Ngộ độc thuốc điều trị tiểu đường, cụ ông nguy kịch

Nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy thận cấp, hạ đường huyết, tăng lactat máu nặng... bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc Metformin. Dù được bác sĩ điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân vẫn sớm bị biến chứng ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng, tiên lượng khá dè dặt.

Ngày 19/10, Đại tá - BSCKII Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Quân Y 175, TPHCM cho hay, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc điều trị đái tháo đường.

Tình trạng ngộ độc dẫn tới biến chứng viêm phổi khiến bệnh nhân lâm vào nguy kịch.

Bệnh nhân là ông Phạm Hoài Th. (64 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện ngày 28/9 trong tình trạng hôn mê, rối loạn tri giác, suy thận cấp (vô niệu); rối loạn nội môi nặng (nhiễm toan chuyển hóa và tăng lactat máu rất nặng), hạ đường huyết khó kiểm soát...

Khai thác bệnh sử ghi nhận, người bệnh có tiền tử đái tháo đường týp II và tăng huyết áp hơn 10 năm. Đang điều trị đều đặn bằng thuốc Metformin (loại thuốc điều trị đái tháo đường dạng uống viên 850mg). Khi kiểm tra số lượng thuốc bệnh nhân đang dùng, bác sĩ phát hiện, đơn thuốc được cấp trong 1 tháng nhưng bệnh nhân mới uống nửa tháng đã hết.

Từ các triệu chứng điển hình, kết hợp với bệnh sử và cách dùng thuốc của người bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc điều trị tiểu đường Metformin. Bệnh nhân đã được cấp cứu điều trị tích cực: hồi sinh tim phổi, lọc máu liên tục và lọc thận, hạ thân nhiệt kiểm soát kết hợp điều chỉnh rối loạn nội môi, kiểm soát hô hấp bằng thở máy…

Sau 5 ngày điều trị, tình trạng rối loạn nội môi bước đầu được kiểm soát, các chỉ số khí máu đã trở về bình thường, tình trạng suy thận dần phục hồi và giảm được liều thuốc vận mạch. Dù tri giác được cải thiện, song bệnh nhân lại gặp phải biến chứng viêm phổi do thở máy kéo dài khiến tiên lượng điều trị khá khó khăn. Nguyên nhân của ngộ độc có thể do bệnh nhân uống thuốc quá liều kết hợp với không được kiểm soát tốt chức năng thận trước và trong điều trị khiến thuốc tích lũy và gây ngộ độc.

Qua trường hợp trên, BS Đức Thành khuyến cáo cộng đồng, với những bệnh nhân bị tiểu đường điều trị bằng Metformin cần được đánh giá chức năng thận trước khi điều trị, sau đó đánh giá định kỳ ít nhất một lấn/năm với bệnh nhân có chức năng thận bình thường, mỗi 3-6 tháng/lần với những bệnh nhân có rối loạn chức năng thận hoặc bệnh nhân là người cao tuổi. Đối với bệnh nhân lớn tuổi, trí nhớ đã suy giảm, người thân nên quan tâm, hỗ trợ bệnh nhân trong việc kiểm soát liều lượng thuốc uống hàng ngày (có hộp chia liều thuốc) để tránh tình trạng bệnh nhân quên uống thuốc hoặc uống thuốc quá liều, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Vân Sơn

Xem thêm video:

Nguồn: Dân Trí

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/ngo-doc-thuoc-dieu-tri-tieu-duong-cu-ong-nguy-kich-a166784.html