ tiệt chủng và số lượng giảm xuống chỉ còn 1114 con, Trung Quốc thay đổi phương thức, không tặng như trước mà thay vào đó cho thuê với giá 1 triệu USD một cặp Gấu trúc trong 10 năm. Nếu cặp Gấu trúc sinh con, sau hai năm phải đưa về Trung Quốc để nuôi dưỡng để tăng số lượng, tránh bị tiệt chủng. Tới nay có 42 Gấu trúc là “Sứ giả ngoại giao Trung Quốc” ở các nước.

Ngày 26/8/2016, tại Vườn động vật Mỹ, Gấu trúc Bảo Bảo tròn một năm tuổi, hai nước tổ chức long trọng mừng ngày sinh nhật của nó. Rất đông người tới dự, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã tới dự và đọc điện chúc mừng Gấu trúc Bảo Bảo của Đệ nhất phu nhân hai nước Bành Lệ Viên và Michelle Obama, thậm chí còn tặng cho Gấu trúc cả một chiếc bánh ga – tô lớn. Phát biểu tại buổi lễ này, ông Thôi Thiên Khải nói: “Bảo vệ Gấu trúc là hình ảnh thu nhỏ bảo vệ quan hệ hợp tác Trung – Mỹ, thể hiện sự cố gắng chung của hai nước đối với động vật có nguy cơ tiệt chủng và môi trường sinh thái. Hy vọng hai nước tăng cường và triển khai hơn nữa các lĩnh vực giao lưu và hợp tác, tạo phúc cho nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế”.

Ông Giám đốc Vườn động vật Dennis Kelly nói: “Gấu trúc là chiếc cầu nối hữu nghị giữa hai nước, là biểu tượng cho tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước”.

Nói nhiều tới hữu nghị, nhưng thời gian qua chẳng có hữu nghị, trái lại mâu thuẫn hai nước trở nên gay gắt, nhất là sau khi Tòa án quốc tế La Hague ngày 12/7/2016 thông báo phán quyết trong đó hoàn toàn bác bỏ cái gọi là “Khu vực Lưỡi bò mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền của mình đối với Vùng đảo Trường Sa”. Trung Quốc cho rằng Mỹ đứng đằng sau và giật giây sự kiện này để chống Trung Quốc. Bởi vậy, từ các nhà Lãnh đạo cao nhất tới dân chúng Trung Quốc đều lên án Mỹ, thậm chí nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc dấy lên làn sóng chống Mỹ, dân chúng tiến hành biểu tình đưa ra khẩu hiệu tẩy chay hàng hóa, nhiều cửa hàng của Mỹ ở các thành phố như Hàng Châu (Chiết Giang), Trường Sa (Hồ Nam), Dương Châu (Giang Tô), Hà Bắc, Quảng Châu, trong đó cửa hàng ăn Kentucky bị thiệt hại nghiêm trọng nhất. Các báo lớn ở Trung Quốc như “Nhân dân nhật báo”, Tân Hoa Xã đều phải lên tiếng yêu cầu dân chúng “ngừng tay”, không nên bày tỏ tình cảm “yêu nước” một cách quá khích làm thiệt hại quyền lợi kinh tế của nước khác.

Cùng với biểu tình chống Mỹ, quân đội Trung Quốc đã liên tiến hành tập trận tại Khu vực Biển Đông với mục đích răn đe và ngăn chặn Mỹ, Nhật, như cuộc diễn tập quy mô lớn 5 ngày từ 5/7 tới 11/7/2016, tiếp đó ngày 16/7/2016 lại tiến hành diễn tập nhằm ngăn chặn các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc còn lên án Mỹ, Nhật xúi bẩy các nước ASEAN chống Trung Quốc và việc Mỹ tiến hành bố trí Hệ thống tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhằm vào Trung Quốc. Bởi vậy, liên tiếp trong ba ngày từ 5/8 tới 7/8/2016, Trung Quốc đã đưa 6 tàu cảnh sát biển cùng hơn 230 tàu cá tới khiểu khích Khu vực giáp ranh ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc tự nhận là Điếu Ngư lãnh thổ của mình. Phía Nhật Bản đã 6 lần đưa công hàm và hai lần triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản tới cảnh cáo và lên án.

Thời gian qua, Trung Quốc bị cô lập cao độ trong Khu vực và trên thế giới, bởi vậy, Trung Quốc lo ngại tiếp tục bị cô lập trong Hội nghị thượng đỉnh không chính thức G20 họp hai ngày ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) từ 4/9 tới 5/9/2016. Vì vậy, Trung Quốc buộc phải nhượng bộ, như liên tiếp trấn an và vỗ về các nước ASEAN. Tiếp đó, Trung Quốc đồng ý họp Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 8 ba nước Trung – Nhật – Hàn ở Tokyo ngày 24/8/2016. Trung Quốc mời Cục trưởng Cục an ninh quốc gia Nhật Bản Yachi Shotaro sang thăm và được Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp ngày 25/8/2016 để hòa dịu quan hệ hai nước. Đây là bước đi để tiến tới hòa dịu quan hệ với Mỹ trước thềm Hội nghị G20 tại Hàng Châu.

Báo chí Mỹ đưa tin Tổng thống Obama có chuyến thăm Châu Á lần thứ 11,trong đó ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức G20 tại Hàng Châu ngày 5/9/2016, tiếp đó ông thăm Lào và có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Lào Buôn Nang Vorachit. Tại Hàng Châu Trung Quốc, ông có cuộc hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình để thảo luận các vấn đề toàn cầu, khu vực cũng như quan hệ hai nước.

Dư luận cho rằng quan hệ hai nước Trung – Mỹ thời gian tới tiếp tục căng thẳng, nhất là hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Donald Trump và Hillary Clinton đều mạnh mẽ lên án Trung Quốc. Cả hai đều cam kết sẽ áp dụng chính sách cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trong bối cảnh này, thì Gấu trúc Bảo Bảo đóng vai trò quan trọng hòa dịu quan hệ hai nước. Tờ “Thế giới” của Đức ngày 22/8/2016 cho rằng Gấu trúc khó có thể cứu vãn nổi những mâu thuẫn trong quan hệ hai nước đang căng thẳng hiện nay. Tờ “Thời báo Niu Yooc” (New York Time) ngày 25/8/2016 cho rằng “Ngày sinh nhật của chú Gấu trúc mang hàm nghĩa địa chính trị quan trọng giữa hai nước”. Hai nước, nhất là Trung Quốc lợi dụng “Ngoại giao Gấu trúc” để tạo ra bầu không khí hòa dịu quan hệ hai nước. Tuy nhiên, từ lâu nay dư luận đều quen thuộc chiêu ngoại giao lợi dụng tính hiền dịu, đáng yêu của Gâu trúc để lấy lòng các nước. Nhưng liệu lần này có tác dụng hay không là chuyện khác.

Báo chí Hồng Kông cho biết do bị cô lập trên thế giới, nên lãnh đạo Trung Quốc áp dụng “Phương châm 3 hòa” trong Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu vào tháng 9/2016. Đó là “hòa giải, hòa hợp và hòa khí” để làm cho G20 giảm bớt căng thẳng với các nước, nhất là quan hệ Trung – Mỹ. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra chủ đề đơn thuần tập trung vào vấn đề kinh tế để lảng tránh vấn đề chính trị cũng như dư luận lên án Trung Quốc vừa qua dội vào Hội nghị này. Báo chí Mỹ ngày 27/8/2016 cho biết để giảm mâu thuẫn hai nước Mỹ - Trung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh không chính thức G20 cũng như tạo bầu không khí hòa dịu khi Obama sang dự Hội nghị, hai bên sẽ ký kết một Hiệp nghị về biến đổi khí hậu.

Gấu trúc đã đi trước một bước về ngoại giao để hòa dịu quan hệ Trung – Mỹ, nhưng dư luận đều cho rằng đây chỉ là kế sách tạm thời, vì mâu thuẫn giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ thuộc về lợi ích căn bản, mang tính chiến lược./.

Kiều Tỉnh

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/ngoai-giao-gau-truc-va-quan-he-trung-my-137877.html