Ngộ độc so biển, 4 người suýt bỏ mạng

Do nhận diện lầm hình dáng, tưởng so biển là sam biển, 4 người dân Cần Đước (Long An) suýt chết sau khi ăn trứng so.

Trên giường bệnh của Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, sáng ngày 3/6, ông H.T.P, 60 tuổi, cho biết từ nay ông không còn chủ quan nữa khi ăn hải sản.

Ông kể: “Trưa ngày 1/6, vài anh em quanh nhà mang đến hai con sam mang về từ Cần Giờ và rủ tôi luộc ăn nhấm nháp với rượu. Nhìn qua hình dáng con sam này, tôi hơi ngờ ngợ vì đuôi nó hình tròn, giống con so hơn, tôi không dám ăn vì biết nó rất độc. Nhưng phần do chủ quan, phần nghe bạn bè rủ rê, tôi ăn thử hai muỗng trứng, kết quả là hơn một giờ sau bị ngộ độc”.

Không chỉ ông P., ba “bạn nhậu” của ông cũng ngộ độc với triệu chứng như nhau: tê tay chân, chóng mặt, đi đứng loạng choạng như người say rượu.

Sau khi vào bệnh viện địa phương sơ cứu ban đầu (gây ói, truyền dịch, nâng thể trạng) cả 4 nạn nhân lần lượt được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Khi nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy, tất cả đều không tự đi được vì yếu tay chân, khó thở, nói khó.

Sau khi khai thác tiền sử bệnh nhân, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc so biển, nên tiến hành cấp cứu, hồi sức, giải quyết các triệu chứng.

Sau 24 giờ được điều trị tích cực, một nạn nhân đã xuất viện. Đến sáng ngày 3/6 bệnh viện còn giữ lại theo dõi ba người, hai người sẽ được xuất viện trong ngày, nạn nhân lớn tuổi nhất (H.T.P) cũng sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Theo ThS-BS Võ Ngọc Anh Thơ, phó khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, dù truyền thông cảnh báo rất nhiều, nhưng tình trạng ngộ độc so trong cộng đồng vẫn tiếp tục xảy ra rải rác, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca ngộ độc so.

BS Thơ cho biết so biển (tên khoa học là Carcinoscorpius rotundicauda), người dân thường nhầm với sam biển. So tiết ra một độc tố có tên tetrodotoxins, gây các biểu hiện thần kinh nặng như tê môi, tê tay chân, suy hô hấp, trụy tim mạch, trường hợp nặng có thể tử vong.

Trong những năm qua trên cả nước cũng từn ghi nhận những ca tử vong do ngộ độc so, do nạn nhân ăn số lượng nhiều và đến bệnh viện quá trễ.

“Độc tố tetrodotoxins hiện diện chủ yếu trong da, gan, trứng, bộ phận sinh dục của so biển và bền với nhiệt độ. Vì thế dù xử lý với nhiệt, độc tố vẫn có thể gây độc cho người ăn”, BS Thơ thông tin .

Cũng theo BS Thơ, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra được chất đối kháng độc tố tetrodotoxins, nên với những trường hợp ngộ độc so biển nạn nhân chủ yếu được điều trị bằng cách súc rửa dạ dày, uống than hoạt và điều trị hỗ trợ (nâng đở hô hấp, tim mạch).

BS Thơ lưu ý người dân cần phân biệt kỹ so biển và sam biển để tránh bị ngộ độc. Không ít người dân vẫn nghĩ so biển là sam nhỏ vì nhìn chung chúng giống nhau. Nhưng thực tế sam khi trưởng thành có kích thước lớn và nặng hơn (3 – 4 ký/con), sống ven biển, đi thành từng cặp; trong khi đó so có kích thước nhỏ, di chuyển đơn lẽ và nhẹ hơn (1 ký trở xuống).

Phân biệt rõ nhất là đuôi sam có gờ rõ, thiết diện cắt ngang có hình tam giác, trong khi so có đuôi tròn và thiết diện cắt ngang là hình tròn.

Theo BS Thơ, may mắn cho 4 nạn nhân trong trường hợp ngộ độc so biển này là họ cũng có chút hiểu biết, nên khi thấy có dấu hiệu lạ, họ kêu người nhà đưa đến bệnh viện ngay.

“Nếu phát hiện người nhà bị ngộ độc so biển, thân nhân nên cho họ nằm đầu nghiêng và thấp, không nên cố móc họng cho nạn nhân để gây ói vì có thể làm cho chất độc trôi vào đường thở. Nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời”, BS Thơ khuyến cáo.

Trong khi đó, với bà T.T.R, vợ nạn nhân H.T.P, có lẽ bà đã có được một trải nghiệm kinh hoàng nhất trong cuộc đời về trường hợp ngộ độc này. Bà kể lại trong sáng ngày 3/6: “Ông ấy như đứa trẻ lên một tuổi, đặt ngồi lên là ngã vật ra. Đến sáng nay ông ấy đi lại vẫn cần người dìu. Nhưng tình trạng tốt hơn rồi. Nhà tôi vẫn còn hai con so, nhưng giờ đây tôi đã quá sợ”.

Bình Yên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ngo-doc-so-bien-4-nguoi-suyt-bo-mang-d94210.html