Ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Tiếp theo số báo ra ngày 30-7 và hết)

Cam kết không để... cất vào tủ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho công nhân có thể nâng cao năng suất lao động lên đến 20%. Điều này cho thấy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các bếp ăn tập thể không chỉ vì sức khỏe người lao động mà còn bảo đảm lợi ích, năng suất cho doanh nghiệp. Do đó, việc tổ chức, quản lý bữa ăn tập thể bảo đảm ATTP tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) rất quan trọng và cần thiết.

Theo Luật ATTP, công tác bảo đảm ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các KCN, KCX thực hiện theo 5 nguyên tắc, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sự phân cấp quản lý rõ ràng và phối hợp liên ngành với cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý quản lý về VSATTP tại bếp ăn tập thể tương đối đầy đủ, vấn đề là việc triển khai sao cho hiệu quả. Một bất cập hiện nay là nhiều địa phương có quy định, nếu kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX phải thông báo trước từ 7 đến 10 ngày cho Ban quản lý và phải được sự chấp thuận của chủ doanh nghiệp. Như vậy, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại bếp ăn tập thể sẽ mất tác dụng. Đó cũng chính là một phần lý do cơ quan chức năng chỉ phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cung cấp bữa ăn khi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng, về mặt thủ tục pháp lý, các bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải ký giấy cam kết bảo đảm VSATTP, có giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh. Thế nhưng, trên thực tế, các cơ sở ký cam kết xong mang giấy về... cất vào tủ. Khi thanh tra, nhiều cơ sở loay hoay tìm không ra giấy cam kết. Như vậy thì làm sao nắm chắc nội dung để thực hiện cho đúng. Thậm chí, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng xem như đã hoàn thành xong nhiệm vụ và không chủ động cập nhật thêm kiến thức qua những lớp tập huấn về ATTP nữa…

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, những năm gần đây, các KCN phát triển mạnh, mỗi KCN có hàng trăm bếp ăn tập thể. Mỗi bếp ăn tập thể lại có rất đông công nhân tham gia nên năm nào cũng xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, tập trung nhiều nhất vào mùa hè. Theo báo cáo từ các địa phương, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại một số tỉnh phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang cao hơn các nơi khác vì đó là những địa phương tập trung nhiều KCN. Gần như 100% các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận đầu năm 2016 đều xuất phát từ các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn. Nguyên nhân do thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng xa, phương tiện vận chuyển không bảo đảm. Đặc biệt, quy trình sơ chế thực phẩm không hợp vệ sinh cũng là lý do chính khiến thực phẩm nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm tại các KCX - KCN.

Truy cứu trách nhiệm đến cùng

Để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, theo ông Nguyễn Hùng Long, các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thanh tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các cơ sở nuôi trồng nông sản để ngăn chặn tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời kiên quyết xử phạt những cơ sở vi phạm, không bảo đảm ATTP, đặc biệt cần gắn trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến ATTP. “Ngoài ra, tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp cần đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giám sát bữa ăn sao cho bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Vai trò giám sát tại chỗ của tổ chức Công đoàn rất quan trọng vì các cơ quan quản lý không thể giám sát liên tục được” - ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, nơi nào để xảy ra ngộ độc tập thể phải truy cứu trách nhiệm đến cùng. Trong mục 5 Điều 53, Luật ATTP quy định, những tổ chức, cá nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm thì phải đền bù chi phí cho người bị hại. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bữa cỗ tập trung đông người thì trách nhiệm thuộc về nơi tổ chức bữa cỗ và nơi cung cấp thực phẩm. Nếu ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, xí nghiệp thì trách nhiệm thuộc về cơ quan, xí nghiệp tổ chức bếp ăn đó. Nếu là bếp ăn của nhà thầu thì trách nhiệm thuộc về nhà thầu đó.

Ngoài việc siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng thì ý thức, đạo đức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm và chính công nhân lao động cũng là những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, nên có quy định về định lượng tối thiểu giá trị của một suất ăn theo từng thời điểm và phải được công nhân của công ty giám sát. Khi ký hợp đồng lao động, công nhân phải chú ý tới các điều khoản, đặc biệt phần kinh phí cho ăn uống, tránh tình trạng giá trị suất ăn được hỗ trợ quá thấp.

Hơn nữa, đã đến lúc các doanh nghiệp phải nhận thức rõ, nếu công nhân có sức khỏe tốt, tái tạo được sức lao động sẽ góp phần nâng cao năng suất công việc, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Còn nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì doanh nghiệp không những phải nộp phạt, nộp chi phí điều tra, viện phí cho công nhân... mà còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề về uy tín.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/842689/ngo-doc-thuc-pham-tai-cac-bep-an-tap-the-o-doanh-nghiep-trach-nhiem-thuoc-ve-ai