Ngỡ ngàng bún chửi Hà Nội lên CNN

Có lần tôi đưa người bạn phương bắc đi đến một ngôi chợ nhỏ để mua quà bánh phương nam về tặng bạn bè, gia đình. Sau khi mua quà xong, người bạn ấy nói với tôi một cách ngạc nhiên: ...

Bà Thảo - chủ quán "bún chửi"

“Trong Sài Gòn nầy lạ thật. Bán hàng xong là người bán luôn cám ơn người mua. Ngoài em thì không bao giờ có”. Tôi bảo trong Sài Gòn nầy nó thế! Bởi vì từ trước đến nay người bán trong Sài Gòn quan niệm người bán mang ơn người mua.

Nếu bạn đi mua rau củ về nấu canh thì người bán sẽ cho thêm một mớ hành, ngò (mùi thơm). Có thể đây là lòng thơm thảo và cũng là “mánh” để cho người mua ghé lại thêm nhiều lần nữa. Cơ bản là quê bạn sống trong bao cấp lâu quá nên cái tâm thế người bán là người ban ơn vẫn còn in sâu không dễ gì một sớm một chiều mà phai đi được.

Tôi ra Hà Nội. Một người bạn văn đưa tôi đi ăn phở Bát Đàn. Bạn nói phở ở đây ngon và đặc biệt lắm. Đặc biệt sao? Khách phải tự bưng tô, cầm sẵn tiền, sắp hàng đến quầy chứ không ai phục vụ. Tôi liền từ chối. Ngon cỡ nào tôi cũng không thể ăn kiểu như được người bán bố thí. Và ngay cả ăn không trả tiền tôi cũng không đến.

Để giải quyết, bạn văn tôi đưa tôi đến quán cà phê đối diện và nhờ người phục vụ quán cà phê mua phở giùm. Phở ra sao? Cũng như cỡ Phú Gia trong nầy là cùng. Ngon có lẽ vì phải đứng sắp hàng như thời bao cấp? Nếu không nói ngon thì uổng công mình sao? Tôi nói với bạn trong Sài Gòn chưa bao giờ có cảnh người ăn phải đứng sắp hàng như vậy - ngay cả trong thời bao cấp.

Chúng tôi có thể đứng sắp hàng mua phiếu, không chen lấn nhưng đứng sắp hàng, bưng tô, cầm đũa muỗng chờ đợi như sắp được phát chẩn, bố thí thì không còn ra cái “thống chế” gì cả. Ngay thời uống bia kèm mồi: Một dĩa mồi có được một ấm bia, chúng tôi cũng ngồi ở bàn mà chờ phục vụ.

Nghe nói ở Hà Nội có hàng bún chửi được đưa lên xi-èn-èn (CNN) có người lấy làm hãnh diện. Ẩm thực đường phố ta đã được giới thiệu ra thế giới hoành tráng chưa?

Tôi thấy hoành tráng cái nỗi gì mà tự hào. Người làm phim truyền hình luôn muốn đi tìm cái lạ ở đất nước họ đến. Ở xứ họ có bao giờ được nghe cũng như thấy người bán có uy quyền với khách như ở Hà Nội ta. Bởi vậy, trong con mắt truyền hình, đây là chuyện hiếm, lạ mà không quý. Cho khán giả xem để biết cho... vui. Để hiểu thêm cách buôn bán ở Hà Nội.

Thôi đây là thói quen của bà chủ bán quán chửi. Ta không bàn. Chúng ta nên tự hỏi tại sao có khách bị chủ quán chửi mà vẫn đến ăn. Hay là quán nầy ngon nhất xứ hà thành vô đối thủ? Hoặc là nó quá rẻ. Rẻ như cho không? Cũng có thể quán nầy ngon vì có kèm theo tiếng chửi. Chẳng biết. Thôi cứ cho là quán nầy vừa ngon, nhiều bổ mà lại rẻ. Chịu đựng tiếng chửi chút nhưng ăn được miếng ăn giá rẻ thì có sao? Nhưng thực ra cũng không hề rẻ hơn những quán ăn khác. Thế mà tại sao họ lại vẫn cứ ăn?

Thôi cứ cho là quán rất ngon, ngon lắm. Duy nhất ở Hà thành quán nầy là bá chủ. Nhưng để ăn miếng ngon mà bị chửi thì có nên không? Tôi thì nhất quyết không ăn rồi đó. Ở Sài Gòn, nghe nói cũng có một quán miến chửi cũng do một người phương bắc làm chủ với hương vị Hà Nội. Khách hàng cũng đông, mỗi sáng xe cộ của nam thanh nữ tú chật lề đường.

Nhưng tôi không hề vào vì quan niệm chỉ vì một miếng ngon, hợp khẩu vị mà nghe chửi - dù cho chửi người khác - thì nhục, ức chế vô cùng làm sao ăn được? Hay là những thực khách ở đây đang mang một tâm thế của AQ: Nó chửi mình như chửi cha nó hoặc nhẹ hơn là nó chửi thằng khác chứ không phải chửi mình.

Chính vì những vị thực khách nầy nên bà chủ quán mới dám chửi. Nếu như mọi thực khách đều tẩy chay thì hỏi bà chủ quán chửi sẽ bán cho ai hay là phải đổi thái độ tươi cười, giòn giã “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhưng chưa thực khách nào vì lòng tự ái của mình cao hơn miếng ăn nên vẫn chui đến quán để nghe chửi. Thôi, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thì chịu vậy, phàn nàn làm chi.

Bây giờ nghe bà chủ nói từ khi được đưa lên xi-èn-èn quán bà lại còn đông thực khách hơn nữa. Thôi thì quán chửi thì cứ chửi, ta ăn thì cứ ăn cho nó sành điệu vì đã được lên tivi nước ngoài, oách nhé. Mình cứ cắm đầu ăn... ăn.. ăn... còn chủ quán chửi... chửi... chửi... Cứ đề huề vui sống, miễn có ăn là tốt. Vui ra phết, nhể?

Người Việt một phen ngỡ ngàng khi kênh truyền hình lừng danh nhất thế giới CNN giới thiệu một nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam là... bún chửi ở Hà Nội.

Đầu bếp Anthony Bourdain (người đã cùng ăn bún chả với Tổng thống Obama tại thủ đô) không biết đang thật hay đang đùa, để làm một chương trình kéo dài hơn 40 phút mang đầy tính quái dị như vậy! Xem tiết mục của Anthony Bourdain, không khó để nhận ra đó là quán bún nhỏ chuyên bán bún sườn móng giò, bún dọc mùng mà người Hà Nội quen gọi là Bún chửi Ngô Sĩ Liên hoặc Bún chửi bà Thảo.

Đặc trưng của quán là bà chủ quán lúc nào cũng luôn miệng la mắng, nói mát khách hàng bằng thứ giọng the thé... Chính đầu bếp Anthony Bourdain cũng không giấu nổi sự kinh ngạc khi chứng kiến cách mà bà chủ đối thoại với khách hàng. Đầu bếp Anthony Bourdain nhận xét “quán gắn liền với bà chủ nổi tiếng vì cách giao tiếp thẳng thắn và suồng sã với khách”.

Trên màn ảnh mà CNN phát sóng, có cảnh một thực khách nữ đứng chọn món, bà chủ quán gắt: “Gọi cái gì gọi nhanh lên, gọi gì mà lâu thế!”. Vị khách chọn món bún lưỡi với mọc, thì ngay lập tức bị đốp chát: “Nhà chị không có mọc. Em thích mọc, em ra ngoài chợ ấy. Ngoài chợ đầy mọc. Thôi tốt nhất là tự đi về nhà nấu lấy ăn nhé. Ở đây không nấu. Đi luôn!”.

Bà Thảo, chủ quán bún chửi được (hay... bị?) đưa lên CNN cho biết mình đã bán hàng từ năm 1984, từ 11h đến 19h30 hàng ngày.

Chia sẻ về kỹ nghệ... chửi, bà Thảo chia sẻ: “Tính tôi rất nóng, trong khi đông khách, khách hàng đòi hỏi nhiều là tôi cũng có mắng và nói những lời khó nghe.

Không biết từ khi nào mọi người gọi quán tôi là bún chửi, bởi nhiều lúc cũng nghĩ lại mình cũng hơi quá đáng trong việc cư xử với khách hàng, nhân viên.

Thời gian qua có nhiều bạn bè khuyên tôi là nên nhã nhặn một chút để còn mưu sinh, cộng thêm thời gian vừa qua báo, đài đưa tin về quán tôi nhiều. Trong đó, có người khen, người chê.

Nhưng tôi nghĩ, tôi đã có tuổi rồi sẽ để ý hơn về cách giao tiếp với khách hàng, bạn bè, nhân viên. Điều quan trọng hơn hết tôi giờ có 2 cháu, một cháu nội, một cháu ngoại nên cũng phải làm gương cho các cháu sau này”.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, chính bà Thảo khẳng định: “Từ khi báo, đài đưa tin thì lượng khách nhà tôi tăng gấp đôi”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ngo-ngang-bun-chui-ha-noi-len-cnn-post178032.html